(Baothanhhoa.vn) - Bằng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; nỗ lực của các thầy, cô giáo và sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện... tại nhiều trường trên địa bàn huyện Mường Lát “giấc mơ” về bữa ăn bán trú đã trở thành hiện thực.

Chung tay chăm lo bữa ăn bán trú cho học sinh vùng biên

Bằng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; nỗ lực của các thầy, cô giáo và sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện... tại nhiều trường trên địa bàn huyện Mường Lát “giấc mơ” về bữa ăn bán trú đã trở thành hiện thực.

Chung tay chăm lo bữa ăn bán trú cho học sinh vùng biênMột bữa ăn bán trú của trẻ ở điểm trường bản Ón, Trường Mầm non Tam Chung, xã Tam Chung (Mường Lát).

Nỗ lực cho bữa ăn của trẻ

Từ sáng sớm, chị Sùng Thị Cha, ở bản Ón, xã Tam Chung tranh thủ đèo cậu con trai 5 tuổi là Giàng A Sáng đến điểm trường mầm non để kịp về lên rẫy. Chị Cha cho biết: “Trước đây, nhà trường chưa thực hiện ăn bán trú, tôi phải đưa đón con mỗi ngày 4 lần rất vất vả. Từ khi nhà trường nấu ăn bán trú, sáng tôi đưa con đến lớp, chiều mới phải đón về. Nhờ đó, mình có thời gian lên rẫy trồng ngô, trồng sắn. Được ăn uống đầy đủ, đảm bảo chất dinh dưỡng, con cũng tăng cân, tôi cũng yên tâm hơn”.

Cô Bùi Thị Hồng, giáo viên công tác tại điểm trường bản Ón có nhà ở thị trấn, mỗi khi lên lớp, cô có thêm nhiệm vụ chở lương thực, thực phẩm đến điểm trường. Cô Hồng cho biết, việc vận chuyển lương thực, thực phẩm để nấu ăn cho các trẻ tương đối vất vả vì đường xuống cấp. Vào những ngày mưa gió, cô phải ở lại điểm trường cho an toàn. Nhà trường lại phải nhờ người chở thực phẩm lên. Có khi là người dân, có khi người bán thực phẩm, cán bộ biên phòng.

Theo cô Hồng, kể từ khi điểm trường thực hiện ăn bán trú năm học 2021-2022, các giáo viên vất vả hơn, song các cô đều rất vui khi các con có những suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, khỏe mạnh và tăng cân đều.

Cô giáo Hàn Thị Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Chung, cho biết: Điểm trường bản Ón là điểm xa xôi và khó khăn nhất của nhà trường. Nơi đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông. Do điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn nên để chăm lo bữa ăn bán trú cho trẻ, nhà trường đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm từ đồ dùng phục vụ bán trú như, bếp nấu ăn, giếng khoan, téc nước... cho đến hỗ trợ bữa ăn.

Hiện tại, chi phí bữa ăn của trẻ là 20 nghìn đồng/trẻ/ngày (bao gồm 1 bữa ăn chính và 1 bữa phụ). Với các trẻ ở bản Ón, ngoài các chính sách được hỗ trợ từ Chính phủ, như: hỗ trợ 160 nghìn đồng/trẻ/tháng từ Nghị định 105/2020/NĐ-CP, ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non và 150 nghìn đồng/trẻ/tháng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thì Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” cũng đang chung tay hỗ trợ mỗi trẻ là 7.500 đồng/ngày.

Cô Giang vui vẻ khi nhờ những chính sách thiết thực từ Chính phủ cũng như sự chung tay của các tổ chức thiện nguyện, đến nay Trường Mầm non Tam Chung đã thực hiện việc ăn bán trú cho 5/7 điểm trường. Còn 2 điểm trường là Cân Tân Hương và Pom Khuông nhà trường đang tiếp tục kêu gọi sự chung tay, hỗ trợ để thực hiện việc ăn bán trú cho trẻ trong thời gian tới.

Còn nhiều khó khăn

Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, cho biết: Việc xác định nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Trong đó, việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh không chỉ góp phần đảm bảo về sức khỏe, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo tỷ lệ học sinh đến trường đều đặn. Song, với đặc thù của huyện vùng biên, điều kiện địa hình, địa bàn cũng như đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất trường học còn thiếu thốn, để thực hiện ăn bán trú là điều không hề dễ dàng.

Hiện tại, các trường đã thực hiện ăn bán trú cũng đang phải xoay xở với nhiều giải pháp linh hoạt. Đơn cử như, việc hợp đồng với nhân viên nấu ăn. Do sự eo hẹp về nguồn kinh phí dẫn tới việc ký hợp đồng, tuyển nhân viên nấu ăn có trình độ, bằng cấp theo đúng chuyên ngành rất khó khăn. Thay vào đó, các nhà trường đang phải linh động tuyển dụng người địa phương. Về cơ sở vật chất, đồ dùng phục vụ bán trú của các nhà trường còn nhiều thiếu thốn, trong khi đa số học sinh đều là con em hộ nghèo, việc huy động xã hội hóa phục vụ bán trú cũng như tỷ lệ đăng ký ăn bán trú tại các nhà trường thấp.

Cụ thể, ở bậc tiểu học, trong số 11 trường tổ chức ăn bán trú, với hơn 4.000 học sinh nhưng tổng số học sinh đăng ký ăn bán trú chỉ đạt hơn 700 em. Đối với bậc THCS, có 3 trường tổ chức ăn bán trú, trong tổng số hơn 1.000 học sinh nhưng chỉ có hơn 200 học sinh đăng ký. Đối với bậc mầm non, có 10 trường thực hiện ăn bán trú, với gần 3.000 trẻ nhưng chỉ có khoảng 1.500 trẻ đăng ký ăn bán trú...

Theo bà Thúy, thời gian tới, thực hiện Đề án số 06-ĐA/HU, ngày 28/12/2023 về nâng cao chất lượng giáo dục huyện Mường Lát giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Mường Lát sẽ vận dụng linh hoạt các nguồn vốn để ưu tiên đầu tư đồng bộ về hạ tầng giáo dục, trong đó tập trung hướng đến xây dựng các điểm trường chính với quy mô của trường bán trú.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]