Trang trại triệu đô
Ngay tại vùng đồi xứ Thanh, một trang trại trồng trọt đem về lợi nhuận tương đương khoảng 1,65 triệu đô la mỗi năm, nghe tưởng viển vông nhưng đó là sự thật. Đã là năm thứ 4 cho thu hoạch và mỗi năm doanh thu đều tăng dần, càng khẳng định tư duy và hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại của chủ trang trại.
Trang trại cây có múi liền vùng 83ha cho thu nhập khoảng 40 tỷ đồng mỗi năm.
Dù không phải lần đầu tận mắt nhìn thấy, nhưng hình ảnh những cây cam canh, cam xã Đoài, rồi bưởi da xanh... sai quả, đều tạo ấn tượng khó quên với chúng tôi. Lần thứ 4 đến với thung lũng trồng các loại cây có múi theo hướng công nghệ cao ở thị trấn Vân Du (Thạch Thành) này, những thành viên của các đoàn công tác đều không khỏi trầm trồ trước quy mô rộng lớn và quy trình canh tác hiện đại. Đó chính là Nông trại Chung Thủy - mô hình trang trại trồng trọt chuyên canh các loại cam và bưởi tập trung lớn nhất xứ Thanh hiện tại với 83ha liền vùng và được đầu tư bài bản.
Để giới thiệu khu sản xuất với những vị khách, anh Nguyễn Văn Chung - chủ trang trại đã phải dùng đến ô tô để dẫn đường cho những xe khác theo sau. Thỉnh thoảng anh lại dừng xe để đoàn xuống cảm nhận “mắt thấy tay sờ” một số khu trồng cam, trồng bưởi mơn mởn xanh tươi trên vùng đất hoang hóa năm xưa. Giữa một thung lũng bốn bề núi dựng, những luống cây ăn quả chạy dài tít tắp phủ màu trù phú và khung cảnh nên thơ. Theo anh Chung, vì được che chở bởi hệ thống núi đá nên khu trồng cây công nghệ cao theo quy hoạch của huyện Thạch Thành này gần như không chịu ảnh hưởng đáng kể của bão gió.
Những ngày cuối tháng 11 này, vùng đất thuộc Nông trường Vân Du xưa xuất hiện những đợt gió hanh heo và không khí lạnh đầu mùa. Đây được coi là thời điểm cam bắt đầu “đẹp mã”, cô đường tăng độ ngọt. Những đợt thu hoạch tỉa cũng bắt đầu. Những ngày càng cận Tết Nguyên đán hàng năm, gần trăm lao động thu hái, mỗi ngày đều có vài ba xe tải của thương lái các tỉnh phía Bắc về tận nơi thu mua.
Mỗi cây cam canh hàng tạ quả ở trang trại Chung Thủy tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành).
Ở khu nông trại tương đương diện tích một xã đồng bằng này, từng cây cam đều trĩu cành. Trong gần 4 vạn cây trồng đã cho quả, hầu như cây nào cũng phải chống bằng luồng hoặc cột kẽm kiên cố để khỏi gãy cành. Nhiều nhánh cây chỉ bằng chiếc đũa, cũng “đeo” lúc lỉu một vài cân quả căng mọng. Bằng kinh nghiệm, anh Chung lật các cành lá, càng lộ ra những chùm quả nằm xếp tầng phía dưới. Những cây cam nặng 3 - 4 tạ quả đã trở thành chuyện bình thường nơi đây.
Để có được thành quả như hôm nay, là cả sự quyết tâm và quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Bởi khoảng hơn chục năm trước, vùng đồi này gần như hoang hóa với cỏ dại và cây bụi, trở thành nơi chăn thả trâu, bò của người dân địa phương. Nhiều lần lên với Vân Du, người đàn ông quê xã Hà Sơn (Hà Trung) ấy đã nhìn thấy tiềm năng to lớn. Và, cái cách anh Chung thuê thầu đất sản xuất cũng chuyên nghiệp ngay từ những ngày đầu. Năm 2016, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thủy Ngọc của anh và những người bạn đã xin lập dự án trồng cây có múi tập trung theo hướng công nghệ cao, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận chủ trương.
Cũng từ năm 2016, 42ha đất đầu tiên được cấp sổ để trồng cây lâu năm thời hạn 49 năm. Anh và công ty đã thuê các cơ quan chuyên môn về lấy mẫu đất, xét nghiệm, nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. Từ những kết quả khoa học, anh xác định cho khu trang trại 4 loại cây trồng chính là những cây có múi. Với diện tích rất lớn, công việc thuê chuyên gia thiết kế phân lô và xây dựng kế hoạch cơ giới hóa được anh nhanh chóng triển khai. Với tiềm lực sẵn có của doanh nghiệp, hệ thống tiêu nước chính, thoát nước phụ và những hàng luống cao được hình thành để trồng cây nhằm tránh ngập úng. Bài toán nan giải của vùng đồi là nước tưới cũng được giải quyết bằng các giếng khoan công nghiệp, bơm chứa ở các ao lót bạt hiện đại.
