Nhóm tác giả của Tập san sử, địa đã cất công đi tìm bản sắc Việt qua các phong tục Tết và gọi nó là một gia tài góp công từ các “tinh túy của các sắc dân”.
Bài viết “Vũ trụ âm dương” của tác giả Nguyễn Đăng Thục tìm hiểu về cái khuôn trong “vòng vũ trụ quan Âm Dương”. Trong vũ trụ quan ấy, tác giả đã tìm ra một điều lý thú đó là sự vận hành nhịp nhàng của không gian và thời gian theo đúng tinh thần Lễ, Nhạc hài hòa giữa trật tự bên ngoài và trật tự ở bên trong. Và trong chính tiềm thức của cư dân nông nghiệp bao đời đã lấy dấu mốc ngày giờ linh thiêng để đánh dấu mốc khởi đầu của một năm mới cho một vận số mới.
Tìm hiểu về các nghi lễ triều đình Huế là một bài viết khá thú vị của tác giả Bửu Kế. Theo tác giả, các nghi lễ này thường chia thành 2 loại: loại định kỳ và loại bất thường. Lễ bất thường có thể kể đến như: lễ tuyên phong, lễ đón tiếp phái đoàn ngoại quốc, lễ đăng quang... Lễ định kỳ lớn nhất là Lễ Tế giao với ý nghĩa vua là con trời nên phải tạ ân của trời hằng mong trị nước thuận hòa. Lễ Nguyên đán cũng được cử hành long trọng tại Đại nội, lăng, chùa... Chính lễ thường được cử hành vào sáng mùng Một. Vua ngự ở điện Thái Hòa, ngồi lên ngai, mặc áo đại triều để bá quan văn võ lạy mừng...
Điểm thú vị là Lễ du xuân từ thời Nguyễn khởi nguồn là do sáng kiến của người Pháp. Sự là: trước tin vua Đồng Khánh bị giam lỏng trong đại nội nên ngày xuân vua tổ chức đi dạo để nhân dân được hay. Từ đó các triều sau như Khải Định và Bảo Đại đều có lễ Du xuân.
Cũng trong bài viết này, bạn đọc sẽ lý giải được phong tục của người Huế, nhất là những gia đình dọc hai bên bờ sông Hương trong tháng giêng lúc nào cũng sẵn trống mõ, thùng sắt, roi dâu... Hễ nghe tiếng súng thần công trong lễ tế thần Đạo Kỳ thì nhà nào nhà nấy đánh trống, đánh mõ. Vì họ tin rằng đây là phương pháp hữu hiệu xua đuổi ma quỷ.
Trong một bài viết tìm hiểu về Lễ tiến Xuân - nghênh Xuân dưới triều Nguyễn, tác giả Phan Khoang cho rằng: lễ này nhằm mục đích cung tiến thần coi về cây cối và mùa xuân. Nghinh xuân với hàm ý dẫn hòa khí đến, khuyến nông, canh nông nghĩa là vậy.
Với một giọng viết vừa mượt, vừa hài dí dỏm dễ thương, Vương Hồng Sển đã nhắc nhớ lại một phong tục Tết nhỏ trong Nam đó là nghi lễ dâng lên tổ tiên nồi cháo cá ám. Cháo cá ám được nấu trong lễ cúng Tất- Tết nhà tết cửa vào ngày mùng 4 Tết. Cháo cá ám là nấu nồi cháo thật kỹ, cá để nguyên con, khi nấu không đậy vung. Nghĩa là 3 ngày Tết ăn nhiều món khó tiêu, đến ngày mùng 4 nấu nồi cá ám cùng rau thơm, chuối non xắt nhỏ. Bí quyết ăn uống của các cụ ngày xưa thuần hậu mà thực tiễn cũng là vậy. Cũng theo tác giả, Tết Nguyên đán cần được bảo tồn với nét tinh túy từ trong Cổ tục: nghĩa là hiếu kính tổ tiên, trả ơn đất trời... Dẫu có cần giản dị hóa các lễ nghi rườm rà không hợp lẽ thì những nét đẹp trong cổ tục cần phải gìn giữ ở một xứ mà luôn lấy việc nông tang làm gốc. Vương Hồng Sển đã nhắc nhớ vậy từ những năm 1966, có lẽ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Còn với đồng bào Chàm ở Ninh Thuận Bình Thuận thì sao? Họ cũng có những nét đẹp trong thưởng xuân. Rồi lối đánh bài chòi ở Bình Định. “Chỉ có ngừi nhà nghề mới phân biệt hô thai là lối hát những câu lục bát theo nhịp ngân nga và hô bài chòi là hô thai trong trò chơi bài chòi”. Tất cả những điều này nếu không có những khảo cứu, so sánh có lẽ ít người biết và nhận ra...
