Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn
Thời gian qua, Hội LHPN huyện Bá Thước đã tích cực đẩy mạnh nhiều mô hình, hoạt động có ý nghĩa thiết thực, hướng về cơ sở. Trong đó có mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường học nhằm trang bị cho các em học sinh về kiến thức, kỹ năng thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm, góp phần xóa bỏ hủ tục ở địa phương.
Hội LHPN huyện Bá Thước phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THCS Lương Trung ra mắt CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”.
Em Bùi Thu Trầm, lớp 8C, trưởng nhóm CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường THCS Lương Trung, cho biết: “Trước đây, khi chúng em chưa được tham gia CLB, em và các bạn rất nhút nhát, rụt rè, không biết nhiều kiến thức về phòng, chống bạo lực học đường, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và những việc xảy ra trong cuộc sống, bởi bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có ông bà nên không biết hỏi ai. Song, từ khi được tham gia CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, em và các bạn đã được các thầy, cô trong trường, các đoàn thể trong xã, huyện thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt theo chủ đề và hướng dẫn chúng em nhiều kiến thức và kỹ năng sống”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Lương Trung là một trong những xã nghèo của huyện Bá Thước, 91% dân số là đồng bào dân tộc Mường, có 4 thôn đặc biệt khó khăn. Thầy Cao Văn Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Trung, cho biết: Do điều kiện tự nhiên, đất đai canh tác của xã nuôi các loại cây, con không hiệu quả nên phần lớn phụ huynh học sinh đang trong độ tuổi lao động đều đi làm tại các công ty, nhà máy ở các huyện, tỉnh khác. Do đó, việc giáo dục con em cũng vì thế mà gặp nhiều bất cập, nhất là trong thời buổi công nghệ và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nếu tiếp thu cái xấu rất dễ ảnh hưởng tới sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.
Trước tình hình đó, tháng 12/2023, Hội LHPN huyện Bá Thước đã phối hợp với ban giám hiệu nhà trường thành lập CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, với 30 thành viên là học sinh từ khối 6 đến khối 9 tham gia. Để các hoạt động được triển khai nền nếp và hiệu quả, ban giám hiệu nhà trường giao cho thầy giáo tổng phụ trách đội trực tiếp chịu trách nhiệm hướng dẫn, cùng học sinh xây dựng kế hoạch, tổ chức, triển khai các hoạt động, như: sinh hoạt dưới cờ, truyền thông, chia sẻ thông tin kiến thức bổ sung về tâm lý lứa tuổi, giới tính; bồi dưỡng các kỹ năng sống về tự khám phá nhận thức, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường, cộng đồng; phòng tránh bạo lực học đường, nhận biết nguy cơ bị xâm hại; trau dồi kỹ năng giao tiếp ứng xử trên không gian mạng thông qua các trò chơi, thảo luận nhóm, trình bày và phát biểu ý kiến của mình, thể hiện năng khiếu của bản thân, như múa hát, đóng kịch, vẽ tranh...
Trước các buổi sinh hoạt, các em phải chủ động tìm hiểu nội dung, dẫn trình viên về vấn đề, chủ đề cần thảo luận sao cho sinh động, hấp dẫn. Nhiều học sinh cá biệt khi tham gia CLB đã trở nên có trách nhiệm, làm gương cho các bạn khác học tập. Ngoài ra, các thành viên trong CLB còn là các tuyên truyền viên tuyên truyền những kiến thức tới những học sinh khác trong trường.
Trao đổi thêm về mô hình này với bà Hà Thị Tâm, Phó Chủ tịch LHPN huyện Bá Thước, chúng tôi được biết: Mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là 1 trong 4 mô hình cơ bản trong chương trình của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Hiện nay, Hội LHPN huyện Bá Thước đã phối hợp với ban giám hiệu các nhà trường thành lập được 10 CLB tại 10 trường THCS; mỗi trường đều có 1 dẫn trình viên là thầy, cô giáo tổng phụ trách đội và là người trực tiếp chịu trách nhiệm hướng dẫn, cùng với 30 em học sinh xây dựng kế hoạch, tổ chức, triển khai từng chương trình, dự án nhỏ. Thông qua sinh hoạt CLB đã góp phần trang bị cho các em học sinh kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ an toàn cho chính mình, tạo nên môi trường thuận lợi cho lứa tuổi thanh, thiếu nhi được tham gia vào hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em và bình đẳng giới. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần trang bị cho trẻ em kỹ năng sống, giúp các em tự tin, có thêm kiến thức để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới; tích cực tham gia các hoạt động tại nhà trường và cộng đồng để rèn luyện tính chủ động, tự tin ở trẻ, dám lên tiếng trước các hành vi thiếu chuẩn mực... Từ mỗi buổi sinh hoạt CLB, các em học sinh được khuyến khích, hướng dẫn để trình bày và phát biểu ý kiến riêng của mình. Dần dần hình thành nên thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử đúng đắn, giúp ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, định kiến về giới.
Kỳ vọng CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thể hiện ngay từ chính tên gọi, là giải pháp mang tính lâu dài, giúp thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Các thành viên CLB sẽ là những hạt nhân tiên phong, là lực lượng xung kích khi quay về với thôn bản, giúp cho cộng đồng của chính mình dần xóa bỏ thói quen, nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, hủ tục để cùng nhau vươn lên phát triển.
Bài và ảnh: Tiến Đạt
{name} - {time}
-
2025-01-10 17:27:00
Chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” năm 2025 tại Hoằng Hóa
-
2025-01-10 16:56:00
Phiên chợ đặc biệt dành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
-
2024-12-06 08:27:00
Tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025 - dư luận đồng tình ủng hộ
Từ ngày 10/1/2025 cơ sở dữ liệu về cư trú bao gồm 15 trường thông tin
Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài cuối) - “Lá chắn” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Hưởng ứng chiến dịch 60 ngày - đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công
Bất cập tại các tòa nhà chung cư
Phát triển đô thị xanh, hiện đại, thông minh
Lan tỏa nhận thức, hiểu biết về chăm lo cho người lao động, người yếu thế
Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài 2) - Con dao hai lưỡi!
Ngành Đường sắt đã bán hơn 137.000 vé tàu Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025