(Baothanhhoa.vn) - Trước những khuyến cáo hạn chế đến nơi đông người nhằm chủ động phòng, chống dịch COVID-19, các dịch vụ vận tải hành khách đều thưa vắng khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đìu hiu những chuyến xe mùa dịch

Trước những khuyến cáo hạn chế đến nơi đông người nhằm chủ động phòng, chống dịch COVID-19, các dịch vụ vận tải hành khách đều thưa vắng khách.

Đìu hiu những chuyến xe mùa dịch

Nhà xe Minh Quý và hành khách thực hiện nghiêm túc công tác chống dịch là đeo khẩu trang và rửa tay bằng nước rửa tay diệt khuẩn.

Chiếc xe 45 chỗ ngồi thuộc Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Minh Quý, đi Hà Nội khởi hành lúc 11h trưa song nó đã nằm ở bến từ sáng sớm để đợi khách. Theo lời lái xe Nguyễn Văn Tùng, trước đây mỗi ngày anh và phụ xe chạy 2 - 3 lượt chặng Hà Nội – Thanh Hóa, đón 30 - 40 khách mỗi chuyến, song từ khi có dịch COVID-19 thì khách giảm hẳn. Gần 10h30, xấp vé trên tay phụ xe Hoàng Văn Mão vẫn dày cộp. “Vừa phải hủy cả chuyến xe do chỉ có duy nhất một hành khách mua vé. Mình phải nói khó với hành khách hoãn sang chuyến sau thì chờ hơn 1 tiếng nữa, không biết lượng khách trưa nay thế nào chứ sáng nay thì buồn thê thảm” - anh Mão lắc đầu ngao ngán. Khi xe gần xuất bến, chỉ có 8 người mua vé lên xe. “Có 7, 8 khách là tốt rồi, nhiều hôm xe xuất bến không có khách nào”. Đi đường dài, lái xe muốn có người trò chuyện cho đỡ buồn, nhưng nay cả xe vắng lặng, ai cũng đeo khẩu trang kín mặt” – anh Tùng nói.

Còn nhớ thời gian thực hiện giãn cách toàn xã hội, công ty tạm ngừng hoạt động, anh Tùng và các đồng nghiệp ở nhà “nghỉ dưỡng” không lương, trong khi cuộc sống gia đình phần lớn trông vào lương lái xe của anh Tùng. Lệnh giãn cách được gỡ bỏ, các doanh nghiệp vận tải trở lại hoạt động, tuy nhiên, lượng khách vẫn không thể như xưa. Vì thế, chế độ, lương thưởng cũng không còn. “Trước đây mỗi ngày tôi lái xe đi vài ba lượt Hà Nội – Thanh Hóa song tinh thần phấn chấn, còn nay nhàn hơn, mỗi ngày chỉ lái 2 lượt nhưng tâm lý lại bất ổn. Giữ được việc trong hoàn cảnh này đã là may lắm rồi” - anh Tùng chia sẻ.

Nhà xe Minh Quý lâu nay có 6 xe khách chạy tuyến cố định Hà Nội – Thanh Hóa và hàng chục xe chạy hợp đồng. Theo ông Bùi Văn Viết, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Minh Quý, đến thời điểm này, so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ hành khách của nhà xe giảm khoảng 30%, thậm chí có chuyến xe chưa đến 10% số ghế ngồi có khách. Điều này đồng nghĩa với kéo giảm thu nhập của doanh nghiệp từ 30 - 50%. “Mỗi một xe khách xuất bến, doanh nghiệp phải chi trả khoảng 3 - 4 triệu đồng tiền xăng dầu, phí cầu đường, công lái xe... trong khi doanh thu có chuyến chỉ vài trăm nghìn đồng nên nhìn thấy lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Có những chuyến chỉ vài khách chúng tôi vẫn phải chạy vì đã bán vé và không thể bỏ chỗ đã đăng ký trong bến. Ngành vận tải thực sự chưa bao giờ rơi vào khó khăn, khủng hoảng như hiện nay” - ông Viết nói.

Dù gặp phải khó khăn, nhưng ông Viết vẫn tự tin, bởi ông đã mở doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải từ nhiều năm, hoạt động uy tín và có một lượng khách hàng quen ổn định. Vì thế, dù khó khăn đến đâu thì doanh nghiệp vẫn cố gắng cầm cự và duy trì hoạt động để tạo việc làm cho người lao động và không để xe “nằm chết” một chỗ.

Theo thống kê, những ngày này dù không thực hiện giãn cách xã hội nhưng lượng khách đi xe tại 7 bến xe trực thuộc Công ty CP Quản lý và Khai thác bến xe Thanh Hóa quản lý giảm khoảng 20 - 30%. Ông Nguyễn Đức Nga, Trưởng Bến xe phía Bắc, cho biết: Trước đây, trung bình mỗi ngày có 60 lượt xe ra vào bến với hàng trăm lượt khách, thì nay số lượng chuyến đã giảm gần một nửa. “Cứ tưởng sau dịch COVID-19 đợt 1, 2 sẽ lấy lại được đà tăng, nhưng từ trước tết trở lại đây khi dịch bùng phát lần thứ 3 thì ngành vận tải lao đao, khó khăn vô cùng. Năm trước vào trước và sau tết, lượng xe đi - về quá đông, từ học sinh, sinh viên, công nhân... nhưng bây giờ tâm lý lo ngại dịch bệnh, nhiều người không còn muốn ra khỏi nhà” - ông Nga thông tin.

Tuy nhiên, bến xe vẫn đảm bảo 100% quân số để đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông – Vận tải, ban quản lý bến xe..., như: tuyên truyền trên loa phát thanh về các văn bản chỉ đạo của tỉnh để nhà xe và hành khách nắm rõ, nghiêm túc thực hiện mọi yêu cầu phòng dịch; tổ chức phun khử trùng, làm vệ sinh khu vực bến bãi, yêu cầu hành khách, lái xe, phụ xe thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn,...

Theo lời ông Nga, ngoài việc đeo khẩu trang, trước khi lên xe, 100% hành khách phải rửa tay sát khuẩn để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. Đối với hành khách có biểu hiện bất thường như nóng sốt, ho..., nhân viên bến xe sẽ liên hệ với bộ phận y tế khám và cách ly kịp thời theo quy định. Hầu hết hành khách đi xe đều có ý thức và sẵn sàng phối hợp cùng nhà xe và bến trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Đồng hành cùng cả nước chống dịch, các chủ xe luôn chuẩn bị đầy đủ nước sát khuẩn, khẩu trang để phát cho hành khách trước khi lên xe, đồng thời thường xuyên lau chùi những vị trí ghế, giường nằm, thành vịn tay để đảm bảo vệ sinh, hạn chế sự lây lan dịch bệnh nếu có. Ông Bùi Văn Viết, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Minh Quý, chia sẻ: “Môi trường vận tải là nơi thường xuyên tiếp xúc với nhiều người từ khắp nơi, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Vì vậy, nhà xe chúng tôi rất quan tâm đến việc vệ sinh, sát khuẩn bên trong xe, cũng như phun sát khuẩn khu vực xung quanh xe mỗi khi vào bến bãi. Mỗi hành khách đi xe đều được nhà xe phát khẩu trang và nước rửa tay miễn phí”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]