Cứ đều đặn cây cách cây 4m, hàng cách hàng 5m, hàng vạn cây cam đường canh, cam xã Đoài lòng vàng được ươm trồng. Vùng trồng bưởi da xanh cũng được thiết lập với hàng chục nghìn cây trải dài tít tắp. Đáng nói, hệ thống tưới tự động là các bép xoay phun mưa và đường ống nhỏ giọt đến từng gốc cây theo công nghệ Israel được lắp đặt - trở thành mô hình áp dụng công nghệ tưới hiện đại sớm và quy mô nhất tại huyện miền núi Thạch Thành.
Nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm tại trang trại cây có múi Chung Thủy ở thị trấn Vân Du.
Sau khi hình thành khu sản xuất quy mô 42ha, công ty tiếp tục thuê lại 41ha đất của các chủ thể quanh vùng để mở rộng trang trại lên 83ha. Những khu đường nội vườn được rải cấp phối và đổ bê tông chẳng khác những tuyến đường dân sinh miền núi. Từ đó mà các máy móc cơ giới vào ra sản xuất thuận lợi, xe tải vận chuyển phân bón, sản phẩm đi tiêu thụ vào đến từng góc vườn. Ngay từ những năm đầu, trang trại đã xác định sản xuất sạch theo quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình hiện đại là tiêu chí sống còn, bởi lượng sản phẩm rất lớn cần uy tín để có đầu ra bền vững. Những khu nuôi giun quế, nhà ủ phân hữu cơ cũng được hình thành ngay trong trang trại.
Đỗ tương, ngô, các chất hữu cơ ủ, rồi phân giun quế và một số dòng phân hữu cơ nhập khẩu từ Nhật Bản đã trở thành nguồn dinh dưỡng cho từng cây trồng trong trang trại nhiều năm qua. Như để minh chứng cho sản phẩm sạch, chủ trang trại lấy những trái cam trên cây và mời những vị khách nếm thử. Cam canh ngọt thanh, những trái cam xã Đoài lòng vàng óng như mật, ngọt đậm và mát rượi trên đầu lưỡi. Từ năm 2020, cam và bưởi nơi đây đã cho thu hoạch đại trà. Hiện sản phẩm được đưa đi tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng chính là trang trại đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với sản phẩm cam và bưởi.
Đến nay, 12.000 cây cam xã Đoài, 20.000 cây cam canh, gần 4.000 cây bưởi da xanh đã đồng loạt cho quả năm thứ 4. Gần đây, trang trại còn trồng thêm 2ha phật thủ, nay cũng bắt đầu bói quả. Theo hạch toán của chủ trang trại cây có múi lớn bậc nhất Thanh Hóa này, thu nhập của trang trại đã đạt 40 tỷ đồng mỗi năm sau khi đã trừ mọi chi phí. Cũng hiếm có trang trại nào ở miền Bắc xây dựng hẳn một khu nhà ở cho công nhân. 80 lao động chuyên nghiệp đến từ nhiều tỉnh, có việc làm ổn định tại đây với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng, đã được bao ăn ở.
Đã 8 năm gây dựng và phát triển trang trại trồng trọt điển hình, không còn nhớ đã tiếp bao nhiêu đoàn đến tham quan, trong đó nhiều chủ trang trại đến học tập kinh nghiệm, anh Nguyễn Văn Chung đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Với ông chủ sinh năm 1975 này, càng nhiều người làm tốt sẽ tạo được cộng đồng trồng cây ăn quả xứ Thanh phát triển, xây dựng được thương hiệu cho những vùng trồng tập trung.
Bài và ảnh: Lê Đồng
{name} - {time}
-
2025-01-02 15:54:00
Hành trình 10 năm cho những gắn kết vững bền
-
2025-01-02 15:05:00
Bật tăng ngay đầu năm 2025, giá xăng RON95-III lên mức 20.746 đồng/lít
-
2024-11-27 14:07:00
Công điện của Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Chính sách, pháp luật khởi nghiệp - tạo điều kiện để thế hệ trẻ phát huy năng lực, sáng tạo
Kiểm tra công tác sản xuất vụ đông năm 2024-2025
Khai mạc hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 7
Thúc đẩy lĩnh vực thủy sản trở thành một trợ lực phát triển kinh tế - xã hội
Bản tin Tài chính 27/11: Giá vàng tăng sau tuyên bố quan trọng của ông Trump
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT
Tập huấn chính sách thuế và đối thoại với người nộp thuế quý IV/2024
Nhộn nhịp chương trình khuyến mãi dịp Black Friday tại TP Thanh Hóa
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp