Triển vọng từ mô hình nuôi ba ba, ốc nhồi tại Hà Trung
Chủ động dồn đổi và tích tụ đất đai, nông dân Bùi Văn Hùng ở thôn Chí Phúc, xã Hà Sơn đã hình thành nên khu vườn trại tổng hợp để trồng hoa huệ, nuôi ba ba và ốc nhồi. Luôn năng động đi đầu trong du nhập đối tượng cây trồng và con nuôi mới, ông Hùng đã có lợi nhuận trên dưới 400 triệu đồng mỗi năm ngay tại vườn nhà. Từ mô hình đã góp phần thúc đẩy hình thành tổ hợp tác chuyên nuôi ốc nhồi và ba ba để nhân rộng.
Từ thành công của ông Bùi Văn Hùng đã tạo sự lan tỏa để hơn 30 hộ dân xã Hà Sơn (Hà Trung) phát triển mô hình nuôi ốc nhồi.
Đi qua những lùm cây ăn quả về phía sau nhà, ông Hùng dẫn chúng tôi đến thăm ao nuôi ốc nhồi rộng chừng hơn trăm mét vuông. Ốc lớn, ốc nhỏ bám đầy 4 bên bờ cũng như phủ đen các cây thủy sinh dạng dây leo trong ao. Phía trên bờ ao là những bụi bầu, luống khoai mán, giàn mướp và nhiều loại rau màu xen canh xanh mướt. Theo ông, nuôi ốc nhồi rất dễ vì đối tượng con nuôi này chưa bao giờ bị bệnh tật, bản thân chúng cũng không gây ô nhiễm nguồn nước. Thức ăn của ốc rất phong phú, có thể là thân rau, bầu, mướp và đủ loại cây cỏ vứt xuống. Khi gia đình đã chủ động được nguồn giống, thì hầu như không phải đầu tư gì thêm, chỉ mất công hái thức ăn. Tuy ao nuôi ốc không lớn, nhưng theo hạch toán của gia chủ, mỗi năm đều bán ra thị trường gần nửa tấn ốc thương phẩm, còn lại để sinh sản bán ốc giống với nguồn thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng.
Cách đó không xa là 2 ao lớn với tổng diện tích gần 2.000m2 để nuôi ba ba kết hợp thả cá trắm. Ở góc mỗi ao, ông còn hình thành “đảo nhân tạo” để ba ba lên đẻ trứng. Đây là đối tượng con nuôi cần kỹ thuật cao, nên gia chủ đã thuê 2 lao động kỹ thuật chuyên chăm sóc ba ba con, bắt và tách ba ba bố mẹ đưa lên bể xi măng nuôi theo những giai đoạn cần thiết. Với việc chiếm lĩnh được các khâu kỹ thuật nuôi, nên hằng năm, ông đều bán ra thị trường khoảng 350kg ba ba thịt với giá bình quân khoảng 400.000 đồng/kg. Riêng với ba ba giống, mỗi năm cơ sở sản xuất và bán ra khoảng 5.000 con, năm giá thấp nhất cũng đạt 20.000 đồng mỗi con nên cho thu nhập thấp nhất là 100 triệu đồng. Đây là con nuôi đặc sản nên luôn trong tình trạng thiếu hàng, bởi thương lái đến tận nhà thu mua cung ứng cho hệ thống nhà hàng khắp các tỉnh. Để nâng cao hiệu quả, gần đây ông còn chuyển từ đối tượng ba ba gai, ba ba trơn sang nuôi thêm ba ba Nhật Bản với trọng lượng lớn hơn. Với nhiều gia đình trong vùng, nuôi ba ba đã cho lợi nhuận lớn, nhưng với gia đình ông Bùi Văn Hùng, do nuôi được ba ba sinh sản nên còn giảm đi hàng chục triệu đồng tiền mua giống mỗi năm.
