Thường Xuân nỗ lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Phát huy nội lực, bằng quyết tâm, sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, huyện Thường Xuân đã và đang đẩy mạnh, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đạt được nhiều kết quả đáng mừng.
Chị em phụ nữ dân tộc Thái xã Xuân Chinh thu hoạch quế. Ảnh: PV
Tạo sự đồng lòng, quyết tâm từ cơ sở
Luận Thành là xã có hơn 47% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, cũng là một trong những địa phương tiêu biểu của huyện Thường Xuân trong công tác phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giảm nghèo bền vững. Đây là xã có địa giới hành chính giáp ranh với nhiều xã, nhiều huyện trong tỉnh và là xã trung tâm các xã cụm phía Nam của huyện Thường Xuân, vì vậy thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa phát triển KT-XH.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, sự quan tâm của huyện Thường Xuân và bằng nội lực, sự đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, của bà con Nhân dân các dân tộc trong xã, tình hình KT-XH của xã Luận Thành đạt nhiều kết quả quan trọng. Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện và Nhân dân đóng góp các công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn và các công trình phúc lợi xã hội khác phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân. 100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa trong đó đường nhựa và bê tông hóa các trục chính đạt 70%, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%; 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia trong đó trường tiểu học và THCS Luận Thành đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; trạm y tế xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% số thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất hằng năm đạt từ 12 đến 14%/năm. Thu nhập bình quân năm 2023 đạt 56 triệu đồng/người/năm. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, chế độ, chính sách cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trung bình từ 3 đến 5%. Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Những kết quả nói trên là cơ sở quan trọng để xã tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con Nhân dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng, đưa Luận Thành hoàn thành XDNTM nâng cao vào năm 2025 và xây dựng thành công đô thị Luận Thành trước năm 2030.
Quyết tâm ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025
Huyện Thường Xuân có 15 xã và 1 thị trấn, trong đó 14 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS và miền núi; 124 thôn, bản, khu phố trong đó có 112 thôn, bản, khu phố vùng đồng bào DTTS và miền núi. Toàn huyện có 22.956 hộ với 96.957 người, gồm 3 dân tộc Thái, Kinh, Mường sinh sống, trong đó dân tộc Thái và Mường chiếm 58.577 người. Trong những năm qua, dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và sự quyết tâm nỗ lực, đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc, tình hình KT-XH trên địa bàn huyện Thường Xuân có nhiều tiến bộ, duy trì tăng trưởng khá. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh của huyện. Nhân dân các DTTS của huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tích cực XDNTM, đoàn kết các dân tộc luôn vững chắc, tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Cơ sở sản xuất của gia đình anh Vi Văn Thìn, thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương. Ảnh: TL
Các chương trình, dự án đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai sớm, cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ và phát huy hiệu quả. Các chính sách trực tiếp và gián tiếp triển khai đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đối tượng, giải quyết căn bản các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo, cùng với diện mạo nông thôn thay đổi tích cực đã tạo điều kiện cho đồng bào chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31,6 triệu đồng, tăng 8,43 triệu đồng so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 theo tiêu chí mới 15,13%. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường giao thông cứng hóa đạt 73%. Từ đầu tư hạ tầng đã tạo thuận lợi cho thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS.
Nhiều địa phương tiêu biểu trong phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, XDNTM, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng hệ thống chính trị, như: Thị trấn đã tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; xã Ngọc Phụng phát triển vườn cây ăn quả, gia trại chăn nuôi; xã Lương Sơn phát triển cây dược liệu; xã Xuân Lẹ bảo tồn và phát triển cây quế ngọc; xã Vạn Xuân XDNTM; Bát Mọt giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên cột mốc, xây dựng biên giới hữu nghị; xã Luận Thành phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; xã Tân Thành và Yên Nhân hỗ trợ xây dựng các sản phẩm tiêu chuẩn OCOP; xã Luận Khê đẩy mạnh chăn nuôi giảm nghèo bền vững...
Nhiều cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi như gia đình chị Hà Thị Tuyến, chủ kinh doanh nhà hàng Tuyến Tính, khu phố Thanh Xuân (bản Mạ), thị trấn Thường Xuân; Vị Thị Luyến, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Xuân Lẹ vừa nhiệt tình trong công tác hội vừa tích cực vận động hội viên thành lập 3 mô hình tổ hợp tác giúp nhau phát triển kinh tế (thảo dược Hoa Núi, dệt thổ cẩm và mây tre đan thủ công); anh Lương Ngọc Lai, xã Luận Thành, vừa giỏi công tác đoàn vừa làm kinh tế trang trại có hiệu quả; chị Lương Thị Hương, thôn Yên Mỹ, xã Luận Khê, là chủ hộ luôn đi đầu trong sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo bền vững...
Toàn huyện có 12 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, tăng 8 sản phẩm so với đầu giai đoạn; xây dựng 41 chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm; có hơn 65.550m2 nhà lưới sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP và 6 vùng sản xuất nông - thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích là 21,78ha; có nhiều sản phẩm như ván ép, dưa vàng, tinh dầu quế, măng khô, cá khô hồ Cửa Đạt, mật ong,... được người tiêu dùng đánh giá cao.
Toàn huyện có 1.208 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 40HTX, 178 doanh nghiệp. Ngành dịch vụ phát triển với nhiều loại hình, tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn.
Du lịch được xác định là ngành kinh tế động lực của huyện, đặc biệt các loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm, tâm linh, cộng đồng tại các điểm như: hồ Cửa Đạt, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; đền, chùa Cửa Đạt; bản Mạ, bản Vịn. Bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc được quan tâm thực hiện, huyện có 5 di tích lịch sử văn hóa và di tích cách mạng được xếp hạng cấp tỉnh. Năm 2023, lễ hội Nàng Han được công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trong giai đoạn 2024-2028, huyện Thường Xuân phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã quyết định, Quyết tâm thư đại hội đại biểu các DTTS các cấp giai đoạn 2024-2028, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, XDNTM, giảm nghèo bền vững, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng cường quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025.
Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2024-12-03 22:04:00
Sơn La: Nữ hiệu trưởng từ chức sau phản ánh về bữa ăn bán trú “nhiều bất cập”
-
2024-12-03 20:45:00
Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài 1) - Lợi ích từ mạng xã hội
-
2024-11-02 14:36:00
Tín dụng chính sách góp phần tái thiết Sa Ná
Mường Lát đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch
Trao sinh kế - “chìa khóa” giúp người dân thoát nghèo bền vững
Nâng cao chất lượng xe buýt, xe khách liên tỉnh
Phát động Tháng hành động vì Bình đẳng giới năm 2024
Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Prudential trao “món quà” chu toàn giải pháp bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình dịp cuối năm (**)
Cụm thi đua số 13 trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa
Loạn thu tiền điện tại các khu trọ dành cho sinh viên, công nhân
Đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt