Nét đẹp đình làng kết hợp nhà văn hóa thôn
Đình làng là một biểu tượng của tính cộng đồng, một thiết chế văn hóa tín ngưỡng, trung tâm sinh hoạt văn hóa của cả làng. Nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng, trong quá trình XDNTM, xã Quảng Chính (Quảng Xương) đã có cách làm sáng tạo, đó là kết hợp đình làng với nhà văn hóa thôn.
Đình làng thôn Chính Đa trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của Nhân dân.
Cuộc họp chi bộ ở thôn Chính Đa trong những ngày đầu năm được diễn ra trong không khí sôi nổi, các đảng viên tích cực đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để xây dựng thôn ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, khác với nhiều địa phương, cuộc họp này lại được diễn ra tại đình làng thôn. Ông Phạm Ngọc Hà, Bí thư chi bộ thôn Chính Đa, cho biết: “Không chỉ cuộc họp chi bộ được tổ chức thường xuyên vào ngày mùng 3 hàng tháng, mà bất kỳ sự kiện lớn, nhỏ của thôn đều được tổ chức tại đình. Những năm qua, người dân trong thôn đã kết hợp đình làng với nhà văn hóa là “2 trong 1” và kể từ khi đình làng được đầu tư xây dựng khang trang, Nhân dân được tham gia nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng, đi họp cũng đông đủ hơn, tình làng nghĩa xóm ngày càng được gắn bó, đoàn kết”.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, đình làng Chính Đa có lịch sử trên 600 năm, ở đó đã in đậm dấu tích bao công sức khai phá, tạo dựng của các bậc tiền nhân. Tuy nhiên, trải qua thiên nhiên và những thăng trầm của lịch sử, nghè, đình làng đã bị hư hỏng hoàn toàn. Nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương, trong quá trình XDNTM, khi Nhân dân có nguyện vọng xây dựng lại ngôi đình, xã đã định hướng các thôn nên gắn kết xây dựng đình với nhà văn hóa, vừa dễ huy động sức dân và con em xa quê, vừa đảm bảo không gian văn hóa tâm linh của cộng đồng.
Vì vậy, bằng sự chung tay góp sức, tâm huyết tự nguyện cung tiến, đóng góp của các cá nhân, dòng họ, sau 2 năm thi công, đến năm 2022, đình làng Chính Đa đã hoàn thành quy mô khang trang với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng, trong đó kinh phí xã hỗ trợ 600 triệu đồng. Hiện nay, khuôn viên đình làng được xây dựng rộng rãi, khang trang với đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho các hoạt động đọc sách báo cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đáp ứng đời sống tinh thần của người dân.
Đó cũng là cách làm có hiệu quả tại thôn Phú Lương. Trưởng thôn Phú Lương Lê Đình Liên, cho biết: Trải qua thăng trầm của lịch sử, đình làng đã bị hư hỏng hoàn toàn, được sự hỗ trợ kinh phí của cấp trên, cùng với sự đóng góp của người dân địa phương và con em xa quê, ngày 30/1/2016, đình làng Phú Lương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ các hoạt động của Nhân dân trong làng. Đây là một công trình có ý nghĩa to lớn về đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Một công trình mà bao thế hệ lãnh đạo cùng bà con Nhân dân làng Phú Lương mong ước, nay đã trở thành hiện thực.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Liên cũng như nhiều người dân trong thôn đều khẳng định, từ khi đình làng được đầu tư xây dựng khang trang kết hợp làm nhà văn hóa thôn đã trở thành nơi sinh hoạt quen thuộc của người dân. Mọi cuộc họp của chi bộ, của thôn, các đoàn thể, sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều diễn ra ở đình. Trong không gian ấm cúng, tôn nghiêm, linh thiêng của đình, người dân trong thôn đều nâng cao ý thức, chấp hành nội quy, quy định, đồng thời tích cực tham gia đóng góp các ý kiến để xây dựng thôn, xóm ngày càng đổi mới.
Quảng Chính là một trong những xã tiên phong trong việc gắn kết xây dựng đình làng với nhà văn hóa thôn ở huyện Quảng Xương. Đến nay, có 3/6 thôn của xã đều xây dựng được đình làng khang trang với kinh phí hàng tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa. Ngoài nơi thờ, các đình đều có khuôn viên rộng rãi, nơi hội họp được trang bị đầy đủ các thiết chế văn hóa như: loa, tăng âm, đầu thu hình, bàn ghế... phục vụ Nhân dân đến họp và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.
“Những năm qua, mô hình kết hợp đình làng với nhà văn hóa thôn đã huy động được sức mạnh của cộng đồng, sự đồng thuận của Nhân dân, khi có họp hành hay bất cứ sự kiện nào, bà con ra đình tham dự bao giờ cũng đông đủ. Qua đó đã huy động được sức dân để chăm lo đời sống cho Nhân dân không chỉ trong các công trình cơ sở vật chất văn hóa, mà từ đó còn tạo thành đòn bẩy để địa phương hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu trong năm 2024 đạt xã NTM nâng cao” - ông Hoàng Trọng Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Chính khẳng định.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
{name} - {time}
-
2024-11-22 14:23:00
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7: Vinh danh 58 bộ sách, cuốn sách
-
2024-11-22 11:58:00
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 2): Phía sau danh hiệu
-
2024-02-28 10:25:00
Giữ gìn mỹ quan, thanh tịnh chốn linh thiêng
Văn minh, an toàn trong lễ hội đầu xuân
Tỉnh Thanh Hóa quán triệt, triển khai quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Báo Hong Kong gợi ý du khách đến Đà Nẵng nghỉ dưỡng do diện tích phòng “lớn hơn căn hộ để ở tại Hong Kong”
Biển người đổ lên núi Bà Đen đón tết Nguyên Tiêu và dự đại lễ dâng đăng
Á quân flyboard thế giới tập luyện cho show diễn tại Thị trấn Hoàng Hôn
Nghệ sỹ đa tài Barbra Streisand giành giải Thành tựu trọn đời của SAG
Lễ hội đền Quang Trung trên đảo Nghi Sơn
[Podcast] Truyện ngắn: Thung lũng êm đềm
Bảo tồn văn hóa truyền thống ở Trường THCS Dân tộc nội trú Như Xuân