(Baothanhhoa.vn) - Không còn cảnh nhộn nhịp mỗi sớm mai với hàng trăm phương tiện nối đuôi nhau vươn khơi. Cũng chẳng còn những đoàn tàu cá đầy khoang trở về neo đậu bên dòng sông Cung... Số lượng tàu đánh bắt đã giảm hẳn. Nỗi niềm giữ nghề, phát triển nghề vươn khơi bám biển giờ đây luôn trăn trở trong lòng người dân xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa).

Tiếng vọng khơi xa...

Không còn cảnh nhộn nhịp mỗi sớm mai với hàng trăm phương tiện nối đuôi nhau vươn khơi. Cũng chẳng còn những đoàn tàu cá đầy khoang trở về neo đậu bên dòng sông Cung... Số lượng tàu đánh bắt đã giảm hẳn. Nỗi niềm giữ nghề, phát triển nghề vươn khơi bám biển giờ đây luôn trăn trở trong lòng người dân xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa).

Tiếng vọng khơi xa...Chủ tàu Phùng Đình Nhã, thôn Bắc Sơn - một trong số ít ngư dân còn bám lại với nghề vươn khơi.

Con sông Cung vốn rộng lớn nhộn nhịp năm nào, nay thu mình như một dòng kênh nhỏ hẹp, chật chội. Cơn mưa liên tục kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới càng khiến cho quang cảnh im lìm. Vài chủ tàu đang chằng níu phương tiện vào cầu cảng. Trên khoang tàu mang số hiệu TH2202TS, người đàn ông trung tuổi đang chuẩn bị ngư lưới cụ. Chủ tàu là anh Phùng Đình Nhã, thôn Bắc Sơn, một trong số ít ngư dân còn bám lại với nghề.

Anh Nhã thở dài khi nói về nghề biển. Chẳng biết bản thân anh sẽ bám trụ được bao lâu với nghề khi đây được xem là thời kỳ khó khăn nhất trong 30 năm đi biển của cuộc đời anh. Nguồn lợi hải sản giảm, khó tìm bạn tàu, giá nhiên liệu cao, chi phí mỗi chuyến đi lớn, trong khi phương tiện với công suất hơn 300 CV của anh đã lạc hậu, không còn phù hợp, cần nâng công suất... nhưng “lực bất tòng tâm”.

Anh Nhã nhớ, khoảng năm 2012, sau nhiều năm từ một người làm thuê trên các tàu đánh bắt cá, anh đã dành dụm tự sắm cho mình một con tàu công suất nhỏ 100 CV. Thời điểm bấy giờ, mỗi chuyến vươn khơi đem về cho chủ tàu nguồn thu nhập “khủng” lên tới hàng chục triệu đồng.

Cũng nhờ ăn nên làm ra, chỉ sau 2 năm, anh Nhã đã có tiền đầu tư nâng công suất con tàu nhỏ của mình lên 360 CV. Tàu luôn duy trì từ 8 - 10 lao động, gần như chuyến nào đi cũng lời lãi. Các ngành nghề phụ từ hậu cần nghề cá tại thôn Bắc Sơn cũng nhộn nhịp, tấp nập. Còn thực tại, vẫn tàu, vẫn công suất đó, nhưng để duy trì được 4 - 5 lao động là cả một bài toán. Chi phí vươn khơi ngày càng cao, giá thuê nhân công lớn, trong khi lời lãi mỗi chuyến đi chẳng được là bao, thời gian nằm bờ nhiều hơn.

Chưa hết, anh Nhã chỉ tay vào dòng sông Cung trước mặt nói, đây là “rào cản”, là nguyên nhân khiến nhiều chủ tàu điêu đứng. Cả thập kỷ rồi, cửa sông vốn rộng lớn bao la, giờ thu mình như một con kênh nhỏ hẹp. Rồi sự bồi lắng mà không được nạo vét khiến tàu thuyền không thể ra vào neo đậu một cách thuận lợi. Nếu chủ tàu nào không sành con nước, không nắm bắt thủy triều xuống để ra vào thì mắc cạn là chuyện cơm bữa.

