Trên những cánh đồng sản xuất rau vụ đông
Những ngày này, trên những cánh đồng sản xuất rau màu vụ đông lớn trên địa bàn tỉnh, các loại rau màu đang độ sinh trưởng, phát triển mạnh. Để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, trên những cánh đồng người dân đang tất bật chăm sóc, vừa tập trung thu hoạch cây trồng vụ đông ngắn ngày để cung ứng ra thị trường.
Người dân xã Thọ Hải (Thọ Xuân) chăm sóc rau an toàn.
Tận dụng nguồn đất đai màu mỡ, người dân xác định không để đất nghỉ, gối vụ trồng các loại rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ thuận lợi vào thời điểm cuối năm, như: cà chua, cải bắp, su hào, súp lơ xanh, rau gia vị... Tại những địa phương có truyền thống sản xuất rau màu như Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Nga Sơn... màu xanh đã phủ kín những cánh đồng.
Là địa phương có truyền thống sản xuất vụ đông, người dân huyện Hoằng Hóa đã chủ động đưa các loại rau màu có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, như: cà chua, rau đậu các loại, sà lách... tập trung chủ yếu ở các xã: Hoằng Giang, Hoằng Hợp, Hoằng Trinh, Hoằng Lưu, Hoằng Thắng... trong đó có 120 ha áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và nhiều chuỗi sản xuất và tiêu thụ đã được hình thành để phục vụ các bếp ăn trường học, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, các cửa hàng thực phẩm an toàn trong tỉnh. Tại cánh đồng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hoằng Giang, thay vì chỉ sản xuất những loại rau màu truyền thống, nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây rau màu được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Đang nhanh tay tưới những luống rau xanh mơn mởn, chị Lê Thị Hiền cho biết: "Đối với vụ đông, tôi ưu tiên trồng các loại rau có chu kỳ sinh trưởng ngắn, được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, trước khi xuống giống phải cải tạo đất, chia ruộng thành luống nhỏ, đánh luống cao để dễ thoát nước; nếu phát hiện sâu bệnh phải dùng chế phẩm sinh học để phòng trừ".
Ông Cao Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã, cho biết: "Việc phát triển vùng rau vụ đông luôn được xã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và lựa chọn loại cây trồng phù hợp với thời vụ, thổ nhưỡng... Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học, canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ... nhằm giảm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm; đồng thời khuyến khích người dân đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nước tự động... để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng".
Để phục vụ thị trường tết năm nay, bên cạnh các loại rau xanh truyền thống, nhiều hộ dân còn trồng cây rau màu mới, như: cần tây, măng tây xanh, hành tây... Do áp dụng đúng kỹ thuật và chăm sóc nên hiện diện tích sản xuất cây rau màu đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Thời điểm này, tại các vùng sản xuất rau màu các xã Xuân Lai, Thọ Hải, Trường Xuân... (Thọ Xuân), người dân đang tập trung chăm sóc, thu hoạch một số diện tích trồng sớm, đẩy mạnh tiêu thụ tại các chợ, cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Ông Trịnh Bá Hiền, Chủ tịch UBND xã Xuân Lai, cho biết: Việc trồng rau ngay từ đầu vụ thuận lợi trong tiêu thụ và giá rau thường cao hơn; đối với khoai tây, rau cải, bắp cải... chủ yếu trồng trên diện tích đất ruộng nên người dân đã triển khai trồng ngay sau khi thu hoạch lúa mùa sớm. Đáng ghi nhận, nhiều năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân đã có ý thức áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc để rau màu phát triển tốt, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật và trồng rải vụ đối với rau nhằm giảm hiện tượng thừa - thiếu cục bộ. Bên cạnh đó, HTX dịch vụ nông nghiệp cũng chủ động lựa chọn các đơn vị uy tín cung cấp giống rau màu, phân bón đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất...
Vụ đông năm 2023, toàn tỉnh gieo trồng hơn 24.400 ha rau màu các loại và các cây trồng khác. Bên cạnh các loại rau truyền thống như rau cải, sà lách... các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích những loại rau màu có thị trường tiêu thụ tốt, như rau gia vị, cà chua, hành... Do được chăm sóc đúng kỹ thuật, sản xuất trong khung lịch thời vụ nên hiện các loại rau màu vụ đông sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, người dân cần chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng những phương pháp an toàn sinh học trong bón phân, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo năng suất, sản lượng. Đồng thời, chú ý trồng rải vụ nhằm giảm áp lực tiêu thụ.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2023-12-11 08:50:00
Hiện đại hóa ngành chăn nuôi - những vấn đề đặt ra (Bài 1): Ngành chăn nuôi Thanh Hóa - thuận lợi và khó khăn đan xen
Kinh tế năm: Xuất khẩu kỳ vọng bứt phá
Lasuco ra mắt “thức uống” sữa trái cây Lavina bảo vệ sức khỏe toàn diện cho trẻ
Phát triển kinh tế số tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng
Giải bài toán ngân hàng “thừa” tiền nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu
Doanh nghiệp Trung Quốc khảo sát, đánh giá năng lực sản xuất sản phẩm từ tổ yến tại Thanh Hóa
Kết nối doanh nhân - giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Phát triển ổn định vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn
Hội Nông dân huyện Quan Hóa hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế