(Baothanhhoa.vn) - Chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu và là "cây cầu” kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn lưu giữ di sản. Đặc biệt, với một di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt như Khu di tích đền Bà Triệu, việc ứng dụng công nghệ số là một giải pháp cần thiết, nhằm đưa di tích trở thành sản phẩm của du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách bền vững.

Phát triển du lịch tại quần thể di tích đền Bà Triệu (Bài 2): Ứng dụng công nghệ số thúc đẩy du lịch tại khu di tích đền Bà Triệu

Chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu và là "cây cầu” kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn lưu giữ di sản. Đặc biệt, với một di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt như Khu di tích đền Bà Triệu, việc ứng dụng công nghệ số là một giải pháp cần thiết, nhằm đưa di tích trở thành sản phẩm của du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách bền vững.

Phát triển du lịch tại quần thể di tích đền Bà Triệu (Bài 2): Ứng dụng công nghệ số thúc đẩy du lịch tại khu di tích đền Bà TriệuCùng với đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, việc ứng dụng công nghệ tại Khu di tích đền Bà Triệu đang thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan. Ảnh: Thùy Linh

Việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích đòi hỏi sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên. Đặc biệt, cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại. Và việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm giá trị di tích, văn hóa truyền thống.

Ngày nay, thành tựu khoa học - công nghệ đã trở thành công cụ hữu hiệu để truyền thông, quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch. Trước đây, chúng ta thường thấy các di sản được giới thiệu qua các kênh truyền hình, báo chí hoặc các loại hình tuyên truyền trực quan như tờ rơi, tờ gấp, bản đồ... Còn bây giờ, công nghệ 4.0 phát triển, internet kết nối vạn vật, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet du khách có thể tìm kiếm thông tin, hình ảnh và những dữ liệu liên quan đến di tích, lễ hội đang quan tâm.

Để Khu di tích đền Bà Triệu trở thành trọng điểm du lịch của Thanh Hóa và bắt kịp xu thế hiện đại, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án đổi mới công tác quản lý, khai thác, phát triển du lịch tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu, huyện Hậu Lộc giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là đề án). Đề án đã xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy mạnh quảng bá về điểm đến Khu di tích đền Bà Triệu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Thực hiện nội dung của đề án và bắt kịp xu thế chuyển đổi số di sản, Ban Quản lý Khu di tích đền Bà Triệu và địa phương đã phối hợp với ngành viễn thông lắp đặt cột sóng phát wifi, 4G tại đền Bà Triệu và làng Phú Điền, núi Tùng, núi Gai. Đồng thời, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, Ban Quản lý Di tích đền Bà Triệu thực hiện chuẩn hóa nội dung giới thiệu về khu di tích và các điểm đến để đưa thông tin về di tích một cách chính xác, đến gần với du khách hơn. Xây dựng fanpage “Khu Di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu” và “Đền Bà Triệu - Di tích quốc gia đặc biệt”. Truy cập vào địa chỉ fanpage du khách có thể tìm hiểu sơ bộ về Khu di tích đền Bà Triệu qua một số hình ảnh, bản thuyết minh ghi âm, video giới thiệu về khu di tích và các sự kiện, hoạt động liên quan đến di tích. Cùng với đó, Ban Quản lý Di tích đền Bà Triệu đã tăng cường việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thông tin của khu di tích lên các nền tảng mạng xã hội như youtube, facebook, cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc và trang thông tin điện tử xã Triệu Lộc. Với bước đầu đổi mới, ứng dụng công nghệ số, Khu di tích đền Bà Triệu đã thu hút đông đảo khách tham quan. Từ đầu năm đến nay đã thu hút hơn 12.000 lượt khách tham quan.

Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, Ban Quản lý Di tích đền Bà Triệu sẽ phát triển ứng dụng thuyết minh tự động bằng tiếng Việt và tiếng Anh qua thiết bị di động thông minh ở tất cả các điểm đến du lịch; lắp đặt hệ thống bảng, biển chỉ dẫn, bảng thuyết minh tại khu di tích. Với ứng dụng này, du khách chỉ cần bấm vào các mục hiển thị có thể tìm hiểu thêm các tài liệu hoặc tranh, ảnh, video, bài thuyết minh, sự kiện liên quan tới điểm đến hay hiện vật. Ứng dụng bảo đảm việc tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng quảng bá hình ảnh di tích đến với du khách. Đồng thời, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, Ban Quản lý Di tích đền Bà Triệu cũng sẽ triển khai ứng dụng nền tảng du lịch thông minh tại quần thể di tích. Ứng dụng sẽ hỗ trợ tối đa cho người dùng trong việc thu thập thông tin, tìm địa điểm du lịch, điểm cung cấp dịch vụ thông qua tour du lịch thực tế ảo VR và thực tế tăng cường AR. Qua đó, góp phần tăng thêm sức hấp dẫn cho Khu di tích đền Bà Triệu và ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.

Cùng với đó sẽ xây dựng phim, phóng sự về khu di tích theo các chủ đề: Lịch sử chống giặc ngoại xâm của Bà Triệu; quá trình hình thành và phát triển của Khu di tích Bà Triệu; toàn cảnh khu di tích; các lễ hội độc đáo; văn hóa làng quê Việt Nam qua khung cảnh làng Phú Điền. Cập nhật thông tin thường xuyên trên website, fanpage của khu di tích; đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội để du khách có thể tìm kiếm đầy đủ thông tin về điểm đến. Thành lập đường dây nóng hỗ trợ và phản ánh chất lượng du lịch. Xây dựng ứng dụng giám sát, đảm bảo an toàn, hỗ trợ khách du lịch trong những trường hợp cần trợ giúp, trường hợp khẩn cấp. Song song với đó là tập trung đầu tư phát triển nguồn lực con người. Bên cạnh đội ngũ có trình độ chuyên môn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, sẽ đào tạo một đội ngũ nhân lực công nghệ có khả năng nắm bắt, thực hành các thành tựu, xu hướng mới của công nghệ.

Trao đổi về việc ứng dụng công nghệ số tại Khu di tích đền Bà Triệu, ông Trương Hoài Nam, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, phụ trách Di tích đền Bà Triệu, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ số tại Khu di tích đền Bà Triệu sẽ được thực hiện theo lộ trình. Dự kiến, trong năm 2023 Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, Ban Quản lý Di tích đền Bà Triệu sẽ phối hợp với các đơn vị hoàn thiện hệ thống thuyết minh tự động bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh; thiết kế bộ công cụ nhận diện thương hiệu du lịch cho khu di tích; xây dựng các phương án thuyết minh; tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu di tích.

Có thể thấy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, khai thác giá trị Khu di tích đền Bà Triệu sẽ là “luồng gió mới” giúp giảm tối đa các phương tiện lưu trữ cồng kềnh truyền thống. Đồng thời, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đền Bà Triệu, từ đó góp phần phát triển du lịch tại khu di tích lên một tầm cao mới.

Thùy Linh

Bài cuối: Mảnh đất Triệu Lộc - chứng nhân của một thời oanh liệt.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]