(Baothanhhoa.vn) - Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số (CĐS) trong phát triển sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh cũng nỗ lực áp dụng ưu việt của CĐS không chỉ để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Phát huy nội lực chuyển đổi số trong các HTX

Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số (CĐS) trong phát triển sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh cũng nỗ lực áp dụng ưu việt của CĐS không chỉ để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Phát huy nội lực chuyển đổi số trong các HTXAnh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX nông nghiệp Mai An Tiêm (Nga Sơn) sử dụng điện thoại thông minh để kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

Toàn tỉnh hiện có 1.329 HTX đang hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho 40.975 nghìn lao động. Qua rà soát, đã có hàng trăm HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ứng dụng công nghệ số, CĐS trong sản xuất, kinh doanh và trên 70% HTX ứng dụng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Nhiều HTX nông nghiệp, phi nông nghiệp đã áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

HTX vườn rừng Bản Thổ, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) là một trong những đơn vị có “tuổi đời non trẻ” song đã tích cực áp dụng công nghệ vào sản xuất. Trong đó, nhiều khâu sản xuất, tiêu thụ đã được ứng dụng công nghệ số. Thông qua việc áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, HTX đã chế biến được một số sản phẩm chủ lực, như: mật ong lên men, mật ong gừng, mật ong nghệ... Điều đáng chú ý là phần lớn sản phẩm được quảng bá, tiêu thụ thông qua nền tảng số.

Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, Giám đốc HTX vườn rừng Bản Thổ, cho biết: "Việc áp dụng CĐS vào sản xuất, kinh doanh là điều tất yếu để nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, nhất là đối với một đơn vị ở “vùng sâu, vùng xa”. Do đó, ngoài tự tìm hiểu trên sách báo, truyền hình, HTX còn tích cực tham gia các buổi tập huấn tiêu thụ sản phẩm của các sở, ngành, đơn vị tổ chức. HTX đã xây dựng được website vuonrungbantho.vn và tham gia nhiều sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, thời gian gần đây, chúng tôi còn thực hiện livestream bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok...".

Được biết, bên cạnh quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, tại những thời gian cao điểm như ngày lễ, tết... HTX vườn rừng Bản Thổ còn triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường. Nhờ đó, năm 2023, HTX đã tiêu thụ được khoảng 20 tấn mật ong, mật ong chế biến và nhiều sản phẩm khác. Trong đó, hơn 50% sản lượng được tiêu thụ thông qua nền tảng số và thực hiện các khâu ứng dụng công nghệ số.

Mặc dù công nghệ số là lĩnh vực mới, nhưng anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX nông nghiệp Mai An Tiêm, xã Nga Thạch (Nga Sơn) đã nhạy bén tiếp thu, học hỏi sử dụng thành thạo các ứng dụng trên điện thoại thông minh nhằm ứng dụng vào sản xuất. Thay vì phải trực tiếp xuống vườn thì đúng 9g30 phút hằng ngày, chỉ với một thao tác trên điện thoại thông minh, toàn bộ hơn 6.000m2 sản xuất rau, củ, quả an toàn trong nhà lưới của HTX đã được tưới nước đúng thời gian, liều lượng. Anh Nam, cho biết: "Với hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa được vận hành qua hệ thống cảm ứng thông minh điều khiển qua điện thoại, cây trồng được duy trì độ ẩm khoa học nên sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, áp dụng công nghệ số còn giúp tiết kiệm chi phí nhân công, nước, dưỡng chất và một số loại chi phí khác, góp phần nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất".

Được biết, ngoài ứng dụng CĐS vào sản xuất, HTX nông nghiệp Mai An Tiêm còn áp dụng khá thành công ưu việt của CĐS để quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, một số sản phẩm của HTX như mật ong gừng, rau, củ quả an toàn đang được tiêu thụ qua kênh thương mại nongsanantoanthanhhoa.vn và nhiều sàn thương mại điện tử khác.

Năm 2023, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 4 khóa tập huấn về CĐS, ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh... cho gần 200 lượt thành viên HTX tham gia. Trong đó, tại các khóa tập huấn đều lồng ghép nội dung CĐS, như: kê khai thuế điện tử, kỹ năng điện tử, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, ứng dụng CĐS vào tiêu thụ... Nhờ đó, các HTX đã bắt nhịp, vận hành, duy trì hoạt động các gian hàng số trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, như: voso.vn, postmart.vn... Đồng thời, tạo chuyển biến trong tư duy về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tác động nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX.

Thực tế cho thấy, số lượng HTX trên địa bàn tỉnh CĐS còn ít, việc CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, nhiều HTX nguồn lực hạn chế nên chưa đầu tư được trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất, kinh doanh, chưa hiểu rõ cách thức triển khai thực hiện CĐS trong khâu sản xuất; việc tổ chức sản xuất đa phần vẫn theo phương thức truyền thống, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hạ tầng công nghệ lạc hậu, trình độ nguồn nhân lực hạn chế...

Ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: "Trong thời gian tới, Liên minh HTX tiếp tục đồng hành, hỗ trợ HTX trong quá trình thực hiện CĐS để phù hợp với yêu cầu thị trường. Trong đó, chú trọng hỗ trợ các HTX phát huy nội lực để CĐS, giúp nâng cao hiệu quả trong quá trình quảng bá, sản xuất, kinh doanh, quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất, chế biến, tạo nên nhiều sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn OCOP".

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]