(Baothanhhoa.vn) - Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường THPT chuyên Lam Sơn luôn được biết đến là “địa chỉ đỏ” đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước. Phát huy truyền thống, từng bước tháo gỡ khó khăn, thử thách, thầy/cô và trò của nhà trường không ngừng nỗ lực, cố gắng, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, tiếp tục chinh phục những đỉnh cao. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn: Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, giữ vững thương hiệu “cánh chim đầu đàn” của giáo dục tỉnh Thanh Hóa

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường THPT chuyên Lam Sơn luôn được biết đến là “địa chỉ đỏ” đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước. Phát huy truyền thống, từng bước tháo gỡ khó khăn, thử thách, thầy/cô và trò của nhà trường không ngừng nỗ lực, cố gắng, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, tiếp tục chinh phục những đỉnh cao. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn: Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, giữ vững thương hiệu “cánh chim đầu đàn” của giáo dục tỉnh Thanh HóaĐồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao thưởng cho thầy và trò Trường THPT chuyên Lam Sơn đạt thành tích tại các kỳ thi Olympic Vật lý, Olympic Hóa học quốc tế, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại lễ khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh: P.V

Phóng viên (PV): Cách tốt nhất để tạo sự hứng khởi cho chặng đường mới chính là cùng nhìn lại những thành tích đã đạt được ở chặng đường đã qua. Năm học 2023–2024, nhà trường đã gặt hái được những kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Năm học 2023-2024, Trường THPT chuyên Lam Sơn đã tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ giáo dục toàn quốc với những dấu ấn đậm nét. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, nhà trường đã có 83/89 học sinh đạt giải gồm: 9 giải nhất, 22 giải nhì, 23 giải ba và 29 giải khuyến khích, xuất sắc vươn lên trở thành đơn vị có tỷ lệ học sinh đạt giải cao nhất.

Tại kỳ thi Olympic khu vực châu Á và Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev, nhà trường có 5 học sinh tham dự, trong đó 3 học sinh đoạt Huy chương Đồng, 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc. Đặc biệt, trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 54 tổ chức tại Iran, em Hà Duyên Phúc học sinh lớp 12 chuyên Lý của nhà trường đã xuất sắc giành Huy chương Bạc, góp phần làm nên thành tích xuất sắc của đoàn Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Những thành tích đáng tự hào của thầy trò nhà trường đã góp phần tạo nên những bứt phá thành công cho giáo dục Thanh Hóa trong năm học 2023-2024.

PV: Những con số, thành tích rất đáng tự hào, đặc biệt là số lượng các em đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế. Nhưng áp lực phía sau những tấm huy chương lấp lánh ấy cũng không hề nhỏ đối với cả thầy/cô và học sinh. Trước mỗi kỳ thi, thầy/cô và học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn đã có quá trình chuẩn bị như thế nào để có thể “bước lên đài vinh quang”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Áp lực, căng thẳng nhất đối với thầy trò nhà trường đó chính là cuộc thi chọn học sinh vào đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic quốc tế. Đây thực sự là một cuộc cạnh tranh rất quyết liệt giữa những học sinh xuất sắc trên toàn quốc vì số lượng học sinh được chọn vào đội tuyển là rất ít. Như đội tuyển dự thi Olympic Vật lý châu Á chỉ có 8 em, sau khi kết thúc kỳ thi sẽ tiếp tục tuyển chọn, chỉ lựa chọn 5/8 em đó dự thi Olympic quốc tế.

Vì thế, có được học sinh vào đội tuyển và đoạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế là cả một quá trình chuẩn bị dài hơi, kỹ lưỡng, công phu ở tất cả các khâu: Phát hiện nhân tố, đào tạo bồi dưỡng, thi đấu cọ sát. Phía sau một tấm huy chương quốc tế là sự nỗ lực không ngừng để nâng cao kiến thức, mài sắc tư duy và tôi luyện bản lĩnh của học sinh, là sự dẫn dắt, đồng hành không mệt mỏi của người thầy/cô; sự quan tâm sát sao, động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành, ban giám hiệu nhà trường, thầy cô, gia đình và bạn bè của các em.

PV: Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, Trường THPT chuyên Lam Sơn luôn khẳng định được uy tín, chất lượng, thương hiệu, xứng đáng là “cánh chim đầu đàn” của giáo dục xứ Thanh. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn trong công tác phát triển giáo dục mũi nhọn của nhà trường trong giai đoạn hiện nay?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Công tác phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn trong giai đoạn hiện nay của Trường THPT chuyên Lam Sơn đang có rất nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức.

Về thuận lợi, trước hết là sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa. Rất nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên, học sinh trường chuyên đã được ban hành.

Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã ba lần ban hành quyết nghị về cơ chế, chính sách đặc thù cho trường chuyên. Hiện nay, nhà trường đang thực hiện theo Nghị quyết 186/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 về những chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý Trường THPT chuyên Lam Sơn và các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, truyền thống dạy tốt, học tốt của ngôi trường có bề dày lịch sử hơn 90 năm, tinh thần hiếu học của học trò Thanh Hóa, sức trẻ và sự năng động, sáng tạo của thầy cô trong nhà trường chính là sức mạnh nội lực để Trường THPT chuyên Lam Sơn tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay, công tác nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang đặt ra nhiều khó khăn cho nhà trường trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục cũng như việc bố trí, phân công, sử dụng nguồn nhân lực, vật lực hiện có.

Thứ hai, cơ sở vật chất hiện tại của nhà trường (được tiếp nhận lại từ Trường Đại học Hồng Đức) có nhiều hạng mục đã cũ, xuống cấp, quy hoạch và thiết kế có nhiều điểm không phù hợp với trường THPT, đặc biệt là trường THPT chuyên biệt.

Thứ ba, công tác tuyển sinh của các trường đại học hiện nay đang có rất nhiều phương thức lựa chọn cũng đã khiến học sinh phân tâm, không mạnh dạn tập trung đầu tư phát huy năng lực ở môn học sở trường của mình.

PV: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nêu rõ quan điểm: "Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn...”. Trường THPT chuyên Lam Sơn đã có những việc làm thiết thực, linh hoạt, sáng tạo như thế nào để đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Để đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nhất là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, nhà trường đã linh hoạt, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Tiêu biểu là tích cực đổi mới các phương pháp dạy học, chủ động sáng tạo áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến để giúp học sinh phát triển toàn diện, bắt kịp xu hướng giáo dục hiện đại, nhanh chóng hội nhập và phát triển.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tổ chức đa dạng hóa các hoạt động giáo dục. Ngoài những giờ học chính khóa, học sinh của nhà trường còn được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Các em được học, được chơi, được bộc lộ và khẳng định mình ở các câu lạc bộ, các sân chơi văn nghệ thể thao, các hoạt động thiện nguyện, được giao lưu kết nối với bạn bè ở các trường trong nước và quốc tế. Qua đó, các em không chỉ được phát huy tốt nhất năng lực ở môn chuyên mà còn được kích hoạt tối đa sở trường bản thân, tự tin kết nối tri thức với cuộc sống, có những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng.

PV: Bước sang năm học 2024–2025, nhiệm vụ trọng tâm mà nhà trường hướng tới là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Thực hiện chủ đề năm học của toàn ngành giáo dục: “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, trong năm học 2024-2025, thầy/cô và trò Trường THPT chuyên Lam Sơn tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất là tiếp tục tập trung đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, linh hoạt và sáng tạo trong việc đa dạng hóa các hoạt động giáo dục nhằm giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của chương trình nâng cao chất lượng giáo dục Thanh Hóa.

Thứ hai là tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên theo hướng tiếp cận với triết lý giáo dục đối với các nước đang phát triển ở thế kỷ 21 do UNESCO đề xướng. Trước hết là làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ hiện có. Từng bước tham mưu đề xuất phương án tuyển dụng, điều động luân chuyển những giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, tâm huyết và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi về công tác tại trường chuyên. Việc thực hiện các giải pháp để xây dựng một đội ngũ mạnh, có tính kế cận, sẵn sàng thay đổi để thích ứng với những yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh, tình hình mới luôn là giải pháp then chốt để hoàn thành sứ mệnh của trường chuyên.

Thứ ba là khai thác sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, đồng thời tăng cường công tác tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa về việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục của trường chuyên, đưa Trường THPT chuyên Lam Sơn trở thành trường học thông minh, hiện đại sánh ngang cùng với các trường chuyên lớn trên toàn quốc.

Thứ tư là tập trung tham mưu đề xuất mở rộng phát triển quy mô nhà trường, trước mắt là xây dựng và đề xuất với UBND tỉnh phê duyệt đề án mở thêm các lớp chuyên mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa của tỉnh, nhu cầu của phụ huynh, học sinh và góp phần hoàn thành chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2025-2030.

Thứ năm là tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế. Phát huy sức mạnh cộng đồng cựu học sinh đang học tập và công tác ở nước ngoài, nhà trường sẽ tích cực kết nối nhằm huy động các nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại. Cùng với đó là chủ động hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài về xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên và trao đổi học sinh, hướng tới xây dựng Trường THPT chuyên Lam Sơn trở thành trung tâm chất lượng cao không chỉ trong nước mà còn vươn tầm khu vực và quốc tế.

Nguyên Linh (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]