(Baothanhhoa.vn) - Ngược Ché Lầu (xã Na Mèo), Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) khi ánh mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh núi mù sương. Những bản làng người Mông một thời heo hút, biệt lập nay đã khác. Trên con đường mới hôm nay chúng tôi đi, đã không còn cách trở, không còn cảnh cuốc bộ, đẩy xe, vượt qua vũng lầy như nhiều năm về trước...

Bản Mông không còn xa ngái

Ngược Ché Lầu (xã Na Mèo), Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) khi ánh mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh núi mù sương. Những bản làng người Mông một thời heo hút, biệt lập nay đã khác. Trên con đường mới hôm nay chúng tôi đi, đã không còn cách trở, không còn cảnh cuốc bộ, đẩy xe, vượt qua vũng lầy như nhiều năm về trước...

Bản Mông không còn xa ngái

Tuyến đường đi bản Ché Lầu (xã Na Mèo) được đầu tư xây mới.

Từ trung tâm hành chính xã Na Mèo, cung đường dẫn lên bản Ché Lầu chỉ vỏn vẹn 10 cây số, nhưng từng là một hành trình khắc nghiệt. Hơn 10 năm trước, tôi nhớ chuyến tác nghiệp cùng mấy anh chị em báo chí, để đến được bản, phải mất gần nửa ngày vừa đẩy xe, vừa cuốc bộ để băng qua những đoạn dốc đá, khe suối, đường thì trơn trượt như bôi mỡ. Hàng hóa, vật liệu xây dựng gần như không thể vận chuyển bằng xe cơ giới. Người bệnh muốn xuống xã khám cũng phải nhờ người khiêng, cáng bằng võng, có khi đi không kịp, mất mạng oan.

Giờ, con đường từ trung tâm xã đi bản Son ngược lên bản Ché Lầu đã được cứng hóa 100% bằng nguồn vốn từ Chương trình 30a của Chính phủ. Những mét đường bê tông đầu tiên như mở ra cánh cửa hy vọng cho 66 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu đồng bào Mông ở nơi đây. Thời gian di chuyển rút xuống còn khoảng nửa giờ đồng hồ. Xe máy, ô tô đã có thể vào tận bản, đến tận nhà dân.

Con đường đổi thay không chỉ kéo theo sự thuận lợi về giao thương, đi lại mà còn là động lực để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Đồng chí Ngân Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Na Mèo, chỉ tay vào những gốc đào bên vệ đường cao ngang tầm mặt, nói giọng đầy hy vọng: “Sau khi con đường được đầu tư hoàn thành, Đoàn xã cùng một số nhóm thiện nguyện dưới xuôi đã triển khai trồng thêm được 200 cây đào dọc đường nội bản và sân nhà văn hóa. Trồng đào, trồng mận không chỉ để làm cảnh mà còn để ươm giấc mơ, để mai này Ché Lầu trở thành điểm du lịch cộng đồng mang bản sắc riêng của người Mông nơi biên giới”.

Còn với ông Thao Văn Lâu, ở bản Ché Lầu thì hồ hởi khi nhắc tới đường giao thông, điện chiếu sáng, hay sóng điện thoại... đã giúp cho bà con người Mông ở đây không còn biệt lập mỗi khi mưa gió với bên ngoài. Những lớp học dựng tạm hôm nào, nay đã được thay bằng điểm trường kiên cố. 100% trẻ em được đến lớp; người dân ra trung tâm dễ dàng hơn, hàng hóa nông sản cũng được trao đổi thuận tiện hơn.

Từ bản Ché Lầu, tôi tiếp tục di chuyển trên những con đường bê tông uốn lượn đến các bản Mùa Xuân, Xía Nọi (2 bản người Mông của xã Sơn Thủy). Trước kia, con đường kết nối giữa các bản này chỉ là con đường mòn, mùa mưa thì gần như không thể di chuyển bằng xe máy. Còn giờ đây, trên con đường chúng tôi đi, thay vì những hình ảnh trẻ nhỏ, người lớn cuốc bộ gùi đồ đoàn, là xe máy, thậm chí những chiếc xe ô tô tải chở các đồ gia dụng, thực phẩm từ trung tâm lên. Có đường, nhiều hộ cũng chú trọng hơn trong việc làm cổng, ngõ dẫn vào nhà. Từ những ngôi nhà gỗ cũ kỹ năm nào nay đã thay bằng những ngôi nhà kiên cố. Các gia đình cũng quan tâm tới việc học tập của con cái hơn. Học xong có thể ra xã, xuống tỉnh học nghề, có tương lai, có thể đi xuất khẩu lao động.

Không chỉ có đường, những bản làng người Mông nơi đây cũng đang từng ngày “thay da, đổi thịt” nhờ được tiếp cận với điện lưới quốc gia. Các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, phát triển trồng rừng... đang xuất hiện ngày càng nhiều. Điển hình như, gia đình anh Thao Văn Thê ở bản Ché Lầu nay đã có 10 con bò, 2ha vầu, 1ha khoai mán và 2ha sắn. Nhờ biết tính toán, chăm chỉ lao động, mỗi năm anh thu về vài chục triệu đồng tiền lãi. Còn chị Thao Văn Nhia, ở bản Mùa Xuân, từ chỗ quanh năm chỉ biết phát nương làm rẫy, nay chị đã học cách làm vườn, trồng rau trái vụ bán ra chợ Na Mèo. “Nhờ có đường mới, mình chở gà, chở ngô, sắn ra trung tâm bán, không phải gùi sau lưng vất vả như trước. Mình đang học thêm cách ủ rượu men lá, bán cho mấy đại lý chỗ cửa khẩu, họ bảo khách du lịch người ta thích”, chị Nhia cười nói.

Ông Mạc Văn Tới, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, khẳng định: Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm đặc biệt từ Trung ương và tỉnh, địa phương đã được đầu tư hàng loạt công trình giao thông trọng điểm nhằm kết nối các bản người Mông khó khăn. Trong đó, tuyến đường từ bản Son lên Ché Lầu (xã Na Mèo) dài hơn 5km được cứng hóa bằng bê tông theo Chương trình 30a, đã mở lối thông thương cho hơn 300 người dân sinh sống. Cùng với đó, các tuyến đường nội bản tại Ché Lầu và Mùa Xuân cũng được nâng cấp, giúp người dân đi lại thuận lợi quanh năm, không còn bị cô lập mỗi mùa mưa lũ. Đặc biệt, năm 2024, địa phương tiếp tục nhận được sự triển khai tuyến mới, dài hơn 12km, từ bản Thủy Thành đi bản Mùa Xuân. Tuyến đường sắp hoàn thành, sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông vùng cao, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.

Bản Mông không còn xa ngái, khó khăn như trước. Những con đường mới hình thành không chỉ nối liền bản với bản, xã với xã mà còn hướng đến tương lai. Có đường mới, có ánh sáng đèn điện, có tiếng trẻ cười vang trong lớp học, người dân biết gùi rau ra chợ... Tất cả đã và đang thắp lên một cuộc sống mới nơi những bản người Mông vùng cao heo hút.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]