Núi Chiếu Bạch vua Lê ngoạn cảnh đề thơ
Đứng trên núi Chiếu Bạch, xứ sở Hoa Lâm xưa nhìn về phía Nam là dòng sông Lèn uốn lượn - một nhánh của hạ lưu sông Mã bắt nguồn từ ngã Ba Bông xã Hà Sơn, nơi “con gà gáy cả 5 huyện đều nghe”, sông Lèn cũng là ranh giới giữa huyện Hà Trung và huyện Hậu Lộc.
Bia đá đề thơ của vua Lê Hiến tông (1497-1504) trên núi Chiếu Bạch. Ảnh: Lê Như Cương
Trên Quốc lộ 1A và đường sắt “thiên lý mã” Bắc - Nam, đi từ thị xã Bỉm Sơn vào phía Nam, đến phía Bắc đầu cầu Đò Lèn (thuộc địa phận huyện Hà Trung), rẽ tay trái cách chừng 1,5km theo dọc đê sông Lèn sẽ đến Cụm di tích thắng cảnh Bình Lâm, xã Yến Sơn (Hà Trung), di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 1995. Các điểm di tích đều nằm trong không gian dãy núi đá thấp, sườn núi thoai thoải, du khách có thể lên xuống dễ dàng...
Hơn 500 năm trước, dòng sông Lèn chảy sát chân núi Chiếu Bạch tạo nên cảnh non xanh nước biếc đầy thi vị mà các vị vua triều đại nhà Hậu Lê đã cảm tác vịnh thơ ca ngợi. Theo thời gian, ven bờ phù sa bồi lắng, các dòng họ đến tụ cư dần dà đông đúc lập thành làng Bình Lâm sầm uất, trù phú. Nơi đây cũng là thủ phủ huyện lỵ Hà Trung thời Nguyễn. Ngày nay, cảnh quan, diện mạo làng Bình Lâm đã có nhiều đổi thay với hạ tầng điện, đường... được thiết kế đồng bộ, dân làng đoàn kết một lòng xây dựng quê hương sớm trở thành đô thị văn minh.
Trải qua hơn 5 thế kỷ, vật đổi sao dời..., bên cạnh sự phát triển của đất nước, di sản có phần bị bào mòn, khỏa lấp, nhưng những địa danh Yến Sơn, Hinh Sơn, Chiếu Bạch Sơn vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Còn đó hai mỏm đá nhô ra như hai mũi thuyền giống hai con chim én người xưa thường ví “lưỡng yến giao phi” (đôi chim én cùng lao về phương Nam) cho nên mới có tên là Yến Sơn, như là niềm tự hào hướng tới tương lai tươi sáng của xứ sở Hoa Lâm.
Điều đặc biệt, núi Chiếu Bạch còn hằn sâu vào vách đá dấu tích của hai vị vua nhà Lê. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: “Núi Chiếu Bạch còn gọi là núi Yến Sơn đằng trước trông ra sông Chiếu Bạch non nước thanh u, trên núi có đền thờ Lê Phụng Hiểu, một vị quan đại thần nhà Lý, những bài thơ vịnh nét chữ như “rồng bay phượng múa”, ý thơ bay bổng, lai láng hằn sâu trên vách đá của văn nhân đời trước còn để lại dấu tích vẹn nguyên thuở ban đầu.
Đó là bài thơ của vua Lê Hiến tông (1497-1504) viết bằng chữ nho khắc chìm vào phiến đá xanh nguyên khối có chiều cao 1,6m, rộng 1,25m, dài 0,58m, tạo thành mặt bia dài 1,25m, rộng 0,87m. Riềm bia trang trí hoa văn cúc dây cách điệu cầu kỳ. Nội dung văn bia được cố tác giả Bùi Xuân Vỹ, chuyên viên Hán - Nôm, Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Thanh Hóa (nay là Thư viện tỉnh) phiên âm, dịch nghĩa với nội dung: Niên hiệu Đại Việt Cảnh Thống thứ tư, năm Tân Dậu (ngày 9/2/1501), đúng tiết thanh minh 3/3 sau khi vua Lê Hiến tông về thăm đất Tổ bái yết lăng tẩm tiên đế tại xã Xuân Lam, nay là thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân), nhà vua đi qua và dừng chân ngoạn cảnh núi sông Chiếu Bạch. Trước cảnh đẹp tao nhã “sơn kỳ thủy tú”, nhà vua đã cảm tác bài thơ “Ngự chế đề Chiếu Bạch sơn”, rồi bèn sai Quan Trung thư giám chính tự bầy tôi Ngô Ninh vâng viết chữ.
Tạm dịch:
Vua đi muôn dặm về quê hương
Sóng đẹp thuyền rồng biếc sóng vươn
Gió lặng, mây nhàn, hoa muốn nói
Triều êm, trời lặng, én mây vờn
Tùng xanh vi vút reo vui núi
Nước chảy, đàn ngân, câu - lưới buông
Đạo báo, núi thiêng, thuần tháp báu
Đẹp như mưa thắm khắp nguồn ơn.
