Nghề nuôi ong lấy mật
Với những lợi thế về đất rừng tự nhiên và diện tích rừng trồng khá lớn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Như Xuân, Triệu Sơn, Thạch Thành... đã nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ mật ong cũng được quan tâm phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng để tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thương trường.
Mô hình nuôi ong lấy mật tại xã Phượng Nghi (Như Thanh).
Tại huyện Thọ Xuân, nghề nuôi ong lấy mật xuất hiện cách đây không lâu tại các xã Xuân Bái, Thọ Lâm, Quảng Phú... với gần 5.000 thùng nuôi. Ông Đỗ Văn Thơ, thôn Xuân Tân, xã Xuân Bái, một trong những hộ tiên phong xây dựng mô hình cho biết: “Bên cạnh giá trị kinh tế từ mật, nghề nuôi ong là một công việc nhẹ nhàng, không đòi hỏi nhiều sức lao động, mang lại nhiều hiệu quả về môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, nuôi ong giúp thụ phấn cho cây trồng trong vườn nhà, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm".
Theo ông Thơ, nuôi ong không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải áp dụng đúng kỹ thuật, có tính kiên trì, cần phải hiểu rõ tập tính của ong, áp dụng các kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, tạo chúa, tách đàn... Nhất là, để đàn ong khỏe mạnh, chất lượng mật cao thì việc vệ sinh thùng ong để đảm bảo luôn khô ráo, sạch sẽ là điều không thể thiếu. Cùng với đó là phòng tránh các loại bệnh và kiểm tra, di chuyển cầu ong liên tục để tích mật. Chất lượng mật phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năm nào mưa nắng đan xen, cây cối đâm chồi nảy lộc thì chỉ cần 10 ngày đến nửa tháng sẽ có được những bánh mật vàng ươm; nếu mưa nhiều mật sẽ lỏng, nắng quá gắt thì mật lại sánh và khó vắt. Bên cạnh đó, lượng mật cũng phụ thuộc vào địa điểm mà người nuôi đặt thùng và quy trình ra hoa, lựa chọn các loại hoa có giá trị dinh dưỡng cao, chú ý những nơi nhiều hoa sẽ đặt nhiều đàn, nơi nào ít hoa sẽ đặt ít đàn; đôi khi phải phân đàn ở những địa điểm khác nhau để ong kiếm được lượng mật một cách tốt nhất”. Trong quá trình nuôi, tuy vườn nhà trồng nhiều cây ăn quả, rau nhưng ông Thơ tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do ong rất nhạy cảm với điều kiện môi trường, nhất là khói bụi, các loại hóa chất nên cần môi trường sạch, không khí trong lành; vào đầu vụ và cuối vụ, ông thường cho đàn ong của mình uống thuốc kháng sinh để phòng bệnh.
Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 100.000 đàn ong mật tại các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Như Thanh... Không chỉ là mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư máy móc, áp dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng các sản phẩm OCOP cấp tỉnh được người tiêu dùng ưa chuộng, như: Mật ong thiên nhiên Phượng Nghi, mật ong ngàn hoa Xuân Thái, mật ong hoa rừng Đức Lương, mật ong Hưởng Hoa, mật ong Thành Kim, mật ong Thọ Phú Thanh...
Đơn cử, tại xã Phượng Nghi (Như Thanh), toàn xã hiện có hơn 1.000 đàn ong, trong đó có khoảng 600 đàn ong của các hộ được HTX dịch vụ nông nghiệp Phượng Xuân liên kết, bao tiêu mật để phát triển sản phẩm OCOP mật ong thiên nhiên Phượng Nghi. Ông Lê Công Ninh, một trong những hộ có đàn ong lớn cho biết: Thông qua HTX, chúng tôi được tập huấn, trao đổi, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi ong và thu hoạch mật, tham gia vào chuỗi sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, tôi đã mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất để nâng cao năng suất cũng như chất lượng mật”. Cũng theo ông Ninh, chỉ một số xã trên địa bàn huyện Như Thanh mới có rừng tự nhiên để phát triển nghề nuôi ong nên lượng mật hoa từ cây cam, bưởi, sim, nhãn... khá hiếm, không có thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học. Hiện nay, sản phẩm mật ong thiên nhiên Phượng Nghi đang được phân phối, tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, sản phẩm mật ong thiên nhiên Phượng Nghi còn là sản phẩm tiêu biểu của địa phương trong chiến lược quảng bá sản phẩm và phát triển du lịch của xã miền núi huyện Như Thanh.
Tuy nuôi ong lấy mật được xem là nghề xóa đói, giảm nghèo, ổn định thu nhập cho người dân, nhưng để phát triển bền vững nghề, các địa phương cần khuyến khích người dân chuyển dần phương thức nuôi truyền thống sang nuôi ong theo hướng trang trại, gia trại kết hợp với trồng trọt, tận dụng thức ăn thiên nhiên, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng mật. Bên cạnh đó, khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX để hợp tác xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương; đồng thời, hỗ trợ người dân kết nối, tiêu thụ sản phẩm mật ong ra các thị trường lớn.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-11-24 07:00:00
Bản tin Tài chính 24/11: Giá vàng khởi sắc, tâm lý bi quan biến mất
-
2024-11-23 19:29:00
BIDV Bỉm Sơn tổ chức Hội nghị khách hàng năm 2024
-
2024-09-24 07:00:00
Bản tin Tài chính 24/9: Giá vàng nhẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu
Mưa lũ, ngập lụt gây ảnh hưởng đến việc cấp điện trên địa bàn tỉnh
Vinamilk tích cực thực hiện dự án cánh rừng Net Zero, hướng đến trung hòa khí nhà kính
Ngành sản xuất vật liệu xây dựng nỗ lực tăng tốc
Bộ Tài chính đang rà soát đánh giá lại mức giảm trừ gia cảnh
Bản tin Tài chính ngày 23/9: Giá vàng ổn định sau chuỗi ngày biến động mạnh
Thủ tướng Chính phủ dự Lễ công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh
Kết nối hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng
Đến 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm