Nỗi nhớ thương “ngày Bắc đêm Nam”
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (1954), đất nước tạm thời bị chia cắt. Hàng vạn người con miền Nam đã từ biệt gia đình, lên những chuyến tàu ra Bắc để học tập, làm việc với niềm tin rằng: sau 2 năm sẽ được đoàn tụ. Vậy mà lời hẹn ước 2 năm đã trở thành nỗi nhớ thương, mong mỏi kéo dài hơn hai thập kỷ.
Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Bắc. Ảnh: Tư liệu
Dải đất hình chữ S như một tấm lụa mềm mại trải dài “từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”. Trên từng tấc đất, từng con sông, từng ngọn núi không chỉ là câu chuyện về hành trình mở đất, mà còn là những gian lao, vất vả về việc bảo vệ và thống nhất non sông. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, vĩ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến tạm thời, sông Bến Hải (Quảng Trị) được tạm coi như biên giới xẻ đôi đất nước. Ở bên này sông, bên kia sông là thăm thẳm những nỗi nhớ thương.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ, hàng vạn cán bộ, đồng bào miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau đã rời xa quê hương, tập kết ra Bắc. Người ra đi để lại sau lưng gia đình, người thân, bờ tre bến nước... Bước chân xuống tàu ai cũng giơ hai ngón tay hẹn với người ở lại sẽ trở về sau hai năm, vì Hiệp định Giơnevơ có điều khoản “Sau 2 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước”. Nhưng, lời ước hẹn đó đã không thành.
Ở trên đất Bắc, những người con từ Quảng Trị đến Cà Mau đều được gọi chung một tên là người miền Nam. Hai tiếng miền Nam thân thương và gần gũi.
Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ, 83 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau) cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, ngày ấy ra đi rất háo hức nhưng ngay sau đó là vô vàn nỗi nhớ. “Lúc còn sống, ba tôi nói: “Hai năm nhưng tính từ ngày ký Hiệp định Giơnevơ thì chỉ còn 18 tháng”. Sẽ không phải là dài nếu nó không trở thành 21 năm. 21 năm đất nước chia cắt bởi chiến tranh, cháy lòng con người với nhớ thương kẻ Nam người Bắc. Ai có trong tình cảnh này mới thấu hiểu tình quê hương, nỗi niềm gia đình”, bà Thơ kể.
Tuy được sự đùm bọc, che chở của Nhân dân miền Bắc, được dành cho những điều kiện tốt nhất, nhưng những đứa con xa gia đình như bà Thơ luôn khắc khoải khi nghe tin miền Nam đang chìm trong biển lửa, nhiều người phải chịu cảnh đàn áp dã man của kẻ thù. Bà Thơ kể, trong 21 năm đó, nhiều học sinh quê gốc Cà Mau đã gắn trên ngực áo mình miếng vải tang đen cho vụ thảm sát ở Phú Lợi, vụ B52 rải bom thảm sát đồng bào ở huyện Trần Văn Thời và cứ liên tục khi cha bạn này, chú của bạn kia bị giặc xử tử...
Trong hành trình ra Bắc năm xưa, ông Phan Lạo, nguyên quán ở Hoài Nhơn, Bình Định, bộ đội Tiểu đoàn 71, Liên khu V, hiện đang sống ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), kể lại: “Năm đó, vì sóng to, gió lớn, tàu không vào được mà phải chạy tiếp ra Quảng Ninh nhưng khi đến Hạ Long, tàu cũng không vào cảng được, vì thế mà phải quay về Sầm Sơn. Con tàu chở hàng trăm người rong ruổi trên biển gần cả tháng trời khiến nhiều người say sóng, mệt mỏi. Tuy nhiên, sự đón tiếp chu đáo, tận tình, tình cảm đằm thắm của bà con địa phương đã làm ấm lòng những người con miền Nam”.
Ở xã Xuân Bình, chúng tôi còn gặp ông Trần Văn Ấm, quê gốc ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông chia sẻ: “Sau khi tàu phải cập cảng Hải Phòng, chúng tôi lại di chuyển đường bộ ngược về Thanh Hóa. Tình cảm đẹp của người Thanh Hóa khi ấy khiến tôi cứ nhớ mãi. Sau này, sinh người con đầu lòng tôi đã đặt tên con bé là Thanh để ghi nhớ tình cảm của người dân nơi đây.
Cũng thật hữu duyên, trên bước đường của hai ông Phan Lạo và Trần Văn Ấm thường xuyên có nhau. Hai ông là bộ đội tập kết, cùng tham gia xây dựng Nông trường quốc doanh 19/5 (Nghệ An), rồi về Nông trường Bãi Trành (Như Xuân). “Những ngày tháng đó với chúng tôi là sự nhớ thương quê nhà, là nỗi nhớ mẹ. Lá thư đầu tiên tôi nhận sau ngày giải phóng là thư mẹ gửi, cả đêm đó tôi thức trắng vì vui. Niềm vui chưa bao giờ có trong đời, vui vì đất nước thống nhất, vui vì ở quê nhà, người thân vẫn còn sống”, ông Trần Văn Ấm chia sẻ.
Hai chiến sĩ miền Nam tập kết nay đã ở ngoài tuổi 90, ông Phan Lạo và Trần Văn Ấm, từ lâu đã coi mảnh đất Xuân Bình (Như Xuân) là quê hương thứ 2.
Đặc biệt ông Lạo và ông Ấm còn là thông gia. Cô bé Thanh tên đầy đủ là Trần Thị Thanh (SN 1964) hiện đang làm Bí thư chi bộ thôn 12, xã Xuân Bình (Như Xuân).
Chị Thanh nói: Cả bố đẻ và bố chồng tôi đều theo chuyến tàu tập kết ra Bắc và chọn mảnh đất xứ Thanh làm quê hương thứ hai của mình. Họ cũng như hàng ngàn, hàng vạn người con phương Nam trên đất Bắc đã phải sống cho cả hai miền, ban ngày “làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, khi đêm về thì đau đáu một nỗi nhớ quê. Quê hương bây giờ ra sao? Gia đình ai còn ai mất? Từ lời hẹn ước 2 năm, đến hơn 20 năm sau bố tôi mới có dịp về quê Quảng Nam. Sau này có điều kiện kinh tế hơn, bố tôi cùng con cháu về lại Tam Kỳ, Quảng Nam nhiều hơn.
Đã 70 năm trôi qua nhưng với ông Hoàng Bá Nghiên, quê gốc ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; hiện đang sống ở khu phố Tế Độ, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) vẫn không thể nào quên những ngày tập kết ra Bắc.
Tháng 10/1954, ông Nghiên ra Bắc và đóng quân tại Phà Ghép, huyện Tĩnh Gia (nay là cầu Ghép, thị xã Nghi Sơn). Tháng 5/1955, ông làm nhiệm vụ chống di cư của đồng bào công giáo ở Ba Làng. Sau khi bị thương, ông theo đoàn an dưỡng về đóng quân tại Hoằng Hóa. Ở đây, ông đã lập gia đình và sinh được 5 người con.
Năm 1968, theo yêu cầu của tổ chức, ông Nghiên từ biệt vợ con, vào chiến trường B tham gia đánh Mỹ từ năm 1968 đến 1975, rồi tiếp tục đánh Pôn pốt và làm chuyên gia 3 năm tại Campuchia.
“Đến năm 1982, tôi trở về Quảng Nam công tác một thời gian để thỏa nỗi nhớ mong vì xa quê quá nhiều năm. Lúc đó, bố mẹ đã mất, đất đai vườn tược không còn, anh em mỗi người mỗi nơi, ai cũng có gia đình riêng. Thời gian trôi quá nhanh, khi ra đi tôi đang còn là chàng trai trẻ, lúc quay về, tóc đã bạc quá nửa”.
Tuổi cao sức yếu, dù hiện nay ở Hoằng Hóa cùng vợ, cùng con nhưng với ông Nghiên, nỗi nhớ quê vẫn khó nguôi ngoai.
Còn với những học sinh miền Nam (HSMN), hành trình ra Bắc của họ chính là sự khởi đầu cho một giai đoạn học tập và rèn luyện gian khổ. Ông Nguyễn Trung Cang, một cựu HSMN, đã mang theo những kiến thức khoa học kỹ thuật trở về quê hương Đồng Tháp sau 21 năm, đóng góp vào công cuộc phát triển nông nghiệp của tỉnh, biến vùng đất Đồng Tháp Mười từ đất phèn, đất chua thành đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ.
Ông Võ Minh Cẩm, quê ở xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi cho biết: Sau khi tập kết, tôi học vỡ lòng tại Thanh Hóa, rồi học tiểu học tại Trường HSMN số 21 (Cầu Rào, Hải Phòng); học THCS ở Trường HSMN số 26 Chương Mỹ, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), và vào Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Sau đó tôi đi bộ đội, hoạt động trong ngành quân đội cho đến khi nghỉ hưu năm 2008. “Trong cuộc đời tôi, nỗi nhớ quê hương chính là động lực để hết mình trong việc học tập và rèn luyện. Nỗi nhớ đi theo bước quân hành, theo từng chặng đường đời của tôi”, ông Cẩm cho biết.
Thời gian đằng đẵng trôi. Những người con của miền Nam sống trên đất Bắc đã phải sống những ngày khắc khoải chờ mong. 2 năm, 5 năm, rồi 10 năm và hơn 20 năm, họ mãi ngân nga khúc tình ca quê nhà. Nhiều đám cưới của nam, nữ trong đoàn tập kết, giữa nam nữ tập kết với nam nữ miền Bắc, rồi những đứa con ra đời trên đất Bắc với rất nhiều cái tên: Hoài Nam, Hương Giang, Hiền Lương, Cửu Long, Trường Sơn...
Có thể nói, chưa bao giờ những ca khúc về nỗi nhớ miền Nam được các nghệ sĩ và Nhân dân hai miền hát nhiều như thế, hát hay như thế. Những ca khúc bất hủ như: Tình ca, Bài ca hy vọng, Câu hò bên bờ Hiền Lương... đã vượt qua đồn bốt giặc, lan truyền, vang vọng trên khắp hai miền Nam - Bắc, chỉ mong ước gửi gắm lời trái tim yêu thương để cùng nhau chờ đợi ngày thống nhất đất nước.
Bài và ảnh: Huyền Chi
{name} - {time}
-
2024-10-28 14:51:00
Truyền thống lịch sử là nền tảng để dựng xây quê hương
-
2024-10-28 13:48:00
Sầm Sơn đổi mới
-
2024-10-26 11:40:00
Xứ Thanh... nghĩa tình
Những đóng góp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc
Vai trò của ngành LĐ-TB&XH trong việc ổn định đời sống đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Khi ký ức cất lời
Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024): Những câu chuyện thấm đẫm nghĩa tình
Một cuộc chuyển quân lịch sử
Những chuyến tàu xóa nhòa giới tuyến
Hồi ức người trong cuộc
70 năm sâu nặng nghĩa tình...
Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024): Tình sâu, nghĩa nặng với Thanh Hóa