(Baothanhhoa.vn) - Báo Thanh Hóa nhận được đơn của các hộ dân thuê dãy ki-ốt phía Nam đường vào cổng chính chợ Bỉm Sơn thuộc phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn phản ánh về việc chính quyền địa phương phá dỡ dãy ki-ốt để làm sân bãi, phục vụ lợi ích cho công ty tư nhân.

Cần sự đồng thuận để từng bước chỉnh trang đô thị

Báo Thanh Hóa nhận được đơn của các hộ dân thuê dãy ki-ốt phía Nam đường vào cổng chính chợ Bỉm Sơn thuộc phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn phản ánh về việc chính quyền địa phương phá dỡ dãy ki-ốt để làm sân bãi, phục vụ lợi ích cho công ty tư nhân.

Cần sự đồng thuận để từng bước chỉnh trang đô thịKi-ốt phía Nam đường vào cổng chính chợ Bỉm Sơn.

Nội dung đơn gửi đến Báo có đoạn nêu: Cổng chính chợ Bỉm Sơn có 2 dãy ki-ốt đối xứng nhau là bên phía Bắc và bên phía Nam. Đường vào chợ rộng 15m thuận tiện cho xe, người đi lại. Dãy ki-ốt phía Bắc là đất hợp đồng 50 năm, còn dãy ki-ốt phía Nam là hợp đồng ngắn hạn, mục đích là để phường có nguồn thu hàng năm, các hộ kinh doanh đã thuê 29 năm. Hằng năm, các hộ nộp đầy đủ thuế cho Nhà nước, bảo đảm tốt an ninh trật tự, văn minh thương mại.

Trong đơn, các hộ dân thể hiện quan điểm không đồng thuận với việc phá dỡ các ki-ốt phía Nam để phục vụ Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp (TM&DVHH) Khâm Huế, vì như vậy là làm lợi cho tư nhân và làm ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh. Nếu phải tháo dỡ để phục vụ chỉnh trang đô thị thì phải làm cả dãy ki-ốt phía Bắc và các ki-ốt xung quanh còn lụp xụp mất cảnh quan, sao lại chỉ phá dãy ki-ốt phía Nam nơi các hộ đang thuê kinh doanh?

Tìm hiểu thực tế tại khu vực cổng chợ Bỉm Sơn vào sáng 8/8, việc kinh doanh của các hộ dân ở đây vẫn đang diễn ra bình thường. Tại phía Nam, từ các ki-ốt xây gạch đã cũ, các hộ dân cơi nới, dựng thêm các khung mái tôn để tăng thêm diện tích phục vụ kinh doanh. Bà Lê Thị Hà, chủ cửa hàng chăn ga gối đệm tại chợ Bỉm Sơn cho biết đã thuê ở đây mấy chục năm để kinh doanh. Thuê với phường là ki-ốt số 2 và số 3, còn ki-ốt số 4 là thuê lại của 1 hộ kinh doanh khác. Nếu Nhà nước phá dỡ dãy ki-ốt để lấy đất xây dựng công trình phục vụ lợi ích chung của xã hội thì các hộ hoàn toàn không có ý kiến. Song, đây lại liên quan đến doanh nghiệp, UBND phường đưa ra thông báo giải tỏa các ki-ốt để giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Trung tâm TM&DVHH Khâm Huế, vì thế các hộ dân mới bức xúc.

“Đất của doanh nghiệp nằm phía sau, doanh nghiệp cứ triển khai xây dựng, không liên quan đến đất của dãy ki-ốt. Đất ki-ốt của phường thì phường nên tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ dân được kinh doanh. Hoặc ít nhất không được lâu dài thì cũng phải để cho đến khi các hộ kinh doanh hết hàng tồn, khi nào công trình trung tâm thương mại xây dựng xong, hộ nào có điều kiện thuê lại mặt bằng thì chuyển hàng hóa vào luôn, không ảnh hưởng nhiều đến việc buôn bán”, bà Hà kiến nghị thêm.

