Phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trong khai thác và nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến thủy sản trong tỉnh đang tích cực liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sau khai thác với ngư dân và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Khu chế biến nước mắm của Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham (Quảng Xương).
Hiện nay, toàn tỉnh có 22 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh thủy sản với tổng công suất khoảng 170.000 tấn nguyên liệu/năm. Trong đó, có 18 doanh nghiệp chế biến nước mắm và dạng mắm; 2 doanh nghiệp chế biến bột cá; 3 doanh nghiệp chế biến chả cá surimi; 1 doanh nghiệp chế biến ngao hấp, ngao đông lạnh. Sản lượng sản phẩm chế biến, tiêu thụ hàng năm của các doanh nghiệp cung ứng ra thị trường khoảng 13,354 triệu lít nước mắm; 22.200 tấn bột cá; 65.000 tấn chả cá surimi; 10.500 tấn ngao hấp, ngao đông lạnh; 22.440 tấn thủy sản đông lạnh. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa với các sản phẩm nước mắm, mắm, thủy sản khô, thủy sản đông lạnh... và xuất khẩu các sản phẩm ngao đông lạnh, ngao hấp, bột cá, chả cá surimi...
Một số doanh nghiệp, như: Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia, Công ty TNHH nước mắm Ba Làng, Công ty CP Mắm Bạch Câu, Công ty CP Nước mắm Tĩnh Gia... đã có sản phẩm bày bán tại các siêu thị, đại lý phân phối ở 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng thị trường Hà Nội, các doanh nghiệp trong tỉnh cung ứng mỗi năm khoảng 50.000 lít nước mắm, 80 - 100 tấn mắm tôm, mắm tép, 100 - 120 tấn thủy sản các loại... thông qua các kênh phân phối lớn, như: Hệ thống các siêu thị WinMart, Big C, Co.opMart... Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản còn tích cực phát triển các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên các sàn thương mại điện tử, như: Tiki, Lazada, Postmart.vn, Voso.vn... Các sản phẩm thủy sản đưa lên sàn thương mại điện tử đều được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và một số sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 5 sao. Việc xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Bà Lê Thị Toan, Giám đốc Công ty CP Nước mắm Tĩnh Gia (thị xã Nghi Sơn), cho biết: Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 600.000 lít nước mắm các loại. Sản phẩm mắm của công ty không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn cung cấp thông qua các đại lý các tỉnh phía Bắc và TP Hải Phòng, TP Hà Nội... Mỗi năm công ty thu mua hơn 5.000 tấn moi, cá tạp làm nguyên liệu phục vụ chế biến. Để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty đã liên kết với nhiều chủ tàu ở phường Hải Châu cung cấp. Các chủ tàu phải ghi đầy đủ nhật ký khai thác hải sản và thông tin mỗi lần thu mua, giao nhận nguyên liệu. Thông qua liên kết tiêu thụ sản phẩm, công ty đã giảm được các khâu trung gian, chủ động nguyên liệu trong chế biến, đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Mặc dù vậy, thực tiễn hoạt động liên kết giữa các chủ thể còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Hàng năm, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 216.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác 140.000 tấn, sản lượng nuôi trồng 76.000 tấn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh mới hình thành được 26 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm sau khai thác làm nguyên liệu chế biến giữa doanh nghiệp và ngư dân với hơn 200 tàu cá tham gia. Chưa phát triển được nhiều sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm đặc trưng đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ của các doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô nhỏ, giá trị gia tăng thấp và thiếu sức cạnh tranh. Công tác xúc tiến thương mại, dự báo thông tin thị trường giá cả và định hướng thị trường chưa thực sự kịp thời dẫn đến có thời điểm ngư dân khai thác về phải phụ thuộc vào thương lái tiêu thụ.
Để phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở các địa phương trong tỉnh, các ngành có liên quan của tỉnh đang tích cực tham mưu cho tỉnh rà soát, ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở chế biến đầu tư đồng bộ các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản, góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước trong việc kết nối, giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất, chế biến và bên tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo nguyên tắc các bên tham gia liên kết đều bình đẳng và cùng có lợi, góp phần xây dựng các mối liên kết bền vững, hiệu quả.
Bài và ảnh: Lê Hợi
{name} - {time}
-
2025-01-11 18:14:00
Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân
-
2025-01-11 14:31:00
Từ 20/1, chủ mã số vùng trồng không trực tiếp xuất khẩu phải khai báo
-
2024-10-12 11:07:00
Nâng cao chất lượng, hiệu quả trồng rừng gỗ lớn
Bá Thước nỗ lực thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025
Nhân rộng chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm vùng miền
Bản tin Tài chính ngày 12/10: Vàng tiếp đà tăng mạnh; Đồng USD ổn định
Giá điện tăng thêm 4,8% từ ngày 11/10
Lực đẩy để Việt Nam trở thành cường quốc biển vào năm 2045
Yên Định: Tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2024
Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP
Hoạt động hiệu quả, Lasuco đang mở ra chu kỳ phát triển mới nhanh và bền vững
Tổ chức TCVM Thanh Hóa nỗ lực vì sự phát triển của cộng đồng