(Baothanhhoa.vn) - Họ là những người tử tế, bản lĩnh và tài năng. Họ đã vượt qua bản thân, chinh phục chính mình. Việc làm của họ đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng, xã hội. Và họ - những người bình thường nhưng đã làm nên điều phi thường.

Ước mơ, niềm tin và câu chuyện truyền cảm hứng

Họ là những người tử tế, bản lĩnh và tài năng. Họ đã vượt qua bản thân, chinh phục chính mình. Việc làm của họ đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng, xã hội. Và họ - những người bình thường nhưng đã làm nên điều phi thường.

1.19 tuổi, Đỗ Thị Hà đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2020. Không dừng ở đây, cô tiếp tục ghi dấu ấn khi lọt top 13 cuộc thi Miss World 2021 (Hoa hậu Thế giới). Ngoài ra, Hoa hậu Đỗ Thị Hà còn là Đại sứ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đại sứ Du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Ước mơ, niềm tin và câu chuyện truyền cảm hứng

Danh hiệu Hoa hậu là một vinh dự. Nhưng vinh dự phải đi cùng trách nhiệm xã hội. Vậy nên, Hoa hậu, không chỉ là vẻ đẹp trí tuệ mà còn mang sứ mệnh truyền cảm hứng, lan tỏa những điều tích cực tới cộng đồng. 2 năm đương nhiệm Hoa hậu Việt Nam, Đỗ Thị Hà đã có một cuộc hành trình đẹp, ý nghĩa. Hành trình của trách nhiệm. Dù ở cuộc hành trình này, như cô đã từng chia sẻ: có những lúc thấy mệt mỏi, áp lực nặng nề nhưng bản thân đã nỗ lực để tôi luyện nên một Đỗ Thị Hà đầy mạnh mẽ, đầy sự tự tin và hãnh diện.

Sau 2 năm đăng quang Hoa hậu, Đỗ Thị Hà tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, dự án nhân ái. Đặc biệt, Hoa hậu đã sáng lập Quỹ học bổng mang tên mình. Quỹ học bổng Đỗ Hà sẽ được trao cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh nghèo hiếu học trên khắp cả nước. Tại quê nhà Thanh Hóa, quỹ học bổng đã đến với những học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn ở Trường THPT Hậu Lộc 3; Trường THCS xã Cầu Lộc,... các em học sinh hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt tại Trường THCS xã Tùng Vài và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cũng đã được nhận học bổng từ quỹ này.

Bên cạnh đó, Dự án nhân ái “Những ngôi nhà bình yên” của Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã được thực hiện tại Nóc Tak Lang, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam với 18 căn nhà được xây dựng. Đây là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề sau trận lũ quét, sạt lở đất vào năm 2020...

Đằng sau chiếc vương miện, đằng sau vẻ đẹp của ngoại hình là vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ. Những dự án thiện nguyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hoa hậu Đỗ Thị Hà, tiếp tục lan tỏa điều tốt đẹp đến cộng đồng ngay cả khi cô đã kết thúc 2 năm nhiệm kỳ Hoa hậu, như cô chia sẻ: “Tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ rằng, tuổi trẻ chính là đặc ân quý giá mà chúng ta được ông trời ban tặng nên hãy tận hưởng nó, hết mình với những gì bản thân đam mê và tận tâm trong từng công việc, hạnh phúc sẽ đến với bạn”.

2.Năm 2023, đánh dấu sự kiện quan trọng đối với ngành giáo dục tỉnh Thanh, đó là sau 23 năm, Thanh Hóa mới có quán quân Đường lên đỉnh Olympia. Và người tạo ra chiến thắng vang dội này chính là Lê Xuân Mạnh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hàm Rồng.

Ước mơ, niềm tin và câu chuyện truyền cảm hứng

Khán giả xứ Thanh đã từng phải “nín thở” khi nghe công bố ngôi vị tại trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023 diễn ra vào ngày 8/10/2023. Sở dĩ phải có sự “nín thở” này vì Lê Xuân Mạnh đã “đẩy” phần thi của bản thân trở nên kịch tính hơn. Từ chỗ không ghi dấu ấn qua 3 vòng thi đầu với điểm số thấp nhưng đến vòng thi về đích, Lê Xuân Mạnh đã làm cuộc ngược dòng, vươn lên dẫn đầu.

Riêng Lê Xuân Mạnh, qua 3 vòng thi, tưởng như em không còn hy vọng về một chiến thắng, tiếp tục thi với một tâm trạng buồn, nản nhưng bất ngờ, ở vòng thi về đích, em thi với một tâm thế quyết liệt hơn, như cách nói của Lê Xuân Mạnh: “Đã chơi tất tay cho phần thi Về đích với tâm lý không còn gì để mất”. Điều này đã góp phần quan trọng mang vinh quang về cho Lê Xuân Mạnh.

Chiến thắng cuộc thi này, như Mạnh chia sẻ, ngoài kiến thức còn có sự may mắn. Đúng, nhưng chưa đủ. Những gì Mạnh đã thể hiện ở cuộc thi, cho thấy cách xử lý tình huống, không “đầu hàng”, không bi quan khi bản thân đang ở thế yếu. Bình tĩnh, tự tin để có quyền hy vọng về một kết quả khả quan hơn hoặc là nếu không giành được chiến thắng thì Mạnh cũng “mong hành trình của bản thân sẽ tiếp lửa cho các thế hệ đàn em". "Đừng bao giờ bỏ cuộc và phải phấn đấu vì mục tiêu riêng đến những phút cuối cùng”, Lê Xuân Mạnh nói.

3.Đặc biệt, cũng trong năm 2023, cô giáo không tay Lê Thị Thắm ở thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn đã được Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng chỉ đạo tiến hành tuyển dụng đặc cách vào ngành giáo dục huyện Đông Sơn và bố trí công tác ngay trong năm học 2023-2024. “Sự kiện” này đã mở ra một trang mới với cô giáo Lê Thị Thắm. Từ đây, cô được đứng trên bục giảng trong một môi trường giáo dục theo đúng nghĩa.

Ước mơ, niềm tin và câu chuyện truyền cảm hứng

Chuyện của Thắm là câu chuyện của nghị lực, của niềm tin. Lê Thị Thắm sinh ra đã không có tay nhưng lại khao khát được đi học. Vì khuyết đôi tay nên sự học của Thắm khó nhọc hơn người khác. Các bạn viết trên đôi tay, còn cô tập viết bằng đôi chân. Đôi chân ấy đã từng rỉ máu vì “bị” cô kẹp bút, lao động thay cho đôi tay.

Bền bỉ, kiên trì, hành trình đến trường của Thắm được xem là kỳ tích vì một học sinh không tay lại có thể ngồi học, viết bài như những học sinh bình thường. Và cô - một học sinh viết bằng chân, về sau này lập nhiều kỳ tích hơn: Trúng tuyển vào đại học và trở thành một cô giáo làng dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo.

Ước mơ làm cô giáo đã thành hiện thực. Nhưng chưa bao giờ cô dám nghĩ, sẽ được đứng trên bục giảng, làm việc trong một môi trường giáo dục. Điều này, thật xa vời...

Được đặc cách tuyển dụng về dạy học tại Trường TH và THCS Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, ngôi trường mà Lê Thị Thắm đã từng theo học, với cô là hạnh phúc lớn. Về đây, trong ngôi nhà thứ 2 này, cô đã cảm nhận được tình đồng nghiệp, tình yêu thương của học trò...

Lê Thị Thắm đã viết nên câu chuyện đẹp về sự phi thường. Khuyết đôi tay nhưng vẫn còn đôi chân để dệt ước mơ, dệt niềm tin. Cô đã tìm thấy lối đi ngay dưới chân mình, dù vẫn biết, lối đi đấy sẽ vô cùng khó nhọc. Nhưng cô vẫn kiên cường tiến về phía trước để biến ước mơ thành hiện thực. Bởi với cô “ước mơ giống như một tia sáng vậy, chỉ cần có ước mơ chỉ lối thì cuộc sống sẽ mãi mãi không bị lạc lối”.

Hành trình của Thắm, cuộc hành trình của bản lĩnh, nghị lực. Cô biết mình là ai, biết mình cần phải làm gì để vượt qua hoàn cảnh, để tìm đích đến và để khẳng định: Dù tàn nhưng không phế. Đấy là lòng tự trọng và hơn thế, đấy còn là văn hóa sống.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]