Giai phẩm xuân
Khi những cánh đào, mai, cây quả rực rỡ sắc màu, độc đáo hình thế tưng bừng khoe sắc là lòng đã chộn rộn với xuân. Chỉ cần thấy bóng dáng xuân, không khí mừng đón tết về là vị giác thèm thuồng hương vị bánh chưng, bánh tét, thịt đông, các loại mứt... Và cũng trong những ngày xốn xang, hồ hởi, bận bịu ấy, nhiều người vẫn không quên tìm đến miền xuân trên từng trang sách, trong những giai phẩm đặc biệt của các tòa soạn báo, tạp chí, đơn vị xuất bản uy tín như sắm sửa chút quà cho đời sống tâm hồn thêm thăng hoa.
Sách Tết Giáp Thìn 2024 - Hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày tết do Công ty CP Văn hóa Đông A và NXB Văn học liên kết ấn hành.
Chẳng biết với những người khác như thế nào, riêng với những người làm báo như chúng tôi luôn cảm nhận được không khí tết đến, xuân về từ rất sớm. Trên những nẻo đường tác nghiệp, bước chân qua bao nhiêu vùng đất, điểm mặt qua bao nhiêu sự kiện, tin tức, gặp gỡ biết bao con người, lắng nghe bao chuyện nhân tình thế thái cũng tự nhủ phải biết chắt lọc, nuôi dưỡng ý tưởng, lựa chọn để có những đề tài, bài viết, sản phẩm sao cho “xứng tầm” với các ấn phẩm báo xuân. Rồi trước đó cả một, hai tháng, ngoài các công việc như thường lệ, chúng tôi rục rịch đăng ký đề cương, tất bật thực hiện. Thường ngày, tin, bài rôm rả là thế nhưng ai ai cũng mong muốn được “góp tên” ở một trong các ấn phẩm đặc biệt ấy như cách lưu dấu ấn, khép lại một năm vẹn tròn cùng độc giả thân mến gần xa.
Và lẽ đương nhiên, ấn phẩm đặc biệt thì tiêu chí đặt ra luôn khắt khe, nghiêm cẩn hơn tất thảy. Nó không chỉ là câu chuyện đúng - sai, nặng - nhẹ của dữ liệu, sự kiện mà cốt làm sao phác thảo được diện mạo, tinh thần xuân/tết vừa hòa vào dòng chảy chung vừa mang đậm phong vị, bản sắc riêng. Chuyện thời sự, chính trị tạm “nhường chỗ” cho những tâm tình, thủ thỉ, “ôn cố tri tân”, miên man hồi tưởng, muôn mặt đời thường... Sắc thái văn hóa - văn nghệ, tâm linh, tín ngưỡng đa sắc, đa thanh tỏa rạng trên từng trang báo xuân. Tâm thức chung là vậy. Xuân sang, tết đến, vội vàng chi mà nói chuyện “lên gân lên cốt”? Chồi non lộc biếc đang sung sức bật mầm trên cành lá sao phải bắt đầu bằng những gai góc, xù xì, tổn thương? Lòng người đang hân hoan, rộn ràng thế, sao không từ đó mà ươm lên niềm tin, hy vọng, hoài bão...
Chăm chút nội dung bao nhiêu thì hình thức cũng phải sóng đôi như thế, đúng tiêu chí “tốt gỗ, tốt nước sơn”. Tổ họa sĩ sẽ được dịp thăng hoa ý tưởng, thử thách mình. Trên từng trang báo sẽ có thêm những bức ảnh, tranh minh họa bắt mắt, sinh động. Cách trình bày cũng sẽ khác đi, mới mẻ hơn thường ngày. Và đặc biệt là bìa báo sẽ thổi bừng lên những ấn tượng, hình dung. Như ánh mắt, nụ cười duyên của người thiếu nữ, bìa báo là điều thu hút bạn đọc đầu tiên, cũng là cách để mỗi tờ báo “định vị”, giới thiệu mình giữa một “vườn sắc hương”. Do đó, bìa báo xuân không chỉ đảm bảo yếu tố chính trị, tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Hơn hết, ở đó phải cho thấy những sáng tạo nghệ thuật, truyền tải được thông điệp ý nghĩa, tôn vinh giá trị nhân văn sâu sắc.
Lịch sử báo chí nước ta ghi nhận: Tết Mậu Ngọ 1918, tờ Nam Phong lần đầu phát hành giai phẩm xuân, đây cũng được xem là tờ báo xuân đầu tiên của Việt Nam. Hơn 100 năm đã qua, lời thưa gửi của tòa soạn khi ấy vẫn bừng lên một sức sống, tinh thần tươi mới, mở ra những sắc xuân rạng ngời, thú vị: “Cả năm có ngày tết là vui. Vui ấy là vui chung cả mọi người, vui suốt trong xã hội, vui khắp một quốc dân...”. Trong những ngày xuân nồng nàn niềm vui, ngập tràn hạnh phúc và ý niệm về sự khởi đầu mới, “bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai nhịp” với khúc hoan ca chung của đất trời, lòng người. Chủ trương của Nam Phong khi làm số báo đặc biệt ấy “trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới”...
Hơn 100 năm hành trình báo xuân - định lượng thời gian ấy nói với hậu thế hôm nay và mai sau ấy là cả một hành trình lịch sử - văn hóa độc đáo, thú vị, là nỗ lực kế thừa và phát huy giá trị tinh thần tốt đẹp, vô giá của nhiều thế hệ cầm bút để dụng công bày biện sao cho khéo, cho tinh “mâm cỗ” tinh thần cho độc giả trong những thiêng liêng của đất trời, của đời người. Chẳng phải đó cũng là minh chứng sinh động, việc làm thiết thực, hiệu quả cho khát vọng chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đó sao?
