“Chính Nhân dân mới là người tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần”
Chấp nhận lời “khiêu chiến” của thực dân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ, mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử được Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Trong đó, công tác hậu cần, vận chuyển quân lương và mở đường, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Với nhiều hình thức sáng tạo, Nhân dân đã vận chuyển hàng vạn tấn lương thực phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. (Ảnh chụp tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ).
“Liệu Việt Minh có thể duy trì được sức chiến đấu ở Điện Biên Phủ được bao lâu?”. Đó là câu hỏi đã được giới lãnh đạo quân Pháp đặt ra khi đã xác định “Việt Minh sẽ có khả năng tiến đánh Điện Biên Phủ”. Bằng những phân tích dựa trên những con số cụ thể, họ đã đưa ra nhận định: Họ (quân ta - PV) có 7.000 binh lính chiến đấu cách xa các căn cứ hậu phương 400km và cách các cửa khẩu Trung Quốc là nơi tiếp tế hậu cần khoảng từ 600 - 700km. Hàng vạn tấn đạn dược, lương thực phải chuyển vận bằng 500 xe tải trên con đường duy nhất là Quốc lộ 41 đang bị hư hại vì máy bay thường xuyên bắn phá. Đối với một tiểu đoàn bộ binh, mỗi ngày cần phải có 1.000kg gạo, tức 30 tấn mỗi tháng, tức 15 xe chuyên chở trong suốt 20 ngày... Vậy thì phải huy động tới 300 xe tải chuyên để lo ăn cho bộ đội, tức là toàn bộ số xe mà Việt Minh có thể có được. Ngoài lương thực, Việt Minh còn phải chuyển vận đạn dược, chất nổ, xăng dầu, thuốc men và tất cả mọi thứ cần dùng cho một đội quân chiến đấu. Cũng phải tính đến những chuyện chậm trễ vì con đường độc đạo thường xuyên bị ném bom, phải chở các vật liệu tới để sửa chữa nối liền những đoạn đường bị cắt phá. Vì vậy Việt Minh phải có ít nhất 2.000 xe tải để chở nhiều tấn lương thực, các dụng cụ sửa đường, hàng ngàn mét khối xăng dầu, hàng ngàn tấn đạn dược...
Những tính toán của người Pháp không phải không hợp lý. Bởi thực tế, việc chuẩn bị các điều kiện về lương thực, đạn dược phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ là việc không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là gian nan trăm bề. Chiến trường ở xa hậu phương tới 500 - 600km, trên địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận tải cơ giới đã hư hỏng, không có đường thủy, thời tiết khí hậu thất thường, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn lạc hậu...
Trước thách thức đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Đồng thời, Chính phủ quyết định tổ chức Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch và Hội đồng cung cấp mặt trận các cấp.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, việc chuẩn bị các mặt cho trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ được tiến hành một cách khẩn trương, tích cực ngay từ đầu tháng 12/1953. Trong đó, việc tổ chức vận chuyển đường dài từ các vùng tự do lên Điện Biên Phủ được Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy quy định cụ thể: Hội đồng Cung cấp mặt trận phụ trách vận chuyển lương thực, thực phẩm và đưa dân công lên giao cho Tổng cục Cung cấp tiền phương (hướng từ Việt Bắc sang giao ở Ba Khe; hướng từ Liên khu 3 và Liên khu 4 lên giao ở Suối Rút). Tổng cục Cung cấp hậu phương phụ trách chuyển vũ khí, đạn dược, xăng dầu... lên tới Ba Khe thì giao lại cho Tổng cục Cung cấp tiền phương. Tổng cục Cung cấp tiền phương phụ trách vận chuyển từ Ba Khe, Suối Rút lên Điện Biên Phủ. Đồng thời, tổ chức các tổng kho dự trữ ở quanh thị xã Sơn La và các kho trung tuyến ở khoảng từ cây số 31 đến cây số 87, đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Cùng với đó, việc sửa chữa, bảo đảm đường sá, từ Ba Khe qua Việt Bắc (dài khoảng 300km) và Suối Rút về vùng tự do Liên khu 3, 4 do Hội đồng Cung cấp mặt trận phụ trách; còn từ Ba Khe, Suối Rút trở lên do Tổng cục Cung cấp tiền phương cùng Khu ủy và Ủy ban Kháng chiến Khu Tây Bắc phụ trách.