Đúng 13 năm sau, ngày 9 tháng 2 năm Hồng Thuận thứ 6 (1514), vào dịp mùa xuân vua Lê Tương Dực (1495-1516) cũng từ kinh đô Thăng Long nhân chuyến kinh lý về quê hương đất Tổ bái yết sơn lăng, thấy cảnh non xanh nước biếc tựa “bồng lai tiên cảnh” đã dừng chân ngoạn cảnh Chiếu Bạch và cảm tác vịnh thơ. Rồi vua sai quan đại phu gia hành, điện cung thiên, bí thư giám thư xá nhân trưởng giám chi thần Hoàng Hoàn vâng viết chữ. Bài thơ bằng chữ Hán khắc chìm vào phiến đá, cách tấm bia thứ nhất 13m. Chiều cao tấm bia 1,25m, rộng 1m, dày 0,17m. Riềm bia trang trí đường nét hoa văn cách điệu tinh xảo hình “Lưỡng long chầu nhật” (đôi rồng chầu mặt trời). Bài thơ “Ngự chế đề Chiếu Bạch cùng lời tựa” cũng do cố tác giả Bùi Xuân Vỹ, phiên âm, dịch nghĩa.
Tạm dịch:
Ngọn triều cuồn cuộn sát ngang trời
Đá cũ nguy nga soi nước trôi
Cây cổ như xưa trùm mát núi
Hoa tươi bừng nở đượm hương người
Ung dung dạo bước thơ thanh nhã
Sảng khoái ngân nga đạo tuyệt vời
Hang động chứa đầy xuân sắc đẹp
Oai hùng phong cảnh mãi muôn đời
Ánh xuân di chuyển lộng xanh trời
Đá vắng cao vờn nước cuộn trôi
Đất nước quỳnh soi vời ngóng trước
Ngọc hồ yểu điệu giọng ngâm người
Núi như gấm vóc thơ vui mãi
Đạo cách trần ai, lẽ đạo vời
Thong thả việc chung bao hứng thú
Suối thơm, tai rửa chẳng hay đời.
Đã gần 5 thế kỷ trôi qua, những áng thơ tuyệt mỹ có ý nghĩa sâu sắc trên nhiều phương diện như: tính lịch sử, giá trị tư tưởng, nhân văn, tình yêu thiên nhiên, văn học - nghệ thuật, thẩm mỹ,... làm lay động lòng người, lan tỏa tích cực, là gương sáng cho hậu thế. Trải “dãi dầu mưa nắng” cùng thời gian và biến cố lịch sử, nhưng tâm hồn thi nhân, dấu tích của hai vị vua nhà Lê để lại cho đời đến nay vẫn còn hằn sâu trên vách đá, một chứng tích được đánh giá là bảo vật “độc nhất, vô nhị” (không nơi nào có), Nhân dân Hà Trung, xứ Thanh trân trọng, bảo lưu, gìn giữ và phát huy giá trị...
Ngoài ra, dưới chân núi Chiếu Bạch có ngôi đền thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu, quan đại thần phò tá nhà Lý. Sự tích có ghi: “Tướng quân Lê Phụng Hiểu (người huyện Hoằng Hóa) khi cầm quân dẹp giặc dưới thời vua Lý Thái tông thường qua lại nơi đây, thích núi Chiếu Bạch cảnh đẹp hùng vĩ, mát mẻ đã dừng lại nằm nghỉ dưới chân núi này...”. Nên “xã Bình Lâm ta cũng kính ngưỡng tôn thần trung dũng, anh hùng linh thiêng, bèn dựng đền thờ ở nơi xưa tôn thần thường nghỉ mát tại phía Nam núi Chiếu Bạch...”. Từ đó, làng Bình Lâm hàng ngày thắp hương phụng thờ và ngày kỵ thần cúng tế để tưởng nhớ công đức cao vời của ngài đối với xứ sở Hoa Lâm và quê hương Thanh Hóa.
Ông Phạm Trường Giang, công chức văn hóa xã hội xã Yến Sơn, cho biết: “Tương lai gần, quần thể danh thắng Bình Lâm sẽ mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch gần xa. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân xã Yến Sơn, huyện Hà Trung nhận thức sâu sắc trách nhiệm trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa quý giá ở địa phương là thiết thực xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng, góp phần XDNTM, NTM kiểu mẫu trên quê hương Hà Trung”.
Lê Như Cương (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-12 20:43:00
Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài 1): Vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa
-
2024-12-12 10:06:00
Chủ nhân tượng vàng Oscar Quan Kế Huy vào vai sát thủ trong phim hài hành động
-
2024-03-08 23:35:00
Khai mạc Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XX chủ đề “Xuân về trên quê Thanh”
Ấn tượng Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa
[E-Magazine] – Dịu dàng màu tím tháng ba
Giữ “hồn cốt” dân tộc xứ Thanh
Xây dựng thương hiệu du lịch từ hệ giá trị địa phương
Sôi động những điểm check-in dịp đầu năm
Sẵn sàng cho Liên hoan Văn hóa các dân tộc lần thứ XX
[Podcast] - Tản văn: Miền ký ức dưới bóng cây gạo già
Sa Pa: Du khách mê mẩn check in đồi hoa cải vàng tại Fansipan
Hứa Tam Quan bán máu: Tình thân thật dung dị, nhưng cũng thật vĩ đại