Tìm hiểu về nguồn gốc hình thành các ki-ốt phía Nam đường vào cổng chính chợ Bỉm Sơn, thông tin từ UBND phường Ngọc Trạo cho hay, công trình ki-ốt do UBND phường xây dựng từ năm 1995 và bắt đầu cho các hộ dân thuê kinh doanh từ năm 1996. Dãy phía Nam cổng chợ có tất cả 14 vị trí kinh doanh của 12 hộ dân, trong đó có 1 hộ kinh doanh trên vỉa hè. Trong số các ki-ốt cho thuê, có vài hộ là thế hệ đầu tiên thuê ki-ốt từ năm 1996, còn lại các hộ đã có sự trao đổi vị trí thuê. Từ năm 2019 đến nay, UBND phường Ngọc Trạo không ký hợp đồng với các hộ mà chỉ thực hiện cho thuê và thu phí hàng tháng, với mức phí 1 triệu đồng/tháng/ki-ốt; 300.000 đồng/tháng đối với hộ kinh doanh vỉa hè. Đến ngày 30/6/2024 các hộ kinh doanh hết thời hạn thuê.

Chủ tịch UBND phường Ngọc Trạo Lê Hồng Phong khẳng định: “Các ki-ốt ở phía Nam đường vào cổng chính chợ Bỉm Sơn là tài sản của UBND phường Ngọc Trạo. Thời điểm năm 1995, phường đầu tư xây dựng với tổng mức kinh phí 135 triệu đồng. Các ki-ốt được sử dụng đến nay gần 30 năm, đã cũ và xuống cấp, không còn phù hợp với cảnh quan khu vực và quy hoạch. Do đó, việc tháo dỡ để thực hiện quy hoạch là cần thiết, vì sự phát triển chung của địa phương. Đối với các ki-ốt phía Bắc đường vào cổng chính của chợ cũng do UBND phường xây dựng và cho các hộ dân thuê, nhưng với thời hạn thuê đã ký hợp đồng là 50 năm, thu tiền thuê đất 1 lần. Đến nay, các hộ kinh doanh mới chỉ được 26 năm, do đó việc giải tỏa các ki-ốt phía Bắc đòi hỏi chi phí lớn, trong khi nguồn lực có hạn nên phải làm từng bước”.

Được biết, đối với nội dung đơn, thư khiếu nại các hộ dân gửi đến, UBND phường Ngọc Trạo đã thụ lý, thành lập các đoàn xác minh nội dung đơn, tiến hành trình tự xử lý theo quy định của pháp luật và sẽ sớm có kết quả chính thức trả lời các hộ dân. UBND phường đang xây dựng phương án thu hồi lại dãy ki-ốt phía Nam cổng chính chợ Bỉm Sơn nói trên trong trường hợp các hộ kinh doanh không tự nguyện trả lại tài sản đã hết thời hạn thuê.

“Song song với đó, UBND phường tiếp tục tuyên truyền, vận động để các hộ kinh doanh hiểu và tự giác chấp hành trả lại các ki-ốt nói trên để UBND phường thực hiện tháo dỡ theo quy hoạch. Chúng tôi mong các hộ kinh doanh đồng thuận, từng bước góp phần chỉnh trang đô thị”, Chủ tịch UBND phường Ngọc Trạo chia sẻ thêm.

Tìm hiểu về các thông tin quy hoạch tại khu vực dãy ki-ốt phía Nam cổng chính chợ Bỉm Sơn, theo quy hoạch phân khu đô thị qua các thời kỳ, khu vực này hiện trạng được quy hoạch là đất giao thông (vỉa hè tuyến đường); vị trí khu đất thực hiện dự án của Công ty TNHH Thương mại Khâm Huế có chức năng theo quy hoạch là đất dịch vụ thương mại.

Những năm gần đây, thị xã Bỉm Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp để kêu gọi thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phát triển, chỉnh trang đô thị. Do nguồn lực có hạn nên nhiều công trình phải phân kỳ đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng. Đối với khu vực chợ Bỉm Sơn, trong năm 2023 UBND thị xã đã sửa chữa, nâng cấp mặt đường với kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong năm 2024 tiếp tục nghiên cứu đầu tư chỉnh trang vỉa hè, thoát nước trong khu vực. Tháng 3/2024 Chủ tịch UBND thị xã đã giao cho ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã nghiên cứu lập hồ sơ dự án, thiết kế thi công để triển khai đầu tư xây dựng nâng cấp vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật khu vực cổng chính chợ Bỉm Sơn, bao gồm cả phần ki-ốt phía Nam đường vào cổng chính của chợ. Đồng thời, giao phường Ngọc Trạo có phương án chấm dứt việc cho thuê các ki-ốt phía Nam; tổ chức tháo dỡ các ki-ốt theo quy định để triển khai làm vỉa hè và các hạ tầng kỹ thuật liên quan theo quy hoạch đô thị.

Thông tin từ UBND thị xã Bỉm Sơn cho biết thêm, Dự án Trung tâm TM&DVHH Khâm Huế tại phường Ngọc Trạo do Công ty TNHH Thương mại Khâm Huế làm chủ đầu tư. Công ty đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, diện tích đất là 3.460m2, mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ (có ranh giới chưa đến khu vực ki-ốt). Dự án đã được lập thẩm định và cấp giấy phép xây dựng từ tháng 4/2024, với quy mô xây dựng khu kinh doanh TM&DVHH, bao gồm: 1 tầng hầm, 7 tầng nổi, 1 tầng tum; khu thương mại dịch vụ 3 tầng và các công trình phụ trợ khác.

Trưởng Phòng Quản lý đô thị UBND thị xã Bỉm Sơn Trần Xuân Việt nhấn mạnh: “Việc tháo dỡ dãy ki-ốt phía Nam đường vào cổng chính chợ Bỉm Sơn là để thực hiện quy hoạch được phê duyệt. Theo quy hoạch phân khu trung tâm thị xã được phê duyệt từ năm 2008, khu vực ki-ốt trên thuộc quy hoạch giao thông. Đến nay, quy hoạch phân khu đã được rà soát nghiên cứu điều chỉnh theo quy định của pháp luật và khu vực này vẫn tiếp tục giữ nguyên không điều chỉnh; đây không phải nội dung được nghiên cứu điều chỉnh mới. Mục đích của việc chấm dứt hoạt động các ki-ốt, tháo dỡ là để xây dựng vỉa hè, hoàn thiện hạ tầng công cộng theo quy hoạch, đồng bộ cảnh quan chung, từng bước chỉnh trang đô thị, phục vụ lợi ích chung, tạo thuận lợi về giao thông, đường thông, hè thoáng tại khu vực chợ Bỉm Sơn. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng vỉa hè, hệ thống thoát nước còn là trách nhiệm của Nhà nước, bảo đảm việc kết nối hạ tầng kỹ thuật của Dự án Trung tâm TM&DVHH đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép xây dựng.

Đối với nội dung đơn, thư của các hộ tiểu thương, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn Trịnh Tuấn Thành đã trực tiếp đối thoại với các hộ dân vào ngày 15/7/2024. Tại buổi đối thoại, UBND thị xã đã cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch tại khu vực trên và Dự án Trung tâm TM&DVHH Khâm Huế, chủ trương tháo dỡ ki-ốt phía Nam... Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn khẳng định, theo quy hoạch xây dựng đô thị, dãy ki-ốt phía Nam đường vào cổng chợ Bỉm Sơn được quy hoạch là đất giao thông từ Quốc lộ 1A vào chợ Bỉm Sơn, do đó không thể thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng lại theo kiến nghị của các hộ dân.

Về giải quyết các kiến nghị của dân khi thực hiện chấm dứt cho thuê tháo dỡ ki-ốt, giảm thiểu thiệt hại cho các hộ tiểu thương, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn thống nhất với giải pháp và giao cho UBND phường Ngọc Trạo thực hiện bố trí để các hộ vào kinh doanh tại các ki-ốt còn trống phía trong chợ; hỗ trợ tiền thuê 12 tháng nhằm giúp các hộ kinh doanh có thời gian tìm địa điểm mới, giải quyết hàng tồn. Đối với các hộ kinh doanh không vào trong chợ mà thống nhất tự di chuyển hàng hóa đến nơi mới thì xem xét, hỗ trợ việc di chuyển với mức 5 triệu đồng/hộ. Sau khi Dự án Trung tâm TM&DVHH hoàn thiện, hộ nào có nhu cầu thuê lại địa điểm kinh doanh thì có đơn gửi về UBND phường Ngọc Trạo để tổng hợp, đề xuất với chủ đầu tư xem xét, ưu tiên.

Việc từng bước đầu tư chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đô thị tại khu vực chợ Bỉm Sơn là việc cần thiết để thu hút nguồn lực, xây dựng phát triển đô thị bền vững.

Nhóm PV Bạn đọc – TL



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]