Tăng “sức đề kháng” cho trẻ trên môi trường mạng
Trong bối cảnh internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, trẻ em đang đứng trước thách thức sử dụng mạng xã hội an toàn, hợp lý. Việc trẻ em lạm dụng quá mức thiết bị thông minh truy cập các nền tảng mạng xã hội đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy. Bởi vậy, việc đồng hành và tăng “sức đề kháng” cho trẻ em trong sử dụng internet an toàn đã và đang trở thành vấn đề bức thiết cần được quan tâm thực hiện.
Gia đình hãy hướng dẫn trẻ cách sử dụng mạng xã hội an toàn.
Đã thành thói quen, cứ đi học về là em Nguyễn Minh Khang 12 tuổi ở phường Ba Đình, TP Thanh Hóa lại cầm Ipad sử dụng các ứng dụng trên internet và mạng xã hội, xem đây là giải trí sau giờ học. Trong những tháng nghỉ hè, việc Khang sử dụng Ipad kéo dài đã được bố mẹ nhắc nhở, cảnh báo ảnh hưởng, song việc sử dụng thiết bị thông minh và mạng xã hội của em vẫn không giảm. Chị Hoàng Thu Phương, mẹ Minh Khang, cho biết: "Việc sử dụng quá nhiều thiết bị thông minh khiến con tôi không chịu làm việc khác. Khi bố mẹ nhờ việc gì thì cháu luôn trì hoãn và tỏ ra khó chịu. Trước hành động này chúng tôi đã phải cắt internet và hạn chế thời gian sử dụng thiết bị thông minh, mạng xã hội của cháu”.
Tương tự, anh Trần Văn Tuấn ở TP Thanh Hóa cho biết, con gái anh học lớp 8, cháu thi thoảng phải sử dụng điện thoại vào zalo để xem bài tập về nhà, hay quay video trả bài tiếng Anh. Tuy nhiên, lâu dần ngoài việc học, cháu đã tò mò và tham gia các nền tảng mạng xã hội. “Tôi rất lo ngại việc cháu sử dụng mạng xã hội, bởi thông qua các nhóm chat trẻ có nguy cơ tiếp xúc với những nội dung không lành mạnh và dễ bị lừa đảo, xâm hại trên không gian mạng. Song, cấm trẻ sử dụng thiết bị thông minh và mạng xã hội thì không dễ”, anh Tuấn chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều gia đình đang lúng túng trong việc quản lý và định hướng trẻ em sử dụng mạng xã hội, internet. Nhiều trẻ có thái độ khó chịu khi bố mẹ hạn chế. Nhiều trẻ thì đối phó không sử dụng khi có bố mẹ bên cạnh, nhưng lại sử dụng ở bên ngoài, thậm chí ra cửa hàng kinh doanh internet để sử dụng, khai thác những nội dung mình mong muốn.
Những lợi ích mà internet, mạng xã hội mang lại là không thể phủ nhận. Song, mạng xã hội cũng ẩn họa rất nhiều cạm bẫy nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em. Qua khảo sát, hiện nay trên môi trường internet có nhiều nội dung không phù hợp với trẻ em nhưng vẫn được tìm kiếm dễ dàng. Tình trạng mâu thuẫn, xích mích từ không gian ảo dẫn đến đời thực vẫn hay xảy ra. Các đối tượng xấu thường có hành vi dụ dỗ, chia sẻ hình ảnh, video nhạy cảm cho trẻ hoặc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của các em. Không ít trẻ em sử dụng nhiều đã có biểu hiện “nghiện” mạng xã hội.
Những nguy hiểm tiềm ẩn trên mạng xã hội đối với trẻ luôn hiện hữu, song việc đồng hành, giám sát trẻ trong khai thác và sử dụng internet của người lớn đang tồn tại một khoảng trống không nhỏ. Vậy làm sao để lấp đầy khoảng trống ấy? Làm sao để gia đình đồng hành cùng trẻ, tăng “sức đề kháng” cho trẻ khi sử dụng mạng xã hội đang là vấn đề đặt ra cho nhiều người làm cha mẹ.
Để đồng hành cùng trẻ trong khai thác và sử dụng internet, mạng xã hội, phụ huynh cần trò chuyện chia sẻ với trẻ để nắm bắt được nhu cầu sử dụng internet của trẻ. Đặt ra những quy định, thỏa thuận về nội dung, thời gian sử dụng mạng xã hội cho trẻ theo từng độ tuổi. Đặc biệt, gia đình cần cho trẻ nhận diện và hiểu được những nguy cơ tiềm ẩn có thể đến với trẻ trên không gian mạng; cách xử lý trước những tình huống xấu. Cùng với đó, mỗi người làm cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần nâng cao kỹ năng, kiến thức sử dụng internet, quy tắc sử dụng mạng xã hội, cách quản lý và kiểm soát những nội dung con đã sử dụng một cách khéo léo. Bên cạnh đó, phụ huynh cần định hướng cho trẻ tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, các hoạt động thể thao, văn hóa, khuyến khích trẻ đọc sách hay phụ giúp bố mẹ làm việc nhà để trẻ có kỹ năng sống và nhận thức toàn diện hơn.
Sử dụng internet, mạng xã hội là một xu thế tất yếu, hãy trang bị đủ hành trang cho trẻ để trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh và tự bảo vệ mình. Để làm được điều đó, cùng với sự đồng hành của cha mẹ, cần có sự chung tay của các cấp, ngành, nhà trường và xã hội trong việc đồng hành cùng trẻ trong khai thác và sử dụng mạng xã hội.
Bài và ảnh: Thùy Linh
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-07-07 18:37:00
Trao tiền hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Xương
Quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống giao thông miền núi
Thanh Hóa nhất toàn đoàn tại Hội thi tài năng văn nghệ Ngân hàng chính sách xã hội khu vực III
Đấu tranh ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc trên internet - Từ thực tiễn kinh nghiệm của tỉnh Thanh Hoá
Vượt lên sĩ diện...
Sung Văn Cấu - người có uy tín trong cộng đồng người Mông bản Xía Nọi
Công dân “nhí” háo hức đi làm thẻ căn cước
Tuổi trẻ Quảng Xương ra quân hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng chữ ký số cá nhân và sử dụng dịch vụ công
Hội thi Tài năng văn nghệ Ngân hàng chính sách xã hội năm 2024 khu vực III
Từ 1/8, chủ xe có thể bấm biển số trên VNeID khi đăng ký xe lần đầu