(Baothanhhoa.vn) - Làm cha mẹ, ai cũng mong con sinh ra được đủ ngày, đủ tháng và phát triển toàn diện. Thế nhưng, vì nhiều lý do mà có những trẻ vẫn ra đời sớm với cân nặng thấp và phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Vì thế, trong những năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đầu tư nhân lực và trang thiết nâng cao chất lượng khám, điều trị, nhiều trẻ sơ sinh non tháng có bệnh lý diễn biến phức tạp được nuôi sống thành công.

Bước tiến trong điều trị, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non yếu

Làm cha mẹ, ai cũng mong con sinh ra được đủ ngày, đủ tháng và phát triển toàn diện. Thế nhưng, vì nhiều lý do mà có những trẻ vẫn ra đời sớm với cân nặng thấp và phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Vì thế, trong những năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đầu tư nhân lực và trang thiết nâng cao chất lượng khám, điều trị, nhiều trẻ sơ sinh non tháng có bệnh lý diễn biến phức tạp được nuôi sống thành công.

Bước tiến trong điều trị, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non yếuChăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh non yếu tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa.

Để có thể nuôi dưỡng, điều trị thành công cho trẻ sơ sinh non tháng, mang lại niềm vui cho các gia đình, mỗi y, bác sĩ, điều dưỡng trong Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa đều gắng sức, mang tinh thần và trách nhiệm như những “người mẹ thứ hai” của các bé. Khoa đã triển khai kỹ thuật mới, chuyên sâu thành công, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, như: bơm Surfactant, thay máu bán phần, thở máy, kỹ thuật luồn ống thông tĩnh mạch rốn nuôi dưỡng trẻ sinh non, chăm sóc Kangaroo...

Trường hợp con chị Phạm Thị Hoa (Yên Định) được mổ thai đôi khi mới 32 tuần tuổi (1 thai lưu, 1 thai thiểu ối, thai suy), bé chỉ nặng 1,5 kg kèm các biểu hiện tím môi, đầu chi, suy hô hấp độ II, được các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa điều trị và nuôi dưỡng trong lồng ấp với sự chăm sóc đặc biệt, bé được thông khí nhân tạo không xâm nhập phương thức CPAP, đặt ống thông tĩnh mạch rốn, dạ dày nuôi dưỡng... đến nay sức khỏe của bé đã dần ổn định. Chị Hoa chia sẻ: “Cháu sinh non, nhẹ cân, suy hô hấp, nằm trong lồng ấp, xung quanh là hệ thống máy móc, cả gia đình chỉ biết đặt toàn bộ niềm tin, hy vọng vào các y, bác sĩ. Những cố gắng cuối cùng cũng được đền đáp khi thấy con hồi phục từng ngày. Gia đình tôi vô cùng biết ơn sự nỗ lực cứu chữa bệnh nhân của các y, bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa”.

Còn với con của chị Nguyễn Thị Mai ra đời khi mới 34 tuần tuổi. Bé được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh trong tình trạng nhẹ cân (1,1 kg), suy hô hấp nặng. Các bác sĩ, điều dưỡng đã điều trị tích cực, bơm Surfactant trưởng thành phổi hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân kết hợp thở máy, đưa trẻ vào phòng cách ly bảo đảm vô khuẩn, nằm lồng ấp... Nhờ đó, sau 20 ngày điều trị, chăm sóc đặc biệt, sức khỏe của bé đã dần ổn định.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, sơ sinh là giai đoạn có nhiều nguy cơ nhất trong cuộc đời của trẻ. Trẻ phải tập thích nghi với môi trường sống mới, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, đặc biệt là nhân viên y tế, nhất là đối với trẻ sinh non, nhẹ cân phải đối mặt với nhiều nguy cơ vì phổi chưa trưởng thành, có khả năng bị xẹp phổi, xuất huyết phổi, tràn khí màng phổi, xuất huyết não, viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn huyết... nên cần có sự chăm sóc, theo dõi sát sao, liên tục. Do đó, đặc thù của công tác cấp cứu, điều trị và chăm sóc cho trẻ sơ sinh đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải có chuyên môn sâu và trang thiết bị đầy đủ. Tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, song song với phát triển nguồn nhân lực, bệnh viện đã quan tâm đầu tư, đổi mới, nâng cấp trang thiết bị. Tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như: 7 máy thở, 15 monitor theo dõi bệnh nhân, 15 bơm Surfactant, 15 bơm tiêm điện, hệ thống ô xy trung tâm, lồng ấp, đèn chiếu vàng da... Cùng với đó, bệnh viện đã cử các kíp bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Từ Dũ... Nhờ đó, nhiều ca bệnh khó đã điều trị thành công, giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh và tỷ lệ chuyển viện tuyến trên.

