(Baothanhhoa.vn) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giờ đây cuộc sống của đồng bào Mông tại các xã Tam Chung, Mường Lý và Trung Lý đã và đang dần khởi sắc. Từ những bản “nhiều không” vượt khó thành “nhiều có” no ấm hơn, tạo tiền đề vững chắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM ở mỗi bản.

Ánh sáng của Đảng về nơi bản xa (Bài cuối): Sức sống mới ở vùng đồng bào Mông

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giờ đây cuộc sống của đồng bào Mông tại các xã Tam Chung, Mường Lý và Trung Lý đã và đang dần khởi sắc. Từ những bản “nhiều không” vượt khó thành “nhiều có” no ấm hơn, tạo tiền đề vững chắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM ở mỗi bản.

Ánh sáng của Đảng về nơi bản xa (Bài cuối): Sức sống mới ở vùng đồng bào MôngBà con bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) chung sức XDNTM. Ảnh: P.V

Hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo

Nắng lên xua tan làn sương mỏng, anh Thào A Thái ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý và cậu con trai lớn Thào A Tủa đi cách nhà 3 quả đồi để thăm đàn gia súc của gia đình. Gia trại của gia đình anh Thái rộng hơn 20ha, chia làm nhiều khu nhỏ. Tại đây, anh xây chuồng trại và tận dụng những khoảnh đất ven đường, ven suối để trồng cỏ voi, cỏ sữa, ngô nhằm bổ sung nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Theo anh Thái, trước đây, trâu, bò chủ yếu được mang vào rừng thả rông, nguồn thức ăn chủ yếu từ tự nhiên nên về mùa đông trâu, bò thường thiếu thức ăn hay mắc bệnh và chết rét. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, anh Thái và nhiều hộ dân trong bản đã thay đổi phương pháp chăn nuôi từ thả rông sang chăn nuôi có chuồng trại. Hiện tại, gia đình anh đang có 20 con trâu, hơn 30 con bò. Nhờ tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn trâu, bò của gia đình luôn khỏe mạnh, phát triển tốt. Mỗi con trâu, bò của gia đình anh có giá trị từ 10 đến 40 triệu đồng, tổng giá trị đàn gia súc lên đến 2 tỷ đồng. Cùng với chăn nuôi, anh Thái còn trồng 10ha sắn, 3ha vầu làm nan thanh và ao nuôi cá. Đồng thời, đầu tư mua 1 xe tải để vận chuyển nông sản thu mua của người dân các bản trong huyện bán. Từ sản xuất, kinh doanh hàng năm gia đình anh có thu nhập đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.

Bản Tà Cóm có 111 hộ dân, với 612 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông từ miền núi phía Bắc di cư vào từ những năm cuối thế kỷ XX nên đời sống tương đối khó khăn. Đến năm 1998, thực hiện Đề án “Ổn định dân di cư tự do” của tỉnh Thanh Hóa, đồng bào Mông trong bản mới dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm và ổn định cuộc sống.

Ánh sáng của Đảng về nơi bản xa (Bài cuối): Sức sống mới ở vùng đồng bào MôngMô hình nuôi gà đen đặc sản của đồng bào Mông ở bản Khằm 2, xã Trung Lý (Mường Lát) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Từ một bản không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, đến nay, Tà Cóm đã có điện, đường, trường, cuộc sống của người dân khởi sắc từng ngày. Người dân vô cùng biết ơn và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt tới cuộc sống của đồng bào” - trưởng bản Tà Cóm Thào A Sự nói.

Chủ động làm giàu, xây dựng quê hương

Xuôi về bản Khằm 2 - nơi có hơn 100 hộ đồng bào Mông sinh sống, những ngôi nhà kiên cố, khang trang đã thay dần nhà lá, nhà tạm. Một màu xanh no ấm của lúa, ngô trải dài tít tắp. Trẻ em cũng đã được cắp sách tới trường, không còn phải nheo nhóc theo bố mẹ lên nương.

Bản Khằm 2 nổi tiếng với mô hình nuôi gà đen bản địa. Theo Giàng A Vành, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận bản, gà đen bản địa gắn liền với cuộc sống của đồng bào Mông từ bao đời nay. Tuy nhiên, bà con lâu nay nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình. Mong muốn đưa giống gà bản địa trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng, anh Giàng A Vành đã tiên phong xây dựng mô hình nuôi gà đen bản địa theo hướng tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, vận động bà con mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo định hướng xây dựng sản phẩm OCOP mang thương hiệu “Gà đen Khằm 2”. Nếu thành công, đây là sản phẩm OCOP đầu tiên của đồng bào Mông ở Mường Lát. Từ năm 2021 đến nay, đàn gà đen bản địa của Giàng A Vành duy trì khoảng 300 con/lứa. Trọng lượng xuất chuồng đạt từ 2 - 2,5kg, với giá bán gà thịt hiện nay là 250 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ngoài nuôi gà đen bản địa, bà con bản Khằm 2 còn trồng lúa nước 2 vụ, với diện tích hơn 22ha; trồng sắn phục vụ chăn nuôi và đang xây dựng mô hình trồng cây quế. Năm 2024, có 15 hộ dân bản Khằm 2 đi đầu trồng cây măng bát độ; nhiều hộ phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng đồi, khí hậu ở Trung Lý để trồng cây đào, cây cải Mông, dưa Mông... “Nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế, giờ đây bản mình không còn thiếu ăn như xưa nữa. Đời sống ấm no nên bà con cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ phát động” - anh Vành chia sẻ.

Ánh sáng của Đảng về nơi bản xa (Bài cuối): Sức sống mới ở vùng đồng bào MôngMô hình nuôi cá kết hợp của đảng viên Thào A Thái ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý cho hiệu quả kinh tế.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Mường Lát đã tập trung nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp, sinh kế cho đồng bào Mông bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Từ đó, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh và giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục ưu tiên nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân.

Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, cho biết: “Để tạo nên sự đổi thay của đồng bào Mông, cùng với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, huyện thì đội ngũ già làng, trưởng bản, những người có uy tín của bản đóng vai trò quan trọng. Đi liền với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa mới... Từ đó, giúp người Mông ổn định và xây dựng cuộc sống mới, từng bước vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là tiền đề góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đưa Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo; đến năm 2045, kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh".

Nhóm PV Phòng BĐ-TL

Tin liên quan:
  • Ánh sáng của Đảng về nơi bản xa (Bài cuối): Sức sống mới ở vùng đồng bào Mông
    Ánh sáng của Đảng về nơi bản xa (Bài ...

    Từ những bản làng nghèo nhất của huyện Mường Lát, sau 14 năm thực hiện Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông tại các xã Mường Lý, Trung Lý và Tam Chung đang khởi sắc từng ngày. Sự thay đổi đó có đóng góp to lớn của những đảng viên người Mông tiên phong đi “trước, làm trước”, từ đó tạo sức lan tỏa trong Nhân dân cùng chung sức, đồng lòng vươn lên thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]