(Baothanhhoa.vn) - Bộ Nội vụ đề xuất bãi bỏ các quy định liên quan đến ngạch, bậc công chức trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành và thay vào đó sẽ quản lý công chức theo vị trí việc làm.

Sẽ bỏ quản lý cán bộ, công chức theo ngạch, bậc và thay thế bằng vị trí việc làm

Bộ Nội vụ đề xuất bãi bỏ các quy định liên quan đến ngạch, bậc công chức trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành và thay vào đó sẽ quản lý công chức theo vị trí việc làm.

Sẽ bỏ quản lý cán bộ, công chức theo ngạch, bậc và thay thế bằng vị trí việc làm

Cán bộ đang giải quyết thủ tục hành chính tại Hà Nội. (Ảnh minh họa: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Bộ Nội vụ đang xin ý kiến về dự thảo Tờ trình, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Trong đó, Bộ Nội vụ bỏ quy định về ngạch công chức, thay vào đó quản lý công chức theo vị trí việc làm.

Đây là bước tiến trong cải cách hành chính công vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Theo Bộ Nội vụ, tại Điều 5 Luật Cán bộ, công chức quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; việc sử dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ là chưa hoàn toàn theo vị trí việc làm.

Khái niệm vị trí việc làm trong Luật Cán bộ, công chức là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí, sử dụng công chức. Bộ Nội vụ đánh giá các quy định này dẫn đến việc triển khai xác định, mô tả vị trí việc làm còn trùng lặp với tiêu chuẩn ngạch công chức (tiêu chuẩn áp dụng chung đối với các cơ quan, tổ chức trong cùng ngành, lĩnh vực, không rõ về yêu cầu kết quả, sản 3 phẩm công việc).

Việc quản lý công chức theo ngạch, bậc đang phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tế, không đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm theo chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay.

Do đó, tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi mới nhất, Bộ Nội vụ đã bỏ hoàn toàn các quy định về ngạch công chức, thay vào đó, dự thảo đưa vào nội dung mới là bố trí công chức theo vị trí việc làm.

Các nội dung được đề nghị bỏ bao gồm: Ngạch công chức và bổ nhiệm vào ngạch công chức; chuyển ngạch công chức; nâng ngạch công chức; tổ chức thi nâng ngạch công chức; các nội dung liên quan đến ngạch công chức trong luật Cán bộ, công chức hiện hành.

Cơ quan soạn thảo cho rằng việc đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tư duy quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thay cho ngạch, bậc.

Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung một chương quy định riêng về vị trí việc làm, trong đó sửa đổi khái niệm vị trí việc làm là chức vụ, chức danh, công việc của một cán bộ, công chức gắn với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời bỏ nội dung “gắn với cơ cấu và ngạch công chức” và “để xác định biên chế” để khắc phục sự trùng lặp giữa quản lý theo vị trí việc làm và quản lý theo ngạch công chức; không làm cơ sở để các đơn vị tăng thêm biên chế.

Để quản lý công chức theo vị trí việc làm, Bộ Nội vụ bổ sung các quy định về phân loại, nội dung vị trí việc làm; căn cứ xác định vị trí việc làm; hệ thống vị trí việc làm; bố trí công chức khi thay đổi vị trí việc làm và các nội dung tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng công chức...

Nguyên tắc xác định vị trí việc làm phải phù hợp với tổ chức bộ máy, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; bảo đảm khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn; bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

Hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, phù hợp với tổ chức của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp xã.

Theo Bộ Nội vụ, thực hiện Luật Cán bộ, công chức hiện hành, 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm, tuy nhiên còn gắn với cơ cấu ngạch công chức và bảng lương hiện hành.

Trong thời gian chưa thiết kế bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc thực hiện từng bước chuyển đổi sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm vẫn áp dụng các ngạch lương hiện hành, nên không tạo ra sự xáo trộn lớn.

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thiện lại Đề án vị trí việc làm cho phù hợp để chuyển dần sang cơ chế quản lý mới theo lộ trình.

TTXVN


TTXVN

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]