Bác sĩ CKI Phạm Lương Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, cho biết: “Những trẻ sinh non, ngay sau khi sinh cần có sự hỗ trợ về hồi sức và phải đưa về khu cách ly với điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt. Tại đây, nhân viên y tế sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc toàn bộ từ cho ăn, tắm hay lau rửa vệ sinh, theo dõi các chỉ số phát triển cơ thể... Bởi với trẻ đẻ non, chỉ một thay đổi nhỏ từ màu sắc của da hay lượng ăn 1 bữa giảm hơn... cũng có thể là dấu hiệu của sự bất thường. Nếu không theo dõi sát, kịp thời phát hiện và xử lý có thể dẫn đến biến chứng nặng. Do đó, cùng với nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, y đức chúng tôi luôn cố gắng và nỗ lực hết mình trong công việc để đồng hành cùng những bệnh nhân nhi vượt qua mối hiểm nguy, góp phần giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh, giảm tỷ lệ chuyển viện, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho các gia đình”.

Tại các bệnh viện tuyến huyện, việc đưa vào hoạt động các đơn nguyên sơ sinh đã điều trị thành công nhiều trường hợp bất thường ở trẻ sơ sinh, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Trường hợp ở huyện Cẩm Thủy, bé Nguyễn Văn Thiện (xã Cẩm Thạch), sơ sinh 32 tuần suy hô hấp/thiếu máu, nặng 1,7 kg và bé Lê Xuân Đức (xã Cẩm Tâm), sơ sinh 34 tuần, suy hô hấp, được thở CPAP, nuôi dưỡng tĩnh mạch, các bác sĩ và điều dưỡng của Đơn nguyên sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy chăm sóc tận tình chu đáo. Sau hơn 1 tuần điều trị, các cháu đã có phản xạ bú tốt, không nôn trớ, sức khỏe đã ổn định và được ra viện.

Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy, được biết: Đơn nguyên sơ sinh là cầu nối giữa y tế tuyến cơ sở với tuyến cao hơn trong việc điều trị các tai biến sơ sinh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, đồng thời giảm chi phí ngoài y tế và chi phí điều trị trái tuyến cho gia đình bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến trên mà không phải gia đình nào cũng có khả năng chi trả, người dân cũng thuận tiện hơn trong việc đưa con tới khám vì gần nhà. Triển khai đơn nguyên sơ sinh, y, bác sĩ của bệnh viện được đào tạo sâu về chăm sóc sơ sinh kết hợp sử dụng trang thiết bị y tế được tài trợ nên phần lớn trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, bệnh lý đã được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện, hạn chế số trẻ phải chuyển tuyến và nếu có trường hợp nặng phải chuyển tuyến cũng được bảo đảm an toàn, đem lại lợi ích thiết thực cho ngành y tế và cho sức khỏe của trẻ sơ sinh.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa Võ Mạnh Hùng cho biết, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và phát triển chuyên sâu hơn nữa chuyên ngành sơ sinh, thời gian tới, bệnh viện sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng; triển khai thêm kỹ thuật chuyên sâu thuộc chuyên ngành; đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, hỗ trợ đào tạo cho tuyến dưới để cứu sống được nhiều hơn nữa những “mầm sống mới” vốn dĩ đã thiệt thòi hơn so với các trẻ khác.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]