(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, vấn đề liên kết vùng trong phát triển bền vững du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ được chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt quan tâm. Qua đó bước đầu đã hình thành chuỗi sản phẩm du lịch có tính liên vùng như: “Con đường di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”... tạo sức hút với khách du lịch.

Thúc đẩy mạnh mẽ kết nối du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ

Thời gian qua, vấn đề liên kết vùng trong phát triển bền vững du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ được chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt quan tâm. Qua đó bước đầu đã hình thành chuỗi sản phẩm du lịch có tính liên vùng như: “Con đường di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”... tạo sức hút với khách du lịch.

Thúc đẩy mạnh mẽ kết nối du lịch các tỉnh Bắc Trung bộHội nghị xúc tiến du lịch “Ba địa phương - Một điểm đến - Nhiều trải nghiệm” do các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh phối hợp tổ chức tại TP Thanh Hóa vào ngày 1-3.

Vùng Bắc Trung bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch đặc thù với bờ biển dài, nền văn hóa đặc sắc và vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch Việt Nam cũng như hành lang Đông - Tây với các nước trong khu vực. Thuận lợi hơn khi các tỉnh vùng Bắc Trung bộ có tới 2 sân bay quốc tế gồm: Cảng Hàng không (CHK) quốc tế Vinh (Nghệ An), CHK quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) và 2 sân bay quốc nội gồm: CHK Thọ Xuân (Thanh Hóa), CHK Đồng Hới (Quảng Bình). Với các đường bay trong nước, quốc tế đi - đến các tỉnh, thành phố trung tâm du lịch, là điều kiện thuận lợi để tiếp cận điểm đến, gia tăng trải nghiệm dành cho du khách trong hành trình du lịch của mình.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22-1-2013 đã xác định phát triển sản phẩm du lịch của vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, hình thành rõ nét các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội nhằm đạt các mục tiêu: Đa dạng hóa sản phẩm du lịch hướng tới khắc phục hạn chế về tính thời vụ; đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm du lịch; chú trọng cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch và các điều kiện phát triển sản phẩm du lịch.

Trong những năm gần đây, để thúc đẩy các hoạt động liên kết phát triển du lịch, các tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác phát triển du lịch của mỗi địa phương; đồng thời nhanh chóng đi đến các “thỏa thuận chung”. Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động phối hợp, tổ chức gian hàng quảng bá du lịch tại các sự kiện du lịch lớn; tổ chức đón đoàn famtrip, presstrip trong và ngoài nước đến khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch chung; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác du lịch giữa các địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch... Thông qua các chương trình famtrip được tổ chức hàng năm, các doanh nghiệp du lịch trong nước đánh giá cao khả năng kết nối, hợp tác du lịch của các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, đặc biệt là các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình. Trên cơ sở liên kết, bước đầu đã hình thành chuỗi sản phẩm du lịch có tính liên vùng, tập trung vào sản phẩm du lịch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” từ Thành Nhà Hồ đến Cố đô Huế.

Là một trong những “mắt xích” quan trọng của chuỗi liên kết vùng Bắc Trung bộ, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tham gia một cách tích cực vào việc kết nối, xúc tiến, quảng bá du lịch. Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động kết nối với các địa phương trong hành trình “Con đường di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”... Qua đó khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương, tạo sức hút với khách du lịch.

Ngay đầu tháng 3-2023, tại tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra hội nghị giới thiệu tiềm năng du lịch và các hoạt động du lịch năm 2023 với chủ đề “Ba địa phương - Một điểm đến - Nhiều trải nghiệm”. Qua đó giới thiệu đến các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, đơn vị xúc tiến, doanh nghiệp du lịch về tiềm năng, sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của 3 địa phương (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh); chuỗi hoạt động “Chào hè năm 2023”, đặc biệt là các tour liên kết “Ba địa phương - Một điểm đến - Nhiều trải nghiệm”. Trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã đón đoàn báo chí và doanh nghiệp du lịch khảo sát và xây dựng chương trình kết nối Thanh Hóa với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Đây là hoạt động thường niên được các địa phương duy trì tổ chức có hiệu quả trong những năm gần đây.

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, việc liên kết du lịch giữa các tỉnh Bắc Trung bộ bước đầu góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, hình thành mối liên kết du lịch mang tính liên vùng và tạo điều kiện mở rộng liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, vùng với các trung tâm du lịch, các địa phương trong nước. Mặt khác, các chương trình liên kết đã góp phần kết nối không gian du lịch vùng Bắc Trung bộ, khắc phục sự chia cắt về du lịch trong từng địa phương... Tuy nhiên, cho đến nay sản phẩm du lịch chung chưa thực sự thu hút sự quan tâm của du khách cũng như doanh nghiệp lữ hành; các chương trình hợp tác, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả...

Theo đó, để tăng cường việc liên kết, kết nối phát triển du lịch Bắc Trung bộ, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, các địa phương cần tiếp tục kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối với khu vực trọng điểm miền Trung, phía Nam và cả phía Bắc, gồm cả đường bộ, đường sắt, cảng biển, CHK ; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao... nhằm tạo ra tính đồng bộ trong phát triển sản phẩm chung, tránh sự “so sánh” chênh lệch.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]