(Baothanhhoa.vn) - Trong khi nhiều chị em háo hức, hân hoan đón chờ Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 để được chồng, con, bạn bè tặng hoa, quà và những lời chúc mừng thì vẫn còn không ít những “bóng hồng” vì cơm áo, gạo tiền, phải lam lũ mưu sinh...

Những phụ nữ nhọc nhằn mưu sinh quên ngày 8-3

Trong khi nhiều chị em háo hức, hân hoan đón chờ Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 để được chồng, con, bạn bè tặng hoa, quà và những lời chúc mừng thì vẫn còn không ít những “bóng hồng” vì cơm áo, gạo tiền, phải lam lũ mưu sinh...

Những phụ nữ nhọc nhằn mưu sinh quên ngày 8-3Công nhân vệ sinh môi trường cần mẫn làm việc để phố phường luôn sạch đẹp.

Chị Nguyễn Thị Hạo ở huyện Triệu Sơn, hiện đang phụ hồ tại một công trình trên địa bàn TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Để có tiền lo cho 4 người con ăn học, tôi phải bươn chải đủ nghề, từ thu mua đồng nát, giúp việc gia đình đến phụ hồ. Vì vậy, với tôi ngày 8-3 cũng như những ngày bình thường khác, chỉ mong hôm đó trời đừng mưa để có việc làm, đâu dám nghĩ đến việc được tặng hoa”.

Với bác Phạm Thị Ngoãn, xã Đa Lộc năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng chưa bao giờ nghĩ đến ngày 8-3. Theo bác, ngày 8-3 với bác cũng như bao ngày bình thường khác, vẫn phải mưu sinh kiếm sống. Nhất là từ khi chồng mất, một mình tảo tần, bươn chải sớm hôm nuôi các con, trong đó có 1 người con bị câm. Theo lời những người hàng xóm, bác Ngoãn có thể làm bất chấp thời gian, cứ có việc, họ gọi là đi làm, miễn có tiền lo cho mấy miệng ăn trong nhà.

Còn với chị Lê Thị Liên, công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị TP Thanh Hóa - người có thâm niên trong nghề, cho biết: Chị em lao công làm việc chân tay như chúng tôi đi làm vào ngày 8-3 còn vất vả, cực nhọc hơn những ngày thường bởi lượng rác thải ra nhiều hơn, nhất là ở các khu vực phố xá đông dân cư, khu bán hoa... Do thu nhập thấp, tôi cùng một số chị em khác trong tổ tranh thủ nhận dọn nhà theo giờ cho một số gia đình, nhất là thời điểm cận ngày mùng 8-3 bọn tôi làm không hết việc vì nhu cầu các gia đình cũng cao hơn.

Ở huyện Thiệu Hóa, nhưng cứ khoảng 5 giờ sáng hằng ngày, chị Lê Thị Mứt lại rời nhà, đạp xe xuống TP Thanh Hóa, rong ruổi khắp các phố, phường thu mua đồng nát. Hôm nào đi được sớm, ghé vào khu tập kết rác của các khách sạn lượm được một số thứ người ta vứt đi nhưng với chị nó là “tiền cả đấy cô ạ”. Những thứ mà chị Mứt nói rằng “tiền cả đấy” dù chỉ là vài ba tấm bìa carton, lon bia, chai lọ... nhưng cũng làm chị thấy vui hơn, quãng đường hàng chục km từ nhà xuống phố cũng như gần hơn. “Vất vả sớm hôm lo ăn từng bữa, nên với tôi ngày 8-3 hay 20-10 cũng giống nhau cả thôi, chẳng bao giờ nghĩ đến việc được tặng hoa và cũng chưa được tặng hoa bao giờ”, chị Mứt bộc bạch.

Cũng cho rằng ngày 8-3 không có ý nghĩa gì đối với mình là các chị bán hàng rong tại các khu vực chợ, gần chợ. Ngày lễ, họ không mong muốn gì hơn ngoài việc đắt khách, nhanh hết hàng để được về nhà sớm lo cơm nước cho chồng con. “Thấy những người phụ nữ khác có hoa, có quà tặng, nghĩ cũng tủi lắm, nhưng số phận nghèo hèn nên tôi cũng chẳng dám mơ”, một chị bán hàng rong ở đường Lê Hoàn, đoạn gần ngã ba Bia (TP Thanh Hóa), cho biết.

8-3 được mặc định là ngày dành cho phụ nữ. Thế nhưng, với những người mà chúng tôi gặp gỡ, chia sẻ trên phần lớn họ đều vất vả, lam lũ, nhọc nhằn, nguồn thu nhập bấp bênh, lúc ít, lúc nhiều. Vì tất bật bon chen mưu sinh nơi phố thị giữa cái khó, cái nghèo nên ngày này đối với họ trở thành một khái niệm xa xỉ, chỉ dành cho giới trẻ, những gia đình có điều kiện. Vì cơm áo, gạo tiền họ đành phải “quên” đi cái ngày mà đáng nhẽ mình được tặng hoa, quà và những lời chúc có cánh như bao người phụ nữ khác. Trong dòng chảy tấp nập của cuộc sống mưu sinh, chúc cho những người phụ nữ không có ngày 8-3 sống thật hạnh phúc giữa những lo toan, vất vả của dòng đời.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]