Phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, quy mô lớn, áp dụng khoa học - kỹ thuật
Để phát huy tiềm năng đất đai và nhu cầu của thị trường, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang mở rộng diện tích cây ăn quả thay thế cho cây trồng truyền thống. Với gần 23.000ha trồng cây ăn quả, người dân chú trọng phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, quy mô lớn, nhất là áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Người dân xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) thực hiện bao trái cây.
Những năm gần đây, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng, chất lượng. Nhất là nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn như các huyện: Như Xuân, Thọ Xuân, Thạch Thành... Từ đó, góp phần tạo ra những sản phẩm được thị trường ưa chuộng như bưởi Luận Văn, cam Thành Nguyên, ổi Như Xuân... Nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được nghiên cứu, áp dụng thành công trong sản xuất cây ăn quả như: bình tuyển các giống cây ăn quả đầu dòng; phương pháp nhân giống có ưu thế bằng chiết sang ghép, trồng xen, trồng mới; kỹ thuật ghép lai tạo, cưa đốn làm trẻ gốc ghép để có năng suất cao; đốn tỉa tạo hình, tạo tán cho cây thoáng; kỹ thuật kích thích ra hoa đúng vụ; bọc quả; đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, tưới tự động, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Tại huyện Thọ Xuân, trước đây diện tích trồng nhãn đa số là cây đã nhiều năm tuổi, dễ nhiễm bệnh, người dân chưa áp dụng khoa học - kỹ thuật nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, diện tích dần thu hẹp... Trước thực trạng trên, Hội Làm vườn và Trang trại huyện đã triển khai thực hiện mô hình cải tạo thay thế các giống nhãn cũ bằng giống nhãn Miền Thiết, có nguồn gốc từ tỉnh Hưng Yên có đặc điểm nổi trội là quả to tròn, vỏ màu vàng sáng, vị ngọt đậm, thời gian chín muộn hơn giống nhãn cũ, tránh được nhãn đại trà nên giá bán cao hơn. Theo đó, các xã trên địa bàn huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Giống cây trồng Minh Đức khảo sát, lựa chọn các hộ gia đình có nhu cầu ghép cải tạo vườn nhãn để tổ chức tập huấn kỹ thuật ghép và chăm sóc cây sau ghép, kỹ thuật cắt cành, tạo tán, chăm sóc cây sau ghép đến khi cây có quả. Kết quả, đã ghép được 307 cây nhãn, số lượng mắt ghép bình quân 1 cây từ 50 mắt trở lên, tỷ lệ sống đạt 90 - 95%, số cành chăm sóc ra quả trung bình 48 cành/cây. Qua theo dõi mô hình cho thấy cây nhãn được cải tạo cắt ghép sinh trưởng tốt, giúp hạ thấp chiều cao cây, thuận lợi cho công tác thu hoạch và chăm sóc, tạo tán đẹp, kéo dài tuổi thọ, chất lượng quả tốt hơn; năng suất từ năm thứ 3 trở đi cao gấp 3 lần năng suất giống cây nhãn cũ.
Không chỉ được nhân rộng ở huyện Thọ Xuân, kỹ thuật này đã được các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Như Thanh... nhân rộng trên cây nhãn và bưởi. Qua khảo sát từ các vườn cây ghép cành cho thấy, do được ghép bằng giống phù hợp với điều kiện khí hậu, có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh cao, nên hầu hết các cành ghép đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt; năng suất, sản lượng cao hơn so với cây trồng cũ từ 40 đến 50%.
Đối với người trồng cây ăn quả, kỹ thuật bao trái không còn xa lạ, bởi phương pháp này giúp quả không bị côn trùng cắn, chích hoặc bị sém nắng, giảm quả rụng do bị sâu bệnh, hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, ảnh hưởng tới quả... Ông Nguyễn Bá Giang ở xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng ổi, cho biết: “Khi quả lớn cỡ ngón tay cái thì sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học phun xịt, chờ 3 đến 4 ngày sau thì tiến hành bao trái bằng túi nilon, lưới xốp, túi giấy... luồn túi vào từng quả rồi dùng dây buộc miệng túi lại. Người dân cần chú ý đục một vài lỗ dưới đáy túi để không bị đọng nước gây thối quả”. Bằng phương pháp này, theo ông Giang thì sản lượng tăng khoảng 20 - 25% so với không bao trái do quả ít bị rụng; đồng thời, chất lượng, mã quả đẹp, giá bán cũng cao hơn. Nhất là, nếu sử dụng túi nilon kết hợp túi lưới xốp thì có thể tái sử dụng nhiều lần, giảm chi phí đầu tư sản xuất”.
Với mục tiêu xây dựng các vùng trồng cây ăn quả bền vững, hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới, các địa phương chú trọng hình thành vùng trồng cây ăn quả chủ lực tập trung; chú trọng đầu tư theo quy trình sạch, GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ, đăng ký mã số vùng trồng... Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây ăn quả... cho người dân. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây ăn quả mới, có năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch; sản xuất cây giống chất lượng cao, sạch bệnh cung cấp cho trồng thay thế và ghép cải tạo cây ăn quả...
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2025-01-11 07:50:00
“Cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân” là không chính xác
-
2025-01-11 07:00:00
Bản tin Tài chính 11/1: Giá vàng tăng không ngừng trong phiên chốt cuối tuần
-
2024-09-21 18:20:00
Điện lực Quan Sơn tăng cường bảo vệ an toàn hành lang lưới điện
Phát triển rừng luồng theo hướng thâm canh bền vững
Ngọc Lặc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Bản tin Tài chính (21/9): Vàng đồng loạt tăng vọt lên đỉnh mới
Tramexco là nhà phân phối chính thức máy văn phòng Canon tại Thanh Hóa
Đưa cơ sở sản xuất khỏi khu dân cư - lộ trình cho phát triển bền vững
Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2024 đạt 3,75%
Các ngân hàng khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Giữ “sức khỏe” cho đất
Vinamilk và FPT hợp tác chiến lược nâng tầm quản trị tài chính toàn diện bằng giải pháp công nghệ