Trong bài viết Cổ nhân và các tục lệ về ngày xuân, một tác giả đã cho rằng: Dân tộc tranh đấu nhiều cho cuộc sống thường yêu đời hơn mọi dân tộc khác. Những tập tục được ra đời có lẽ nhằm phục vụ tối đa cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ngày nay, giới trẻ thường hay có câu: ăn Tết hay là để Tết ăn. Rồi thì cũng có những gia đình chọn lối du xuân thay vì thưởng Tết theo tục lệ cũ. Có thể mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh con người ta sẽ lựa chọn ứng xử riêng cho phù hợp. Tuy nhiên, ngẫm trong Cổ tục để mới thấy người xưa gửi gắm nhiều quan niệm nhân sinh đáng quý đến mức nào.
Người Việt có tục thờ cúng tổ tiên là bởi quan niệm người chết chưa bao giờ là hết trong tâm thức người đang sống. Hiếu kính tổ tiên và biết ơn trời đất trong vòng quay vũ trụ Âm dương hài hòa - đó là đạo hầu như có trong các dân tộc hiện đang sinh sống trên dải đất hình chữ S. “Người Đông Phương như ta thấy trong mọi hành động đều chú trọng vào phần tinh thần nhiều hơn cả”. Một tác giả đã nói vậy trong Tết Việt, có lẽ điều đó luôn đúng.
Cũng theo quan niệm người xưa, mùa thu, mùa đông vạn vật đều tiêu sái, ngơi nghỉ, đây cũng là quãng thời gian thần Đất vắng mặt ở hạ giới cho nên đặc biệt vào ngày Tết cần kiêng cày, bừa, cuốc, xới. Tục xông đất đầu năm cũng có lẽ từ đó mà ra. Vận may rủi của một năm được khởi động bởi khí vận tâm ý tương thông. Người tốt vía lành thì hạp nên mới có lệ chọn người xông đất.
“Ngày Tết vui chẳng riêng ai”, nam thanh nữ tú, già trẻ gái trai, miền xuôi hay miền ngược, họ vui Tết theo cách riêng của mình, theo tục riêng của vùng đất mà họ đang sống. Mùa Xuân cũng là mùa tự tình và giao duyên. Theo khảo cứu, ngày Tết đối với đồng bào Mường ở Lang Chánh Thanh Hóa, đồng bào sẽ tổ chức đi chơi ở hang Ré và mang theo thực phẩm để lễ thần. Gái trai xúng xính thổi Khèn hát Đúm, tung Còn. Rồi sau đó từng cặp nếu hợp nhau tìm nơi tình tự trong sự giao hòa của đất trời và lòng người...
Một điểm thú vị sẽ lý giải được vì sao đầu năm người Việt rất thích xem bói. Ngay trong khảo cứu này cũng đã chỉ ra ở cuốn “Binh thư yếu lược” của Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra một nét văn hóa: người xưa thường nhằm đúng Tiết Nguyên đán, đúng tháng Giêng, ngày mồng một, giờ Tý lên lầu xem bốn phương, nhìn khí sắc của mây để đoán vận hạn của một năm. Người không tin bảo là giờ đó làm sao xem được. Người tò mò thì thử xem sao? Dẫu sao thì người xưa cũng đã để lại. Tin hay không tùy hậu thế mà thôi!
