Muốn dân vận tốt phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” (Bài 2): Nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo
Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, công tác dân vận cơ sở đã được triển khai sâu rộng, với nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu và những cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn.
Phụ nữ thôn Minh Tiến, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc) chăm sóc hàng rào xanh - điểm nhấn của thôn NTM kiểu mẫu. Ảnh: P.V
Lan tỏa những điển hình “Dân vận khéo”
Với nhiều đổi mới về phương thức và nội dung hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng, đem lại hiệu quả tích cực, thời gian qua, nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã và đang mang đến “làn gió mới” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thôn Minh Tiến, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc) hiện có 104 hộ, 469 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm 97%. Trước năm 2016, Minh Tiến là thôn khó khăn nhất của xã với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43%, trình độ dân trí thấp, cơ sở vật chất, hạ tầng khó khăn. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” và nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết Nhân dân, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ở địa phương, đặc biệt là trong XDNTM, NTM kiểu mẫu. Thông qua các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ, người dân đã hiểu và ủng hộ chủ trương đúng đắn của Đảng, chính quyền địa phương, nhiều gia đình trong xã tự nguyện hiến đất nông nghiệp, đất thổ cư, phá dỡ các công trình của gia đình, đóng góp tiền của và công sức để làm mới, mở rộng đường giao thông.
Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Minh Tiến Lê Văn Quân, cho biết: MTTQ, Tổ dân vận thôn đã tích cực vào cuộc vận động Nhân dân hiến đất, hiến công trình, đóng góp công sức tiền của để XDNTM. Nhờ đó, người dân thôn Minh Tiến đã góp 1,2 tỷ đồng; hiến 2.320m2 đất, cây cối, vật kiến trúc, hoa màu; đóng góp hơn 8.000 ngày công để đổ bê tông 3,3km đường, bề rộng từ 5,5 - 7,5m; làm 1,27km mương thoát nước; 3,5km đường điện chiếu sáng; chỉnh trang nhà văn hóa thôn; trồng hoa, cây xanh, hàng rào xanh 3,7km toàn bộ các tuyến đường. Năm 2021, Minh Tiến đạt thôn NTM kiểu mẫu; toàn thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người của năm 2023 đạt 58,2 triệu đồng.
Từ khi được phát động (năm 2009) đến nay, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, tham gia. Đặc biệt, phong trào được tổ chức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, hệ thống dân vận đã thường xuyên đổi mới nội dung, cách thức tổ chức, chú trọng xây dựng các mô hình ở các địa bàn, lĩnh vực khó và nhạy cảm để tạo sự chuyển biến rõ nét trên thực tiễn.
Bước vào thực hiện Nghị quyết 12-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn về “Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn”, xã Dân Quyền gặp rất nhiều khó khăn. Song, với phương châm “Dễ làm trước, hộ đồng thuận làm trước, các đồng chí đảng viên làm trước để Nhân dân làm theo, đối tượng nào, phương pháp ấy”. Đồng thời, lấy gương các thôn làm trước, làm điểm, làm tốt để rút kinh nghiệm; lấy hộ làm tốt, làm trước để động viên những hộ làm sau nhằm lan tỏa và nhân ra diện rộng để rút kinh nghiệm, học tập, tạo khí thế, phát triển thành phong trào thi đua rộng lớn trong toàn xã. Đến nay, xã Dân Quyền đã vận động được hơn 900 hộ dân hiến hơn 18.500m2 đất thổ cư; phá dỡ tường rào, quán, cổng kiên cố, công trình phụ... với tổng trị giá hơn 7 tỷ đồng, hàng nghìn công lao động để mở rộng gần 20,5km đường giao thông nông thôn với bề rộng từ 5 - 6,5m...
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Triệu Sơn, cho biết: “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12-NQ/HU, đến tháng 6/2024, toàn huyện đã hiến được 521km (diện tích đất hiến là 57,6ha), giá trị ước đạt gần 1.300 tỷ đồng, với tổng số 17.713 hộ ở 254/254 thôn (100% số thôn) tham gia. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã hiến được 115km (diện tích đất hiến là 15,8ha), với 559 hộ tham gia. Từ kết quả vận động Nhân dân hiến đất đã rút ra được một số kinh nghiệm quý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong công tác vận động quần chúng, sức mạnh của Nhân dân; công tác dân vận trong tình hình mới, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên”.
Theo thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và nhân rộng được 8.419 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiêu biểu như: “Mô hình thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021-2025” của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; mô hình “Suất ăn 0 đồng dành cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn” của Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; mô hình “Công chức ngành nội vụ với chuyển đổi số” của Sở Nội vụ; mô hình “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và một số chính sách, pháp luật mới thi hành trong cộng đồng dân cư” của Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Lộc; mô hình lúa chất lượng cao quy mô 70ha tại phường Thiệu Dương và xã Thiệu Vân (TP Thanh Hóa); mô hình “Tích tụ đất đai chuyển đổi cây trồng, trồng cây ăn quả”, “Chăn nuôi gia cầm đạt chuẩn VietGAP” của huyện Thọ Xuân; mô hình “Đơn vị dân vận tốt” của Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh... Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã và đang góp phần quan trọng khơi dậy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp Nhân dân; làm cơ sở để tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, làm cho công tác dân vận thực sự đi vào chiều sâu và ngày càng sinh động, tạo sức sống bền lâu và sức lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Hướng tới sự hài lòng của người dân
Với mục tiêu hướng tới xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả để phục vụ người dân tốt hơn, việc thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức, phong cách làm việc, phục vụ Nhân dân trong mỗi cán bộ, công chức (CB, CC) cơ quan, chính quyền cấp xã, được người dân trong tỉnh đồng tình, tin tưởng, đánh giá cao.
Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính được cán bộ bộ phận “một cửa” UBND xã Triệu Thành (Triệu Sơn) hướng dẫn tận tình, chu đáo. Ảnh: P.V
Từ 15 mô hình điểm tại 15 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố (giai đoạn 2021-2022), chỉ sau thời gian ngắn triển khai thực hiện, đã tạo sự chuyển biến rõ nét về tư tưởng, nhận thức, phong cách làm việc, phục vụ Nhân dân trong mỗi CB, CC cơ quan, chính quyền cấp xã, được người dân ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao. Từ những kết quả bước đầu đã đạt được và tính thiết thực của mô hình, hiện toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” tại 416 xã, phường, thị trấn ở 27 huyện, thị xã, thành phố; xây dựng 1 mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” cấp huyện tại UBND huyện Quảng Xương.
Là xã điểm của huyện Cẩm Thủy được Ban Dân vận Tỉnh ủy chọn xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” năm 2022, ngay sau khi ra mắt mô hình, Cẩm Tú đã tập trung tuyên truyền, triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh, của huyện về công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Tú Phạm Văn Tiệm khẳng định: “Mô hình được xây dựng và đi vào hoạt động nhằm xây dựng một chính quyền thân thiện, trọng dân, gần dân, gắn kết, chia sẻ, vì Nhân dân phục vụ; đổi mới tác phong, thái độ, lề lối làm việc của đội ngũ CB, CC cấp xã trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp; từng bước xây dựng, hoàn thiện chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ, góp phần thực thiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương đề ra. Với những nỗ lực thực hiện đúng mục tiêu, đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã đều được giải quyết đúng hạn; trên 96% hồ sơ thủ tục hành chính liên thông cũng được giải quyết đúng hạn. Năm 2023, qua tổ chức lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của Nhân dân đối với công tác tiếp công dân, việc giải quyết thủ tục hành chính và thái độ phục vụ người dân của CB, CC, đã có 1.557/1.636 phiếu (đạt 95,1%) đánh giá hài lòng”.
Theo Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cẩm Thủy Ngô Anh Thúy, với việc cam kết thực hiện tốt nội dung khẩu hiệu “5 biết”, “3 không”, “4 thể hiện”, đại đa số CB, CC, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thực hiện tốt việc giao tiếp, ứng xử với người dân, có thái độ lịch sự đúng mực, gần gũi, thân thiện... Đặc biệt, việc chính quyền các xã, phường, thị trấn gửi Thư xin lỗi, Thư chúc mừng, Thư chia buồn đến người dân làm cho người dân cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời của chính quyền địa phương khi gia đình có việc vui cũng như việc buồn, được người dân đồng tình, tin tưởng và đánh giá cao... Từ hiệu quả thực hiện ở xã Cẩm Tú, đến nay mô hình đã được nhân rộng ở 100% xã, thị trấn của huyện Cẩm Thủy.
Đồng chí Phạm Trọng Dũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết: “Việc xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân ghi nhận, tin tưởng, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong tác phong, lề lối làm việc, nhận thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của CB, CC, từng bước mang đến sự hài lòng cho người dân, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ở các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở. Sự thân thiện của CB, CC chính quyền đã tạo ra tâm lý thoải mái cho người dân, giúp họ cởi mở hơn trong giao tiếp, ứng xử, phối hợp tốt hơn trong giải quyết công việc, làm cho khoảng cách giữa người dân và chính quyền ngày càng xích lại gần hơn, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền”.
Nhóm P.V
Bài cuối: Dân vận - "chìa khóa" trong giải quyết các vấn đề bức xúc, kéo dài.
{name} - {time}
-
2025-01-15 10:07:00
Tăng cường công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo
-
2025-01-15 09:15:00
Nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy: Tỷ lệ hưởng lương hưu được tính thế nào?
-
2024-06-27 15:24:00
Nhịp cầu hữu nghị
Đảng bộ huyện Đông Sơn đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Thiệu Hóa nâng cao chất lượng bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới
Muốn dân vận tốt phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” (Bài 1): Việc gì khó - có dân vận
Xã Thọ Vực: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu từ “Ý Đảng, lòng dân”
Xử lý nghiêm các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm
Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ: Trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng
Giữ sạch "vùng xanh” nơi biên viễn (Kỳ 3): Số phận của những “đại ca”, “ông trùm”
Sức hút từ cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Giữ sạch "vùng xanh” nơi biên viễn (Kỳ 2): Bắt đúng “bệnh”, điều trị đúng “thuốc”