Xu hướng lựa chọn học tiếng Trung Quốc trong giới trẻ
Học tiếng Trung Quốc đang dần trở thành xu hướng được các bạn trẻ ưa thích, lựa chọn bởi nhiều lợi thế mang lại. Tại Thanh Hóa, xu hướng học tiếng Trung “nở rộ” trong học sinh còn bởi ngày càng có nhiều người mong muốn được học và biết nhiều ngoại ngữ.
Cô trò Trung tâm tiếng Trung THANHMAIHSK trong giờ học.
Từ khi lên lớp 7, con gái chị Thu Thủy ở phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) đã đăng ký theo học tiếng Trung Quốc tại một trung tâm dạy tiếng Trung ngoài nhà trường.
Chị Thủy chia sẻ: Ban đầu khi con chia sẻ về mong muốn được học thêm tiếng Trung Quốc gia đình tôi đã rất ngạc nhiên. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và nhất là thấy con thực sự yêu thích tiếng Trung cũng như văn hóa Trung Quốc, gia đình tôi đã đồng ý và cùng con tìm hiểu về các trung tâm dạy tiếng Trung trong thành phố để tiện việc đi lại, học tập của con.
Đối với nhiều bạn trẻ, học tiếng Trung không chỉ đơn giản là việc muốn học thêm một ngoại ngữ thứ hai, mà theo các bạn, việc học tiếng Trung Quốc là để mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng lớn trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bạn Bùi Thị Phượng, sinh năm 1990 tại huyện Quảng Xương hiện đang theo học tiếng Trung tại Trung tâm Ngoại ngữ Hảo Hảo (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Em đang học lớp HSK 1, 2 để thi chứng chỉ. Em nhận thấy khi có chứng chỉ HSK và thành thạo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Trung sẽ giúp em dễ dàng và thuận lợi hơn khi tìm kiếm cơ hội việc làm trong các công ty của Trung Quốc.
Ông Lê Xuân Lực, quản lý Trung tâm Ngoại ngữ Hảo Hảo, chia sẻ: Trung tâm hiện đang có 3 khóa đào tạo, gồm Lớp tiếng Trung giao tiếp dành cho người đi làm; Luyện thi chứng chỉ HSK và HSKK; Tiếng Trung dành cho trẻ em.
Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, trung tâm có cam kết bằng văn bản với từng chỉ tiêu cụ thể. Nếu học xong học viên không đạt như cam kết, trung tâm sẽ đào tạo lại không thu thêm phí. Ngược lại, đối với học viên cũng sẽ phải cam kết tuân thủ các quy định của trung tâm trong quá trình học tập. Ngoài ra, trung tâm cũng cam kết giới thiệu việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học nếu học viên có nhu cầu. Làm được điều này là do trung tâm đã ký kết chương trình đào tạo và cung ứng nguồn lao động thành thạo tiếng Trung cho các tập đoàn và các công ty trong, ngoài tỉnh.
Được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, cùng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, Trung tâm tiếng Trung THANHMAIHSK (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) hiện là một trong những trung tâm đào tạo tiếng Trung lớn tại Thanh Hóa với đội ngũ giáo viên tốt nghiệp đại học chính quy đúng chuyên ngành, có chứng chỉ HSK bậc 6; giáo trình đạt chuẩn; phương pháp giảng dạy “học từ trong câu, học câu trong ngữ cảnh”; lộ trình học nhanh; ngoài ra mỗi lớp ngoài giáo viên dạy chính sẽ kèm theo 1 trợ giảng...
Lớp tiếng Trung dành cho người đi làm tại Trung tâm ngoại ngữ Hảo Hảo.
Em Đặng Thị Hải Lý, sinh năm 2005, hiện đang theo học chương trình HSK 5 tại Trung tâm tiếng Trung THANHMAIHSK chia sẻ: "Em đã học tiếng Trung được hơn 1 năm và cảm thấy rất hứng thú. Em dự định sau khi thi đạt chứng chỉ HSK sẽ tìm kiếm việc làm phù hợp".
Được biết, từ tháng 7/2021 Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 19/2021/TT-BGĐT về ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn ngoại ngữ 1, trong đó có môn tiếng Trung Quốc cho học sinh các cấp. Theo văn bản này, tiếng Trung Quốc được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12. Mục tiêu cơ bản của chương trình là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, chữ hán, từ vựng, ngữ pháp).
Tại Thanh Hóa, tại Văn bản số 2937/SGDĐT-KTKĐCLGD về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng giáo dục năm học 2024-2025 của Sở GD&ĐT có nội dung: Năm học 2025-2026 thi vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn dự kiến tuyển thêm 1 lớp chuyên tiếng Trung Quốc, bài thi môn chuyên của lớp chuyên tiếng Trung Quốc sẽ thi bằng Tiếng Anh.
Trao đổi với Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn Nguyễn Thanh Sơn, được biết: Nhà trường hiện đang xây dựng đề án để trình UBND xem xét. Nếu được UBND tỉnh thông qua, nhà trường mới có thể tiến hành các bước tiếp theo như tuyển giáo viên, xây dựng kế hoạch tuyển sinh... để báo cáo Sở GD&ĐT.
Đón đầu xu hướng, nhiều bạn trẻ lựa chọn học tiếng Trung Quốc cũng với hy vọng sẽ có cơ hội được học tập tại ngôi trường chuyên danh giá nhất tỉnh.
Tính đến tháng 7/2024, toàn tỉnh hiện có 217 trung tâm ngoại ngữ, tin học đang hoạt động, trong đó có 14 trung tâm tiếng Trung. Các đơn vị đã được cấp phép đều hoạt động đảm bảo theo quy định hiện hành của pháp luật; ngày càng tạo được sự đồng thuận trong xã hội và thu hút ngày nhiều hơn số người đến học tập, góp phần nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học.
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2024-12-15 13:46:00
Gieo mầm tri thức nơi biên cương
-
2024-12-15 10:43:00
Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua một hội thi
-
2024-10-20 09:18:00
Vụ cô giáo “tác động vật lý” với học sinh lớp 1: Nhiều học sinh bị bạo lực
Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án tuyển sinh lớp 10 từ năm 2025
Sửa đổi, bổ sung quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ
Cô giáo “tác động vật lý” học sinh lớp 1 đã bị chuyển sang làm văn thư
Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025
Nâng cao trách nhiệm phòng, chống bạo lực trong học sinh
Khó khăn trong triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chào đón tân học sinh, sinh viên
Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa khai giảng năm học 2024-2025
Phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp