Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Trừ điểm giấy phép lái xe: Không phát sinh tiêu cực, không trùng chéo

Trừ điểm giấy phép lái xe: Không phát sinh tiêu cực, không trùng chéoLực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông. (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)

Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Luật bổ sung các quy định mới về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là quy định về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm của giấy phép lái xe.

Trừ điểm giấy phép lái xe

Bộ Công an cho biết tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp; vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, xuất hiện nhiều hành vi mới, có tính chất nguy hiểm nhưng chưa được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những thành tố chính của hoạt động giao thông đường bộ có liên quan trực tiếp đến trật tự, an toàn giao thông.

Hiện nay, pháp luật quy định các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn từ 1-24 tháng.

Mỗi năm, cơ quan chức năng tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn trên 500.000 trường hợp vi phạm. Khi bị tước quyền sử dụng, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân.

Việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến nhận, tồn đọng nhiều giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nhân lực nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.

Nhằm triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Dự thảo Nghị định đã quy định các hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tiền, mức trừ điểm giấy phép lái xe, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm. Theo đó, điểm của giấy phép lái xe bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

“Thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm sẽ bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính,” đại diện Bộ Công an khẳng định.

Bộ Công an lý giải, khi có quyết định xử phạt, người lái xe sẽ nhận được thông báo của cơ quan xử phạt về việc giấy phép lái xe bị trừ điểm; hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tự động trừ điểm, không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm nên không phát sinh tiêu cực, không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Bộ Công an, giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó.

Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo tài liệu của Bộ Giao thông vận tải do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Giấy phép lái xe sau khi đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định quy định việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đã và đang thực hiện việc kiểm soát, tạm giữ, tước giấy phép lái xe trên môi trường điện tử qua ứng dụng quốc gia VNeID.

28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm

Đối với nội dung mức trừ điểm giấy phép lái xe, dự thảo Nghị định quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm. Trong đó, 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm gồm điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở, trong cơ thể có chất ma túy, điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép 150%, đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35km/h.

Lý giải về mức trừ điểm rất nặng này, theo Bộ Công an, đây là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông...

“Việc quy định trừ điểm giấy phép lái xe, vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi lần bị trừ điểm như là ’tiếng chuông' cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn,” Bộ Công an cho hay.

Cũng theo Bộ Công an, giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.

Qua đó, quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cho đến quá trình chấp hành pháp luật, việc vi phạm tái phạm, từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Hạ thấp mức phạt với hành vi vi phạm về nồng độ cồn mức 1

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe cũng quy định hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Theo đó, với mức vi phạm nồng độ cồn này, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ, thấp hơn rất nhiều so với quy định hiện hành là phạt từ 6-8 triệu đồng.

Đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy, mức phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng. Theo quy định hiện hành, với nồng độ cồn như trên, người điều khiển môtô, xe gắn máy bị phạt từ 2-3 triệu đồng.

Còn đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng, mức tiền phạt đề xuất là từ 800.000-1 triệu đồng, trong khi mức phạt hiện hành là 3-5 triệu đồng.

Về quy định này, nhiều người bày tỏ đồng tình, cho rằng với việc lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý quyết liệt hành vi vi phạm nồng độ cồn thời gian qua, người dân đã có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn.

Nên hạ mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn tối thiểu vì mức này không ảnh hưởng lớn đến khả năng lái xe và mục đích của các quy định pháp luật không phải là để thu tiền phạt.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết hiện luật không chỉ quy định phạt tiền mà còn trừ điểm giấy phép lái xe. Việc bị trừ điểm dẫn đến nguy cơ bị tước bằng lái cũng là một hình thức răn đe đối với người dân.

Dự thảo nghị định quy định trừ điểm giấy phép lái xe với tất cả hành vi vi phạm nồng độ cồn. Lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở có thể bị trừ 12 điểm; nồng độ cồn vượt quá 50 mg-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg-0,4 mg/lít khí thở có thể bị trừ 10 điểm.

Nếu lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở có thể bị trừ 2 điểm./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]