Ngoài ra, gia đình ông Hùng còn canh tác 7 sào hoa huệ ở diện tích đất ruộng dồn đổi nối liền với vườn nhà. Ngày chúng tôi có mặt, một khu trồng hoa rộng lớn này đang mơn mởn những mầm non. Theo ông Hùng, đây là lứa hoa sẽ chăm bón và dùng kinh nghiệm để kích thích nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Như những năm trước, nếu mỗi sào hoa cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng, thì lứa hoa này, gia đình dự tính sẽ có thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Vốn tính hay lam hay làm, vợ chồng ông Hùng còn nuôi thêm đàn gà, lứa lợn cả chục con để tận dụng nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Các khâu trồng trọt, chăn nuôi gần như được tổ chức tuần hoàn, tạo nên một mô hình kinh tế khép kín. Từ vườn nhà rậm rạp và khu đất nông nghiệp sình lầy dồn đổi, bằng đôi bàn tay cần mẫn của gia đình nông dân năng động, đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, trừ đi các chi phí và trả công lao động, vẫn còn lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng mỗi năm.
Theo chia sẻ của ông Bùi Văn Hùng: “Phần lớn trong số 6.500m2 đất gia đình đang sản xuất hiện nay, trước kia là khu ruộng sình lầy. Do sâu trũng, tiêu thoát nước kém nên thường xuyên ngập úng, người dân địa phương chỉ cấy được 1 vụ lúa không ăn chắc, nhiều gia đình còn bỏ hoang. Năm 2007, địa phương kêu gọi và tạo điều kiện nên tôi đã dồn đổi toàn bộ đất nông nghiệp của gia đình về giáp nhà, mở rộng thành khu sản xuất này. Khi có diện tích tôi mới mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển các mô hình bài bản. Từ đó tôi thuê máy móc đào ao lấy đất tôn nền, rồi vượt ụ, san bằng thành khu sản xuất như ngày nay”.
Cũng theo chủ mô hình kinh tế tổng hợp này, từ những năm đầu, ông đã tham gia vào các hội sản xuất, rồi Hội Làm vườn và Trang trại huyện để được giao lưu, đi học tập kinh nghiệm nhiều nơi. Nhận thấy địa phương là vùng trũng thấp nên phải phát triển nuôi các loài thủy sản, biến những bất lợi ngập úng thành thế mạnh phát triển kinh tế. Sau nhiều chuyến thăm, ông xác định ốc nhồi và ba ba là phù hợp nhất nên tự tìm tòi học hỏi kỹ thuật, từng bước triển khai.
Khu vườn trại sản xuất tổng hợp cách không xa Ngã ba Bông và đền Cô Bơ nổi tiếng này đã trở thành mô hình kinh tế điển hình của xã Hà Sơn. Đáng quý hơn là hoạt động nuôi ba ba và ốc nhồi tại đây đã tạo được sự lan tỏa để hàng chục hộ dân trong xã và trong vùng học tập triển khai. Đến nay, riêng xã Hà Sơn đã có hơn 30 hộ nuôi các loại con nuôi này, tạo thành vùng nuôi con đặc sản, giúp địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp. Gần đây, các hộ nuôi của địa phương đã thành lập tổ hợp tác chuyên nuôi ốc nhồi và ba ba để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, tìm thị trường và bảo đảm nguồn cung cho các mối khách. Huyện Hà Trung và xã Hà Sơn cũng có cơ chế hỗ trợ để phát triển các mô hình nuôi ốc nhồi trong huyện, nhằm biến đối tượng con nuôi này thành thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của huyện đồng bằng chiêm trũng.
Bài và ảnh: Lê Đồng
- 2024-11-02 14:20:00
Hoằng Hóa làm tốt quy hoạch để du lịch cất cánh
- 2024-11-02 14:19:00
Vướng mắc trong triển khai nhiều dự án trọng điểm
- 2023-12-01 16:10:00
Thu ngân sách nhà nước lĩnh vực hải quan ước đạt trên 15 nghìn tỷ đồng
Nâng tầm giá trị tre, luồng trên đất Lang Chánh
Nỗ lực đảm bảo nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất
Hậu Lộc thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp
Ngày Mua sắm Trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023
Chung kết Cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu" năm 2023
Giá xăng RON95-III và dầu diesel giảm nhẹ
Triển vọng kinh tế từ mô hình trồng rau khí canh
Trên những cánh đồng sản xuất vụ đông ở Nông Cống
Phát triển diện tích khoai tây vụ đông theo liên kết sản xuất