Xây dựng thương hiệu du lịch từ hệ giá trị địa phương
Với tiềm năng du lịch sẵn có cùng những dấu ấn văn hóa đặc sắc, du lịch Thanh Hóa đang dần khẳng định sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Để có được kết quả đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần định vị thương hiệu du lịch ngày càng được các địa phương có khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chú trọng.
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân) vào tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành “điểm hẹn” văn hóa với Nhân dân và du khách gần xa.
Một trong những quan điểm được khẳng định trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2020, đó là: “Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”. Trong đó giải pháp trọng tâm nhằm phát triển sản phẩm du lịch là “Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam”.
Trên cơ sở đó, trong những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung đẩy mạnh xây dựng thương hiệu từ chính hệ giá trị địa phương. Với hơn 1.500 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, 10 bảo vật quốc gia và 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đặc trưng, mang nét riêng biệt, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Có những điểm đến đã trở thành thương hiệu nhận diện rất đặc trưng của các địa phương như: Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn (TP Sầm Sơn); Khu Di tích đền Bà Triệu (Hậu Lộc); Khu Di tích Lăng miếu Triệu Tường (Hà Trung)...
Cùng với các điểm đến di tích, nhiều lễ hội truyền thống ở các địa phương đến nay đã trở thành “điểm hẹn” văn hóa đối với Nhân dân và du khách gần xa. Trong đó, tháng 3 âm lịch sắp tới tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) sẽ diễn ra Lễ hội đền thờ Lê Hoàn - một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội là dịp để người dân tưởng nhớ, tri ân công ơn của Hoàng đế Lê Đại Hành và hòa mình vào không gian văn hóa mang đậm dấu ấn cổ truyền, với nhiều lễ tục độc đáo gắn với đời sống sinh hoạt dưới triều Tiền Lê được tổ chức ở phần hội. Đây chính là cơ hội để quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn cũng như những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: “Là vùng đất có trên 250 di tích, địa điểm di tích và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc được tổ chức hằng năm như: Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, Lễ hội làng Xuân Phả, Lễ hội Lê Thánh tông và các lễ hội kỳ phúc của các địa phương... Cùng với đó, Thọ Xuân còn là vùng đất với nhiều sản vật nổi tiếng đã được “định danh” như: bưởi tiến vua, bánh gai Tứ Trụ, bánh lá răng bừa Xuân Lập... Đây là cơ sở quan trọng để huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm gắn liền với nét văn hóa truyền thống và thế mạnh riêng của từng điểm đến. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình số 14-CTr/HU, ngày 25/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch huyện Thọ Xuân, giai đoạn 2021-2025; phấn đấu xây dựng Thọ Xuân trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh”.
Cùng với huyện Thọ Xuân, đến nay hầu hết các địa phương có khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, kết hợp với việc khai thác thế mạnh ẩm thực nhằm xây dựng thương hiệu du lịch từ chính sự khác biệt, độc đáo. Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) là điểm đến mới được khai thác hơn chục năm trở lại đây, song đã góp phần quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu sản phẩm du lịch cộng đồng xứ Thanh nói chung, huyện Bá Thước nói riêng.
Một trong những điều thú vị khiến du lịch sinh thái Pù Luông trở nên hấp dẫn, khác biệt đó chính là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, trong đó phải kể đến văn hóa ẩm thực và những đặc sản của chính vùng đất này. Đến nay, nhiều sản phẩm đặc sản của các địa phương trên địa bàn huyện Bá Thước như: vịt Cổ Lũng, trà quýt hoi, trà sói rừng, rượu siêu men lá, cá suối muối chua,... đã trở thành những món quà quen thuộc của du khách mỗi lần đến với Pù Luông.
Chị Hà Thanh Nhàn, Quản lý cửa hàng PuLuong Cuisine (phố 2, thị trấn Cành Nàng) - cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm đặc sản Pù Luông cho biết: “Các sản phẩm đặc sản của địa phương ngày càng được đông đảo du khách đón nhận. Chính vì vậy, cùng với chú trọng chất lượng sản phẩm chúng tôi đặc biệt quan tâm đến quy cách đóng gói, bao bì, nhãn hiệu,... phù hợp làm quà cho khách du lịch và giúp du khách dễ dàng nhận diện thương hiệu đặc sản địa phương. Chúng tôi hy vọng việc tham quan, mua sắm sản vật đặc sản địa phương sẽ giúp du khách có thêm cơ hội tìm hiểu về nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng của huyện”.
Xây dựng thương hiệu du lịch từ hệ giá trị địa phương đã, đang là hướng đi của toàn ngành du lịch, góp phần tạo nên thương hiệu du lịch quốc gia. Đối với vùng đất giàu tiềm năng phát triển đa dạng sản phẩm du lịch như xứ Thanh, việc tạo dựng thương hiệu từ chính thế mạnh, bản sắc văn hóa của mỗi điểm đến không chỉ đem lại sinh kế bền vững cho cộng đồng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh mà còn góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2024-12-12 10:06:00
Chủ nhân tượng vàng Oscar Quan Kế Huy vào vai sát thủ trong phim hài hành động
-
2024-12-12 09:58:00
“Khung mềm” xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh, an toàn, lành mạnh
-
2024-03-08 10:26:00
Sôi động những điểm check-in dịp đầu năm
Sẵn sàng cho Liên hoan Văn hóa các dân tộc lần thứ XX
[Podcast] - Tản văn: Miền ký ức dưới bóng cây gạo già
Sa Pa: Du khách mê mẩn check in đồi hoa cải vàng tại Fansipan
Hứa Tam Quan bán máu: Tình thân thật dung dị, nhưng cũng thật vĩ đại
Bất chợt tháng ba
Lễ hội Đền thờ Lý Thường Kiệt Xuân Giáp Thìn năm 2024
Trình diễn drone tại chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024” vào ngày 9/3
Một thoáng lịch sử, văn hóa xứ Thanh nhìn từ di tích
Vinh dự song hành trách nhiệm