Những lễ hội độc đáo vùng đất Hà Tiên có lẽ là những trang cuối khá hay của cuốn sách. Hà Tiên - miền duyên hải ở về cực Tây của đất Lục tỉnh. Người Hà Tiên có rất nhiều quan niệm độc đáo về các ngày lễ Tết trong 3 tháng mùa xuân. Ngày 23 tháng Chạp ông Công ông Táo, người Hà Tiên rât thích treo 2 câu đối:
Đại ý là: Công đức của Táo quân đã cung cấp than lửa, đem đến cho mọi người ấm áp no đủ. Táo quân phân phát công bằng, không nhà nào hơn nhà nào. Táo quân chính trực công minh, báo cáo thiên đình vô tư, không vì lễ nhà nào to mà nói tốt, nhà nào ít lễ vật mà nói xấu.
Có lẽ khi nói đến đây, hậu thế nên phải suy ngẫm. Không phải cứ mâm cao cỗ đầy, dâng nhiều lễ vật thì tâm mới thành, ý mới kính. Khi mình nghĩ đến đã là khởi tâm, tâm ấy đất trời biết, quỷ thần biết. Một năm làm bao nhiêu việc, hành xử thế nào mặc nhiên đã có định đoạt. Không có nghĩa cứ dâng lên lễ vật cao sang là mua chuộc hay dụ dỗ quỷ thần, dối trời, lừa đất. Ngẫm ra, cổ nhân đã nói hết rồi, chỉ có là hậu thế có hiểu và hành động rành rọt hay không mà thôi.
Nếu phải nói sự rộn rã tươi vui, thuần hậu của tâm hồn người Việt thì có lẽ nên bàn nhiều hơn đến tranh Tết. Nhóm khảo cứu đã chỉ ra rằng: đặc trưng của tranh Tết Việt là sự tươi sáng, hồn nhiên, và hầu như không biết ai là tác giả. Có tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh điển tích, tranh kể chuyện, tranh châm biếm, tranh sinh hoạt, tranh thờ... Màu sắc thì tuyệt vời: “màu đen ấm cúng, êm như nhung, màu trắng ánh như xà cừ, màu lá mạ gợi lên màu mạ xanh non.., màu hồng mượn sắc hoa sen trong hồ, màu nâu non và màu lục là màu thường thấy ở áo, thắt lưng thôn nữ hòa hợp cùng màu yếm trắng, yếm đào...”. Có lẽ ngay trong những câu văn tả về bảng màu diệu kỳ ấy cũng đã là một bức tranh quê ngày Tết!.
Tranh Tết hồn hậu và đáng quý như vậy. Nên từ giờ nếu bạn nào đã đọc đến dòng chữ này nếu thấy những bức tranh Tết dân gian hay dòng trang thờ Ngũ hổ thì hãy cảm nhận sâu thêm một điều: tâm hồn Việt đang bừng lên giấy điệp. Một khoảnh khắc xưa có tự ngàn năm đã và đang được ông cha lưu truyền, rất cần trân trọng và giữ gìn.
Tết đúng là hòa hợp đức tin lòng tín ngưỡng đối với quỷ thần và sự hiếu thảo với tổ tiên. Tết cũng có ý nghĩa cố kết cộng đồng làng xã. Có lẽ... đúng hơn là chắc chắn vì thế mà dân tộc Việt Nam với sắc màu của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống đã trở thành một khối vững chắc, chống trả với những biến chuyển và những giông tố qua bốn ngàn năm lịch sử!.
Sách không chỉ đẹp mà thực sự có ý nghĩa đối với hậu thế. Tặng nhau cuốn sách này có lẽ cũng là một nét đẹp lì xì đối với người yêu chữ, trọng học dịp đầu năm!.