Những giai phẩm xuân đã trở thành món ăn tinh thần của nhiều độc giả trong dịp tết đến, xuân về.
Câu chuyện “bếp núc”, tâm tình người làm báo gửi gắm trong các ấn phẩm xuân là vậy. Những sinh hoạt văn hóa gắn liền với những tờ báo xuân, giai phẩm xuân, tập sách chuyên đề về xuân từ lâu đã trở thành nét đẹp truyền thống không dễ gì thay thế được. Bởi thế nên trải qua dâu bể cuộc đời, đậm - nhạt có lúc, giai phẩm xuân vẫn bền bỉ sức sống.
Những năm gần đây, cùng với sự đón đợi của lòng người và nỗ lực, tâm huyết của các đơn vị xuất bản - phát hành, dòng sách tết dần được hồi sinh, trở thành xu hướng, sản phẩm văn hóa độc đáo, món quà tao nhã, tinh tế gửi tặng nhau và tặng chính mình cùng ấm áp xuân sang. Để niềm vui thêm vui, một số đơn vị xuất bản đã đổi mới, sáng tạo. Những cuốn sách tết không chỉ chỉn chu về hình thức, ấn tượng về nội dung mà được thực hiện song song 2 ấn bản bìa cứng và bìa mềm để độc giả lựa chọn. Với mỗi ấn phẩm sẽ có một số lượng sách giới hạn được đánh số và thêm một số trải nghiệm khác. Giá thành sẽ nhỉnh hơn đôi phần so với bản thường nhưng có giá trị sưu tầm, lưu giữ rất riêng...
Ngày xuân nhẩn nha với nhịp sống chậm hơn hằng ngày, gác lại bao bộn bề để tìm đến những trang văn, vần thơ, ý nhạc, nét vẽ của bao anh tài: “Thiều quang chín chục, gió ấm mưa êm, thời tiết ấy cũng hợp với sự đọc sách xem văn hơn các thời tiết khác. Trước những cảnh hoa đào dạn gió, tơ liễu buông mành, cái én đưa thoi, con oanh học nói mà ta rót chén rượu, thắp nén hương, ngâm câu thơ, đọc những bài văn có ý vị, thì tính tình khoan khoái biết chừng nào. Thế thì văn chương tức là thuốc chữa cho những bệnh: sầu xuân, cảm xuân...”. (Văn chương với ngày xuân - Nhật Nam thư xã).
Đâu đó gần xa những ngày tết đến, xuân về vẫn rộ lên ý kiến tranh luận có hay không nên bỏ cái lễ, cái phong tục này bởi sự cầu kỳ, tốn kém, không hợp thời. Lật ngay trang sách tết, lấy cái lý lẽ, lập luận sắc bén của người xưa mà đối đáp: “Tết Nguyên đán là một lệ cổ mà nước Việt Nam ta gìn giữ kể đã mấy ngàn năm rồi... Giữ lại hay bỏ đi thì non sông đất nước cũng vẫn là non sông đất nước này... Ngày tết đối với dân tộc Việt Nam là một ngày đầm ấm vui vầy, có hàm một cái ý nghĩa rất là thâm trầm cao thượng... Ngày tết tức là ngày để ghi cho biết rằng cuộc đời người ta đã đi khỏi được một độ trong con đường dài... Ngày tết lại là ngày cúng giỗ, phụng sự tổ tiên để kẻ con cháu nhớ lại công đức “cây cội nước nguồn”. Có người vì mưu lấy hạnh phúc cho cuộc đời mà phải xa cách quê hương, nếu không có ngày tết, ngày nặng nghĩa tôn giáo gia tộc khiến cho lòng khắc khoải vì tiếng thiêng liêng của hồn nòi giống gọi về, về cho cha con, anh em, họ hàng sum họp vui vầy để thỏa tấm lòng du tử thì đời người còn gì thú vị nữa” (Lời hoa, Đông Hồ nhuận sắc, Trí Đức học xã xuất bản).
Phong vị đáng trân trọng, tự hào nhất của ngày tết ở nước ta chính là “quả tim người và quả tim trời đất như đập cùng một nhịp”. Ở đó, những giai phẩm xuân cũng góp những nhịp đập ấm nóng, làm cho khí xuân, sắc xuân thêm căng tràn, lan tỏa...
Hoàng Linh
{name} - {time}
-
2024-11-21 21:16:00
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 1): Chuyện về những “báu vật sống”
-
2024-11-21 16:11:00
Thị trấn tại Mỹ hai tháng không nhìn thấy ánh nắng Mặt Trời
-
2024-02-06 23:38:00
Xuân xưa trong ký ức thi ca...
Để các lễ hội mùa xuân diễn ra an toàn, lành mạnh
Không để xảy ra biến tướng, lợi dụng hoạt động tâm linh trục lợi trong dịp Tết
Cặp đôi siêu giàu Ấn Độ tổ chức đám cưới tại Thị trấn Hoàng Hôn
[E-Magazine] – “Tết Việt”- Giữ hồn Tết xưa!
Không gian tết xưa tại làng cổ Đông Sơn
Tết Việt trong lòng bạn bè
“Tết xưa, làng cổ” Xuân Giáp Thìn năm 2024
[Podcast] Truyện ngắn: Áo mới hoa đào
Thành Sơn gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch