(Baothanhhoa.vn) - Nhằm thắt chặt tình đoàn kết, sức mạnh chiến đấu giữa các lực lượng quân sự Việt Nam với các lực lượng vũ trang cách mạng Lào, hàng vạn lượt con em Thanh Hóa đã lên đường làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Ký ức đẹp về những ngày tháng đồng cam cộng khổ trên đất bạn Lào được tái hiện rõ nét qua từng câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử mà chúng tôi có dịp được trò chuyện.

Những năm tháng không quên trên đất bạn Lào

Nhằm thắt chặt tình đoàn kết, sức mạnh chiến đấu giữa các lực lượng quân sự Việt Nam với các lực lượng vũ trang cách mạng Lào, hàng vạn lượt con em Thanh Hóa đã lên đường làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Ký ức đẹp về những ngày tháng đồng cam cộng khổ trên đất bạn Lào được tái hiện rõ nét qua từng câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử mà chúng tôi có dịp được trò chuyện.

Những năm tháng không quên trên đất bạn Lào

Cựu chiến binh Nguyễn Thành Dung ở phường Hạc Thành - người từng trực tiếp cầm súng chiến đấu trên đất bạn Lào.

Chiến tranh đã lùi xa từ lâu nhưng qua hồi ức, kỷ niệm của những người lính quân tình nguyện (QTN), chúng tôi hiểu sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt - Lào, một tình cảm đặc biệt được xây đắp bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ.

Bác Lê Reo, Phó trưởng Ban liên lạc QTN và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào, tỉnh Thanh Hóa - người có tới 10 năm (1965-1975) trực tiếp chiến đấu giúp nước bạn Lào, nhớ lại: Ngày ấy, tôi là trợ lý Chính trị Trung đoàn công binh 217, thuộc Bộ Tư lệnh Công binh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông, phục vụ cho các đơn vị bộ binh của ta phối hợp cùng với các đơn vị quân giải phóng Lào đánh thắng giặc Mỹ, nhằm bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng các tỉnh vùng Bắc Lào. Riêng trong chiến dịch Kù Kiệt năm 1969-1970, trung đoàn đã đóng góp một phần to lớn, bảo đảm giao thông các tuyến đường chiến lược như đường 6B dài 192km, đường 7B dài gần 300km, đường 4A + 4B dài 150km... Trong 10 năm, toàn trung đoàn với 5.000 quân đã bảo đảm giao thông trên 6 tuyến đường với tổng chiều dài 760km; mở mới 58km từ thị xã Sầm Nưa vào giải phóng cứ điểm rađa Pha Thí.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông, phục vụ các chiến dịch thắng lợi, Trung đoàn công binh 217 còn trực tiếp chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái.

Bác Lê Reo tự hào kể: Trung đoàn công binh 217, trực tiếp là Tiểu đoàn 6 vô cùng vinh dự, tự hào được nhận nhiệm vụ đặc biệt do Bộ Quốc phòng giao là cải tạo hang đá, khoan, đào hàng trăm mét đường hầm trong lòng núi đá vôi, nối thông trụ sở làm việc cho các cơ quan, ban, ngành của Trung ương Đảng, Chính phủ Lào tại khu căn cứ Nakay. Trong 6 năm (từ 1967 đến 1972), 53 công trình có quy mô lớn được hoàn thành, bảo đảm an toàn tuyệt đối trụ sở làm việc cho các lãnh tụ, cơ quan Trung ương để lãnh đạo cách mạng Lào đi đến thắng lợi ngày 2/12/1975. Những đóng góp to lớn và hy sinh không nhỏ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân quốc phòng Trung đoàn công binh 217 đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Ngoài ra, còn có thêm một tiểu đoàn anh hùng, một đại đội anh hùng và 2 cá nhân anh hùng. Đảng, Chính phủ Lào tặng 2 Huân chương Itxala hạng Nhất, hai cờ “ba giỏi” cùng hàng nghìn huân, huy chương cho các tập thể, cá nhân.

Những ngày giữa tháng 7 lịch sử, gặp cựu chiến binh Nguyễn Thành Dung ở phường Hạc Thành khi ông vừa đi dự lễ khánh thành Nhà tưởng niệm liệt sĩ ở ngã ba Thanh Thủy, tỉnh Tuyên Quang về. Cựu chiến binh Nguyễn Thành Dung kể: Không chỉ lăn lộn ở các chiến trường trong nước, tôi còn trực tiếp chiến đấu tại khu vực Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng của nước bạn Lào trong 2 năm 1972-1973. Đây là khu vực đắc địa, có vị trí đặc biệt quan trọng, chiếm giữ được khu vực này là khống chế được toàn bộ Đông Dương nên địch cố chiếm giữ còn quân ta thì quyết tâm giải phóng. Trong cuộc chiến này, quân địch có nhiều lợi thế hơn về vũ khí, súng đạn, lương thực, thực phẩm, nhưng quân ta với lòng dũng cảm và sự mưu trí đã đánh chiếm và giải phóng được nhiều nơi. Tuy nhiên, khó khăn nhất của ta là mùa mưa bên Lào kéo dài, việc tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chủ yếu bằng đường bộ, đi qua nhiều đồi núi nên rất khó khăn. Nắm được yếu điểm đó, quân địch đánh và chiếm lại khoảng 50% vùng đã giải phóng. Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết năm đầu 1973, cục diện đã có nhiều thay đổi. Quân địch dù vẫn đánh chiếm nhưng bớt ác liệt, trong khi quân ta có lợi thế hơn về nhiều mặt nên đến tháng 12/1973 cơ bản quân ta đã chiếm giữ được toàn bộ Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. Sau đó, chúng tôi được lệnh rút về nước để chuẩn bị tham gia chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”, ngày 30/10/1949 Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định “Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng, lấy danh nghĩa là QTN”. Đây là mốc son lịch sử sáng chói, đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ QTN Việt Nam. Đi suốt cuộc trường chinh gần 40 năm, các thế hệ QTN và chuyên gia quân sự Việt Nam đã có 5 lần kề vai sát cánh với quân và dân Lào chống kẻ thù chung, đến năm 1987 mới rút hết quân về nước.

Cùng với cả nước, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tiễn đưa hàng vạn lượt người sang nước bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược trong đội hình các Sư đoàn 316, 324, 968, 678, Trung đoàn công binh 217... Họ đã chấp nhận muôn vàn gian khổ, ác liệt, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong đó, có nhiều cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc, được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân như anh hùng Lò Văn Bường, anh hùng Lê Văn Trung...

Chặng đường nhiều năm trực tiếp tham gia chiến đấu, giúp nước bạn Lào ổn định và phát triển đã làm tỏa sáng thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” với tinh thần quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng. Qua đó, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa hai nước Việt - Lào trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong quan hệ hợp tác cùng phát triển hôm nay.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]