Với ông Nguyễn Văn Cánh (72 tuổi, thôn Bắc Sơn), trong ký ức của ông, xã Hoằng Phụ có 3 thôn, gồm: Bắc Sơn, Hợp Tân, Tân Xuân là những thôn có số lượng tàu đi biển nhiều nhất. Thời kỳ hoàng kim, có gần 200 tàu thuyền hoạt động trên biển, nhà nào cũng có người đi biển. Nhưng từ sau năm 2015, ngư trường ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt là vài năm gần đây do ảnh hưởng giá dầu lên cao, dịch COVID-19, khiến việc đi biển gặp khó khăn, nhiều chủ tàu phải bán tàu, chuyển nghề...

Tiếng vọng khơi xa...Cần có sự đầu tư hơn nữa để những chuyến tàu tấp nập ra khơi, vào cảng. Ảnh: Lê Hợi

Ông Cánh trăn trở nói, nghề biển dẫu khó khăn nhưng vẫn là nghề truyền thống của bà con địa phương. Nếu thuận lợi để phát triển nghề, đây vẫn là nghề cho bà con thu nhập cao so với những nghề khác. Nhiều tàu thuyền vươn khơi thì các ngành nghề phụ từ hậu cần nghề cá sẽ phát triển theo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Nhưng để cho ngành nghề này hưng thịnh trở lại, ngư dân Hoằng Phụ mong muốn cấp, ngành chức năng sớm khơi thông, nạo vét con sông Cung đang bị bồi lắng để tàu thuyền thuận lợi ra vào.

Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ Nguyễn Thanh Bình cho biết: Thống kê cho thấy, cả xã chỉ còn khoảng 16 tàu trên 12 m và 68 phương tiện chủ yếu là thuyền, mủng... đánh bắt gần bờ. Thời kỳ hoàng kim nhất của nghề khai thác biển tại xã là những năm thập kỷ 90 thế kỷ XX, đến những năm 2000 sản lượng khai thác đã giảm dần, cho đến năm 2015 trở lại đây nghề khai thác biển giảm sút một cách rõ rệt. Nghề khai thác đánh bắt giảm kéo theo nhiều ngành nghề từ dịch vụ hậu cần nghề cá khác cũng bị ảnh hưởng. Chẳng đâu xa, đó chính là nghề làm mắm truyền thống. Từ cả làng làm mắm, giờ số lượng đã giảm đi nhiều do lượng cá cung ứng không đủ, việc phải nhập cá từ nơi khác đẩy chi phí cao hơn, ảnh hưởng tới thu nhập.

Nói về dự án Cảng cá Hoằng Phụ, ông Bình thở dài: Để chấn hưng nghề cá, năm 2012 Cảng cá Hoằng Phụ được tỉnh đầu tư xây dựng với nguồn vốn hơn 40 tỷ đồng. Dự án đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo điều kiện cho việc bốc dỡ, sơ chế, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá và làm nơi neo đậu, tránh bão cho tàu thuyền trên địa bàn xã Hoằng Phụ và các vùng lân cận. Tuy nhiên, sau 5 năm xây dựng, dự án này hoàn thành và được đưa vào sử dụng nhưng lại không phát huy hiệu quả như mong đợi. Vẫn là chuyện luồng lạch bị bồi lắng gây khó khăn cho tàu cá ra vào bốc dỡ hàng hóa. Không có tàu vào cảng, cảng gần như không hoạt động...

Mới đây, để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng cá, UBND huyện Hoằng Hóa đã xin chủ trương chuyển đổi, kêu gọi, thu hút nhà đầu tư quản lý, khai thác theo hình thức đấu giá cho thuê tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, qua 3 lần tổ chức đấu giá để tìm nhà đầu tư nhưng không có bất cứ đơn vị nào tham gia. Hiện, cảng cá đang được huyện bàn giao cho UBND xã Hoằng Phụ quản lý.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]