(Baothanhhoa.vn) - Hoạt động kinh tế của các hộ nông dân trên địa bàn huyện Nga Sơn được tổ chức đa dạng, đa ngành, đa nghề. Các hộ nông nghiệp đã thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với nhiều cách làm bài bản, ứng dụng công nghệ hiện đại. Nhờ vậy, nhiều mô hình kinh tế hộ đã trở thành điểm sáng ở huyện Nga Sơn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Nga Sơn phát triển kinh tế hộ

Hoạt động kinh tế của các hộ nông dân trên địa bàn huyện Nga Sơn được tổ chức đa dạng, đa ngành, đa nghề. Các hộ nông nghiệp đã thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với nhiều cách làm bài bản, ứng dụng công nghệ hiện đại. Nhờ vậy, nhiều mô hình kinh tế hộ đã trở thành điểm sáng ở huyện Nga Sơn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Nga Sơn phát triển kinh tế hộMô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng, nhà lưới của nhiều hộ dân xã Nga Liên (Nga Sơn).

Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình, ông Đào Văn Đông, ở thị trấn Nga Sơn đã xây dựng thành công mô hình nhà lưới canh tác rau màu giá trị cao và các loại dưa. Nhận thấy việc canh tác trong nhà lưới hoàn toàn chủ động được thời vụ, tránh được thời tiết cực đoan như giá rét, nắng nóng ảnh hưởng đến cây trồng, lại hầu như không có sâu bệnh. Ông Đông đã đầu tư 5 tỷ đồng làm nhà màng, nhà lưới và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương nên các loại dưa và rau màu có đủ độ ẩm, phát triển tươi tốt quanh năm. Để tạo uy tín và dễ dàng tìm đầu ra cho sản phẩm, gia đình ông đã tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. Hiện mô hình của hộ ông Đông cho thu nhập 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, giúp đỡ 3 hộ nghèo phát triển sản xuất.

Chứng kiến sự thành công của các mô hình canh tác trong nhà màng, nhà lưới và các cơ chế hỗ trợ của huyện, hiện nay 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều nở rộ phong trào sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới theo hướng công nghệ cao. Tính đến đầu tháng 3/2024, toàn huyện Nga Sơn đang có gần 43,5 ha nhà màng, nhà lưới, là địa phương đứng thứ 2 của tỉnh trong phát triển các mô hình nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp. Giá trị canh tác trong các mô hình này đã đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp hàng chục lần so với các mô hình sản xuất truyền thống.

Cùng với việc phát triển các mô hình trồng trọt, thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở các xã ven biển của huyện Nga Sơn đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao. Điển hình như hộ ông Phạm Văn Hiếu, thôn 4, xã Nga Tân đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây 5 bể nổi có mái che phủ, với diện tích 2.000m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng. Với công nghệ nuôi hiện đại, kiểm soát được dịch bệnh và các điều kiện tự nhiên, đến nay mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông đã từng bước khẳng định được hiệu quả cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Từ mô hình của hộ ông Hiếu, hiện nay trên địa bàn xã Nga Tân đã có 5 hộ dân mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản quảng canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, với tổng diện tích trên 10ha. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ cao đang hình thành một phương thức sản xuất mới, mang tính hiện đại, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Nga Tân.

Từ những hiệu quả của các mô hình kinh tế, huyện Nga Sơn đang tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất mới. Nhìn chung, các hộ đều quan tâm lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế vùng miền; tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, phương thức canh tác tiên tiến, hiện đại. Nhiều cá nhân mạnh dạn đứng ra thành lập doanh nghiệp, HTX. Kinh tế phát triển là điều kiện để người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tham gia XDNTM. Đến nay, toàn huyện có 12.549 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó có hơn 8.200 hộ có thu nhập bình quân từ 100 - 200 triệu đồng/năm, hơn 3.520 hộ thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, 19 hộ có thu nhập từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng/năm... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai các mô hình kinh tế nông hộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: phần lớn mô hình nông hộ có quy mô nhỏ; quá trình sản xuất, kinh doanh bị tác động bởi nhiều yếu tố như thời tiết, dịch bệnh, thiếu vốn, kỹ thuật. Người dân còn lúng túng trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số hộ rất muốn chuyển đổi sản xuất nhưng không đủ quỹ đất, vốn; giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Nhiều hộ muốn mở rộng quy mô sản xuất để tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, phục vụ chế biến song thiếu quỹ đất; thiếu kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, hạch toán kinh doanh, tác phong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp. Sản xuất còn tình trạng chạy theo phong trào, chưa coi trọng các yếu tố liên quan đến an toàn thực phẩm, môi trường, nhãn hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, huyện Nga Sơn chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tìm kiếm liên kết sản xuất để bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với vốn vay ưu đãi chính sách để đầu tư, chuyển đổi, mở rộng sản xuất.

Những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế đã và đang từng bước giúp người dân huyện Nga Sơn vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xóa đói, giảm nghèo bền vững của địa phương.

Bài và ảnh: Lương Khánh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]