Anh hùng dân tộc Lê Hoàn: Chiến công ghi mãi ngàn năm
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, anh hùng dân tộc Lê Hoàn không chỉ là người có những đóng góp to lớn trong công cuộc đánh Tống, bình Chiêm, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc, mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt.
Đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân). Ảnh: Nguyễn Đạt
Theo sử sách ghi lại: Lê Hoàn (941-1005) quê ở Xuân Lập, châu Ái (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân). Tuổi thơ của Lê Hoàn trải qua hoàn cảnh ngặt nghèo, cơ cực. Lọt lòng không biết mặt cha, năm sáu tuổi đã mồ côi mẹ, nhưng ông may mắn được một vị quan họ Lê cưu mang và nhận nuôi. Đến năm 16 tuổi, Lê Hoàn đã cùng chúng bạn đứng trong hàng ngũ quân đội của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh, tham gia dẹp loạn 12 sứ quân. Với tài năng, lại túc trí đa mưu, được lòng quân sĩ, ông được Đinh Bộ Lĩnh tin dùng và giao cai quản 2.000 quân sĩ. Đến năm 971 khi tròn 30 tuổi, Lê Hoàn được Đinh Bộ Lĩnh cất nhắc lên đến chức Thập đạo tướng quân, tổng chỉ huy quân đội trong cả nước. Đây cũng chính là sự ghi nhận công lao, đóng góp của ông.
Suốt 9 năm giữ chức Thập đạo tướng quân, Lê Hoàn đã toàn tâm, toàn ý xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh, một lòng phò tá nhà Đinh. Lúc bấy giờ trong nước yên bình, một phần cũng do cái tâm, cái tài của người làm tướng nuôi quân. Thế nhưng, công cuộc xây dựng quốc gia thống nhất, ổn định chính quyền chưa được bao lâu thì cuối năm 979, xảy ra một biến cố lớn. Đỗ Thích, vì ảo mộng làm vua đã sát hại vua Đinh Tiên Hoàng và con trưởng Đinh Liễn. Sau đó, triều đình đưa con thứ là Đinh Toàn lên làm vua và Lê Hoàn được cử làm phó vương nhiếp chính. Một số quan lại lo sợ Lê Hoàn sẽ lấn át Đinh Toàn nên đã tìm cách phản đối, họ đã rời khỏi Hoa Lư toan gây bạo loạn. Song, với tài trí thông minh của mình, Lê Hoàn đã nhanh chóng dập tắt những âm mưu nội loạn.
Loạn trong vừa dẹp, thì lại lập tức xảy ra thù ngoài. Hay tin Đinh Tiên Hoàng mất, Đinh Toàn kế nghiệp còn nhỏ tuổi, triều thần lại bất hòa đánh giết lẫn nhau, nhà Tống thừa cơ đưa quân sang xâm chiếm nước ta. Trong thời điểm sự tồn vong của quốc gia dân tộc rơi vào tình thế ngặt nghèo, trọng trách chèo lái con thuyền quốc gia Đại Cồ Việt được Thái hậu Dương Vân Nga và các tướng lĩnh tin tưởng trao vào tay Lê Hoàn. Năm 980, Lê Đại Hành hoàng đế lên ngôi, mở đầu cho triều đại Tiền Lê và việc đầu tiên của ông là ổn định tình hình triều chính và tổ chức gấp rút cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Về phía quân Tống, đã phát động chiến tranh xâm lược nước ta từ tháng 6 năm Canh Thìn (980), huy động 3 vạn quân với nhiều tướng lĩnh có kinh nghiệm trận mạc. Đến tháng 2 năm Tân Tỵ (981), quân Tống tràn sang nước ta. Tháng 3 năm 981, Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hung đem quân vào Lạng Sơn; Trần Khâm Tộ đem quân đến Tây Kết; Lưu Trừng đem đội thủy quân tiến vào cửa sông Bạch Đằng.
Về phía ta, vua xuất chinh làm tướng ra chặn giặc. Phía đường thủy, vua cho quân đóng cọc ở trên sông Bạch Đằng để ngăn chặn chiến thuyền địch. Quân thủy của địch bị thất bại trên sông Bạch Đằng sau nhiều trận chiến ác liệt. Trên bộ, do không thể kết hợp được với quân thủy và bị quân ta chặn đánh quyết liệt nên quân Tống buộc phải rút về nước. Thừa thắng, quân ta tiếp tục truy kích và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đạo quân do Trần Khâm Tộ chỉ huy tiến vào Tây Kết, nghe tin hai đạo quân thủy - bộ của Hầu Nhân Bảo và Lưu Trùng bị đánh tan, thì hoảng sợ dẫn quân quay trở về. Vua dẫn quân chặn đánh, quân Trần Khâm Tộ thua to, bị giết quá nửa, thây giặc ngổn ngang đầy đồng, ta bắt được hai tướng giặc là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đem về kinh thành Hoa Lư. Chỉ trong một thời gian ngắn, với tài năng quân sự kết hợp với ngoại giao khôn khéo, vua Lê Đại Hành đã chỉ huy quân sĩ phá tan 3 đạo quân xâm lược nhà Tống, bẻ gãy dã tâm xâm lược nước ta.
Sau khi thắng quân Tống, Lê Đại Hành nghĩ ngay đến việc trừng phạt Chiêm Thành, một nước luôn gây hấn với Đại Cồ Việt ở phía Nam. Năm 982, thủy quân nước ta do Lê Hoàn chỉ huy vượt biển tiến vào Nam đánh thẳng vào kinh đô Chiêm là Indrapura. Đây là cuộc Nam phạt đầu tiên trong lịch sử dựng nước của Nhân dân ta. Vua Chiêm từ ấy hằng năm phải triều cống và xưng thần, củng cố thêm một bước nền độc lập của Đại Cồ Việt. Sự nghiệp phá Tống, bình Chiêm của Lê Hoàn là một sự nghiệp hiển hách trong lịch sử dân tộc.
Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái sỉ nhục phiên di bắt giữ sứ thần, phá tan quân Triệu Tống để bẻ cái mưu vua tôi ăn chắc, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy”.
Với những chiến công hiển hách đó, Lê Đại Hành hoàng đế đã biểu lộ một tài năng quân sự xuất sắc, võ công tuyệt vời và là một vị tướng bách chiến, bách thắng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhưng thiên tài của ông không phải chỉ ở lĩnh vực quân sự, mà dưới sự trị vì của Lê Đại Hành hoàng đế, nước Đại Cồ Việt thời ấy còn đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa...
Trong lĩnh vực văn hóa, vua Lê Đại Hành đặc biệt quan tâm đến đời sống “tư tưởng văn hóa” bảo vệ và phát huy vốn cổ văn hóa dân tộc, những nghệ nhân múa hát tài hoa thời bấy giờ như Dương Thị Như Ngọc, Phạm Thị Trâm được nhà vua phong chức “Ưu Bà” và sai dạy cho binh sĩ múa hát, vừa phát huy giữ gìn được vốn cổ văn hóa của ông cha, lại động viên được tinh thần tướng sĩ gắn bó bản thân với cuộc đời binh nghiệp.
Ngoài ra, ông rất quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp, nghề thủ công, tiểu thủ công nghiệp và mỹ nghệ, các nghề rèn đúc, nghề gốm và dệt tơ lụa cũng được mở mang phát triển đều ở các châu lộ, kịp thời phục vụ đời sống dân sinh và phục vụ cho quốc phòng (theo An Nam chí lược, năm 985 Lê Đại Hành hoàng đế đã dùng tới một tấn lụa trắng dùng trong nghi lễ ngoại giao với nhà Tống. Như thế đủ biết nghề tơ lụa thời ấy rất thịnh hành).
Đồng thời, ông cũng là người đầu tiên được sử sách ghi chép về việc có chủ trương đào sông, đắp đường. Tại Thanh Hóa, sông nhà Lê, đoạn chảy qua thị xã Nghi Sơn, giáp tỉnh Nghệ An là dòng kênh đào đầu tiên, được hình thành dưới thời vua Lê Đại Hành để kết nối giao thông đường thủy từ kinh đô Hoa Lư tới đèo Ngang - biên giới giữa Đại Cồ Việt và Chăm Pa. Dưới thời phong kiến, kênh nhà Lê có vai trò quan trọng vận tải quân lương, mở rộng lãnh thổ về phía Nam và phát triển nông nghiệp. Trải qua thời gian, đến nay kênh nhà Lê vẫn là một hệ thống đường thủy có giá trị lớn.
Cũng bởi cách lãnh đạo đất nước Đại Cồ Việt một cách tài tình và toàn diện trên tất cả các mặt, nên khi nhận xét về thế nước Đại Cồ Việt cũng như công việc phát triển kinh tế văn hóa, xã hội đất nước của vua Lê Đại Hành, các sử gia, bác học Ngô Thì Sĩ rồi Phan Huy Chú đều thống nhất đánh giá: “Sứ thần Trung Quốc phải tôn sùng, tù trưởng sơn động hết chuyện làm phản. Thành Hoa Lư phồn vinh hơn cả nhà Đinh. Còn lưu ý đến sức dân, quan tâm đến chính sự của nước, chú trọng nghề làm ruộng, nghiêm ngặt việc biên phòng, quy định pháp lệnh. Tuyển lựa quân ngũ,... có thể nói là hết sức siêng năng, hết lòng lo lắng”.
Với tài mưu lược xuất chúng, Lê Đại Hành hoàng đế không chỉ là vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt trong việc đánh Tống, bình Chiêm mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bản lề của thế kỷ X, để mở ra một thời đại mới huy hoàng và xán lạn hơn cho dân tộc. Những tài năng và đức độ của ông sẽ lưu danh cùng sử sách, mãi là tấm gương sáng để lớp lớp con cháu đi sau thêm tự hào và nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc đồng lòng, chung sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Nguyễn Đạt
Bài viết có sử dụng tư liệu trong các cuốn “Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn” (NXB Hà Nội), "Vua Lê Đại Hành và quê hương làng Trung Lập” (NXB Thanh Hóa - 2013).
{name} - {time}
-
2024-12-12 10:06:00
Chủ nhân tượng vàng Oscar Quan Kế Huy vào vai sát thủ trong phim hài hành động
-
2024-12-12 09:58:00
“Khung mềm” xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh, an toàn, lành mạnh
-
2024-04-12 21:05:00
Vĩnh Lộc: Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Theo Đảng vững bước ta đi”
[E-Magazine] - Nỗi nhớ vàng thơm như nắng
Mở ra trường phái ấn tượng trên đất Lam Kinh
Lễ hội đền Đức Thánh Cả, làng Đông Sơn
Triển khai Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III
Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh không?
[Podcast] - Tản văn: Yêu những mùa lúa đơm bông
Tổ chức chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong trường học
Lễ hội Đền thờ Quang Trung được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Bức phù điêu bằng đồng lớn nhất Việt Nam tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng