Người đưa cây mắc ca lên vùng đất khó
Thiên Phủ vốn được mệnh danh là vùng đất khó của huyện Quan Hóa. Nhưng với ông Hà Văn Thính, sinh năm 1963, ở bản Chong, xã Thiên Phủ lại khác, ông đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây luồng sang cây mắc ca, mang nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thành công của ông đã chứng minh hiệu quả kinh tế của cây mắc ca trên vùng đất Quan Hóa, phù hợp với tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Hà Văn Thính bên vườn cây mắc ca của gia đình. Ảnh: Tăng Thúy
Cơ duyên với cây trồng mới
Sinh ra và lớn lên ở “thủ phủ” luồng, cả cuộc đời ông Thính đã gắn liền với thăng - trầm của giống cây này. Vào những năm 80 - 90, cây luồng Thanh Hóa ngược xuôi khắp các tỉnh phía Bắc. Nhờ luồng mà các con ông được ăn học, gia đình có gian cửa gian nhà, có chiếc xe máy đi lại... Thời hoàng kim của cây luồng qua đi, hiện nay một cây luồng to, đẹp, dài hơn 10m, vài năm tuổi cũng chỉ bán được 10.000 đồng - 30.000 đồng/cây. Nếu ở những vùng xa, trừ đi công thuê xe tải, thuê người kéo ra đường lớn thì giá luồng còn khoảng 5.000 đồng/cây... Sở dĩ, giá cây luồng thấp như thế bởi nguyên liệu luồng thiếu nhà máy chế biến tinh, mà đa phần là sản xuất đũa ăn một lần, băm dăm bán cho các nhà máy giấy và vàng mã. Những nguyên nhân này không thể giải quyết trong một sớm, một chiều và cây luồng có lẽ khó có thể trở lại vị thế như trước kia. Vì thế trong nhiều năm, ông Thính loay hoay với câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì, cho hiệu quả?.
Cơ duyên đến với cây mắc ca của ông Thính cũng rất tình cờ. Theo đó, trước năm 2015, ông không biết cây này là cây gì, “mặt mũi” nó ra sao. Trong một chương trình truyền hình về nông nghiệp chiếu trên ti vi, người ta giới thiệu về mô hình trồng cây mắc ca ở huyện Thạch Thành. Ban đầu ông cứ tưởng họ đang nói về cây mắc ca - loại cây dùng chữa mụn nhọt, ghẻ lở mọc nhiều ở các huyện miền núi. Nghe kỹ thì ông mới biết, mắc ca là giống cây được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô”, trồng nhiều ở các huyện Như Xuân, Thạch Thành..., các huyện vùng cao như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát chưa có.
Từ đó, ông Thính “tơ tưởng” đưa cây mắc ca về trồng thử nghiệm tại vùng đất Mường Ca Da, thay diện tích luồng kém hiệu quả. Ông bắt xe xuống huyện Thạch Thành, lần tìm đến nhà một trong những nhân vật xuất hiện trên chương trình truyền hình hôm ấy để mục sở thị cây quý và học hỏi kinh nghiệm. Sau khi tham quan mô hình trồng cây mắc ca ở Thạch Thành về, niềm đam mê loại cây này trong ông Thính như được nhân đôi. Ông quyết mua 200 cây giống về trồng trên diện tích 1 ha đất đồi. “Lúc ấy, giá của mỗi cây mắc ca giống là 110.000 đồng/cây. Do là người đầu tiên ở Quan Hóa mua cây giống nên tôi được miễn phí vận chuyển”, ông Hà Văn Thính nhớ lại.
Ngày ông Thính đưa cây mắc ca về trồng trên đất Thiên Phủ, ông Thính chịu không ít áp lực, “lời ong tiếng ve” của người dân địa phương, thậm chí sự ngờ vực ngay từ những người thân trong gia đình. Nào là “chỗ nọ, chỗ kia trồng rồi phải đào đi vì không ra quả, ông Thính còn bỏ ra cả chục triệu đồng mua cây về trồng”... Không đôi co cũng chẳng giải thích, ông Thính cứ cặm cụi trên quả đồi của gia đình, từng ngày hình thành diện tích mắc ca đầu tiên của xã Thiên Phủ. “Lần đầu tiên thấy mấy chùm hoa trên cây, tôi cứ đứng nhìn rồi cười một mình rất lâu. Bởi, dẫu kiên định vào quyết định của mình, nhưng trong lòng cũng không khỏi lo lắng. Đến khi 200 cây mắc ca ra hoa, đậu quả và cho thu hoạch, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Năm 2018, tôi thu bói chỉ vài ba tạ hạt. Bước sang năm 2019, 2020, năng suất mắc ca tăng dần nhờ tôi bắt đầu đầu tư phân chuồng, phân NPK hàng năm, làm cỏ sạch sẽ để cây phát triển”, ông nói.
Trong 2 năm đầu khi cây mắc ca chưa khép tán, ông Thính cho người cháu gái trồng xen cây cà pháo để tận dụng đất. Hơn 1 tháng sau, cà bắt đầu cho thu hoạch. Cà pháo trồng trên đất đồi Thiên Phủ quả ra chùm chùm, ngày nào cũng có trái bán. Tính đến nay, diện tích cây mắc ca của ông Thính đã được nhân rộng lên hơn 2 ha với 400 cây. Năm 2023, gia đình ông Thính thu hoạch 1,8 tấn quả, giá bán 40.000 đồng/kg quả tươi. Sau khi trừ tất cả chi phí từ tiền mua phân bón, thuê người dọn cỏ, người thu hoạch... thì trang trại của ông cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Được biết, thời gian đầu do sản lượng còn ít, ông Thính tách vỏ quả mắc ca xanh bằng biện pháp thủ công. Khi lượng quả thu hoạch nhiều, ông đã mua máy tách vỏ, áp dụng cơ giới hóa trong khâu sau thu hoạch, giúp giảm chi phí mà tăng năng suất lao động lên gấp hơn 10 lần. Và để tăng giá trị hạt mắc ca vườn nhà, ông mua tủ sấy hạt và dụng cụ tách hạt, trực tiếp chế biến mắc ca sấy khô phục vụ thị trường. Mong muốn của cá nhân ông Thính cũng như các hộ trồng mắc ca tại địa phương là thành lập HTX nông - lâm nghiệp xã Thiên Phủ để giúp bà con tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Triển vọng từ cây mắc ca
Xã Thiên Phủ có 792 hộ, hơn 3.700 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mường, Kinh... Nơi đây, dân trí không đồng đều; địa hình rộng, đồi, núi, khe, suối nhiều; tập quán sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi lạc hậu, manh mún, nội lực của địa phương và của người dân khó khăn, hạn chế... rất khó phát triển kinh tế. Vì thế, câu chuyện ông Hà Văn Thính trồng thành công cây mắc ca đang được nhiều hộ gia đình học hỏi, làm theo.
Được biết, đến nay diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn xã Thiên Phủ đã tăng lên hơn 12ha/42 hộ. Chưa kể, nhiều hộ ở các xã Nam Động, Hiền Chung, Nam Xuân... (Quan Hóa); Mường Chanh, Quang Chiểu... (Mường Lát) và một số hộ ở các xã thuộc huyện Quan Sơn đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm, nhờ mua cây giống, phần nhiều trong số đó là những gia đình trẻ. Ông Thính chia sẻ: “Tôi bảo con và các cháu, mình trẻ cứ mạnh dạn làm đơn vay vốn ưu đãi 50 - 70 triệu đồng của Nhà nước. 30 triệu đồng mua giống trồng được 1 ha mắc ca, số tiền còn lại dùng cho chi phí phân bón, chăm sóc, thuê người làm cỏ, thu hoạch. Năm thứ 4 - 5, cây bắt đầu cho thu bói. Khoảng năm thứ 6 - 7 sẽ cho thu hoạch chính thức. Đặc biệt, giống cây này có thể cho thu hoạch hàng chục, thậm chí cả trăm năm. Còn nếu cứ trồng luồng, sưa... thì chỉ giúp đời sống bà con tạm ổn và khó thoát được nghèo”.
Người đàn ông lục tuần cũng mạnh dạn đề xuất, nếu huyện có chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho mỗi gia đình trồng 1 ha hoặc chỉ cần 5 sào mắc ca là dứt khoát đời sống bà con sẽ thay đổi và trở nên khá giả so với trước đây. “Tôi tính đơn giản, hiện tại cây giống mắc ca dao động từ 40 - 50 nghìn đồng/cây. Nếu trồng tập trung, mỗi ha đất sẽ trồng tối đa 300 cây mắc ca, tương đương khoảng 12 - 15 triệu đồng tiền cây giống, nếu tính cả tiền công đào hố, trồng, chăm sóc, thu hoạch thì mất khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha. Giá bán quả khô hiện tại lên tới 250.000 - 300.000 đồng/1kg hạt mắc ca xẻ nứt, tách hạt riêng là 600.000 - 700.000 đồng. Thị trường mắc ca, cung không đủ cầu, đặc biệt vào các dịp tết hàng năm không có đủ hàng bán ở phía Bắc và chủ yếu dùng để làm giống”.
Dù đang dần khẳng định được ưu thế vượt trội hơn các cây trồng khác, nhưng do lo ngại rủi ro nên hiện nay số hộ dám mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang cây mắc ca ở Thiên Phủ còn nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn do người dân tự bỏ vốn đầu tư thực hiện, sử dụng giống để trồng từ các dòng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cả những dòng chưa được công nhận. Phần lớn người dân chưa có những thông tin chính thống về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca phù hợp tại địa phương... Vì thế, một số hộ trồng mắc ca thường gặp khó khăn trong việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cây. Bởi có vườn cây trồng cùng thời điểm, nhưng cây cho quả, cây thì không hoặc cho quả không đáng kể khiến năng suất, sản lượng chưa cao. Mặt khác, trên địa bàn huyện chưa có cơ sở chế biến mắc ca. Sản phẩm làm ra, nông dân phải chở xuống các HTX ở Thạch Thành, Như Xuân... để tiêu thụ gây ra không ít phiền toái.
“Đối với huyện Quan Hóa chúng tôi, cây mắc ca là cây trồng mới nên những băn khoăn, lo ngại là khó tránh khỏi; tuy nhiên với những tín hiệu khả quan về kinh tế của cây mắc ca mang lại, tôi tin rằng người dân khi được trang bị kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, kiến thức trong sản xuất sẽ mạnh dạn đầu tư, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên để đưa cây mắc ca vào canh tác bền vững, từ đó nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương”, ông Lê Văn Nam, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Hóa, nhận định.
Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-01-13 09:29:00
Dấu ấn phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” ở Triệu Sơn
-
2025-01-10 14:51:00
Chủ tịch công đoàn cơ sở năng động, hết lòng chăm lo cho người lao động
-
2024-03-20 09:54:00
Nhân lên những việc làm tốt, những gương điển hình
Nữ Bí thư Đoàn phường năng động, nhiệt huyết
Báo cáo viên có duyên với những hội thi
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoằng Xuyên đưa nghề về quê
Bác sĩ đam mê nghiên cứu khoa học
Người 30 lần tình nguyện hiến máu
Cán bộ mặt trận gương mẫu, hết lòng vì dân
Những trưởng ban công tác mặt trận “trọn việc nước, tròn việc dân”
Người cán bộ kiểm sát vùng cao hết lòng vì công việc
Chủ tịch hội tâm huyết phát triển nghề cho hội viên