Việc làm đường được Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh xác định là một trọng tâm của công tác chuẩn bị. Con đường Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ dài hơn 80km nhỏ hẹp, nhiều đoạn bị sụt lở và hơn 100 cây cầu lớn, nhỏ đều hỏng. Muốn xe ôtô và xe pháo của Đại đoàn 351 lên được Điện Biên Phủ phải gấp rút mở đường này. Do đó, 2 trung đoàn bộ binh và trung đoàn công binh 151 đã được huy động tập trung làm suốt ngày đêm. Sau những nỗ lực vượt bậc, đường Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ đã được khai thông. Tuy nhiên, con đường độc đạo lên Điện Biên Phủ cũng trở thành mục tiêu đánh phá dữ dội của địch, khiến việc vận chuyển, đi lại gặp nhiều trở ngại.
Đầu tháng 1/1954, giữa lúc việc vận chuyển đạn, gạo đang diễn ra khẩn trương thì Đại đoàn 351 pháo binh tiến vào tuyến đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Đường phải dành ưu tiên cho pháo. Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh phải tổ chức một ban chỉ huy đường, quy định nghiêm ngặt giờ giấc hành quân của từng bộ phận và việc che giấu xe pháo ở những nơi tạm dừng. Nhờ việc tổ chức và tính toán giờ giấc một cách tỉ mỉ, vừa không để ảnh hưởng tới việc kéo pháo của bộ đội, vừa không để lãng phí thì giờ và công sức của dân công.
Vì thế khi bộ đội và pháo vào tới các trận địa xung quanh lòng chảo Điện Biên Phủ, thì đạn, gạo cũng đã có đủ để có thể sẵn sàng cho ngày nổ súng.
Tác giả Jean Pouget trong tác phẩm “Tướng Na-va với trận Điện Biên Phủ”, đã “vẽ lại” bức tranh sinh động về con đường tiếp vận lên chiến trường Điện Biên Phủ: “Mang theo những chiếc rổ nhỏ bé, những cuốc xẻng, họ (dân công - PV) lấp các hố bom dưới ánh sáng của những ngọn đuốc. Không gì có thể cản trở được sức lao động của họ: mệt mỏi, đói rét, bệnh tật và cả những quả bom nổ chậm, hoặc những quả bom cạm bẫy gọi là “bom bướm” vừa chạm nhẹ vào đã phát nổ ngay lập tức. Cũng không gì có thể ngăn nổi luồng gạo và đạn suốt đêm từ từ chảy ngược lên phía tập đoàn cứ điểm của đế quốc Pháp. Đêm nào cũng có tới hàng chục ngàn người đen kịt, đông như kiến, gồng gánh tiếp vận trên tuyến đường thiêng liêng. Đến khi trời sáng, máy bay Pháp bay lên chụp ảnh thì con đường đã vắng ngắt, phi công chỉ nhìn thấy rất rõ các đoạn bị bom phá hoại đã được sửa chữa xong”.
Sau khi Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đổ sụp, trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Jean Ferran (đăng trên tờ Paris Match số 370, ngày 12/5/1956), Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nói: “Việc người Pháp chọn thung lũng Điện Biên Phủ là có suy nghĩ. Họ có cân nhắc kỹ mặt tốt, mặt xấu. Họ đã tính toán hợp lý: Điện Biên Phủ nằm rất xa các hậu cứ của quân đội Việt Minh, và cũng xa các hậu cứ của Pháp. Nhưng Pháp sẽ giải quyết vấn đề bằng không quân. Quân Việt không có máy bay. Họ không thể tự tiếp lương thực được. Tính toán như vậy là rất hợp lý”. Song, “Sự tính toán hợp lý vẫn chưa phải đã có giá trị. Chính Nhân dân mới là người tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần”. Cũng bởi vậy mà, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lấy điểm tựa từ Nhân dân. Đó là chân lý đã được chứng minh.
Bài và ảnh: Lê Phượng
(Bài viết có sử dụng các tư liệu trong cuốn “Điện Biên Phủ - mốc vàng thời đại; NXB Thông tin và Truyền thông; cuốn “Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III: Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc (1945-1954)”, NXB Chính trị quốc gia).
- 2024-06-28 13:15:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác biên phòng
- 2024-05-23 05:56:00
Hôm nay, Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện ngân sách và phát triển kinh tế
- 2024-04-07 07:46:00
“Pháo đài bất khả xâm phạm”
Điện Biên Phủ, ngày 7/4/1954, địch điều động thêm lực lượng tăng viện
Cuộc hội ngộ của những người chiến sĩ sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Vị tướng huyền thoại
“Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”!
Phát huy tinh thần Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để hiện thực hóa được khát vọng xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng (*)
Vang mãi Chiến thắng Điện Biên Phủ
Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên...
Tinh thần và khí thế hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận hội mới của đất nước, đang thôi thúc chúng ta nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc (*)
Quyết định lịch sử