Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm vụ đông
Vụ đông năm nay tỉnh Thanh Hóa phấn đấu gieo trồng 47.000ha, ưu tiên cho các loại rau màu, ngô ngọt, ngô làm thức ăn chăn nuôi, dưa chuột... Với quyết tâm đạt mục tiêu cả về diện tích, sản lượng, giá trị kinh tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang khuyến khích người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Sản phẩm dưa chuột baby tại Thị trấn Thiệu Hoá (Thiệu Hoá) được bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Lê Ngọc
Là địa phương có truyền thống thâm canh vụ đông hiệu quả, những ngày này ngay từ sáng sớm, tranh thủ thời tiết tạnh ráo người dân xã Trường Xuân (Thọ Xuân) đã ra đồng chăm sóc cây trồng vụ đông. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác, ngay từ đầu vụ xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, bảo đảm diện tích gieo trồng khoảng 450ha; ưu tiên phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như ngô ngọt, dưa chuột, ớt xuất khẩu, bí, rau màu... Bên cạnh đó, chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động cung ứng giống và phân bón, đôn đốc và hỗ trợ người dân trong các khâu gieo trồng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Nhất là, thực hiện nhiệm vụ là “cầu nối” giữa doanh nghiệp và người dân cũng như trực tiếp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Văn Nguyên cho biết: “Sau khi khắc phục diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do mưa lũ, hiện nay người dân đang tập trung chăm sóc diện tích đã gieo trồng; nhất là diện tích trồng dưa chuột được HTX dịch vụ nông nghiệp và dưa leo Thọ Xuân ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Bên cạnh việc đôn đốc người dân gieo trồng đúng thời vụ, duy trì diện tích, HTX còn chú trọng hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”. Bà Trịnh Thị Thạo, người dân thôn Long Linh Ngoại cho biết: “Tham gia sản xuất dưa chuột, chúng tôi được HTX hướng dẫn quy trình trồng, làm giàn, chăm sóc... Quan trọng nhất là khi thu hoạch, tôi không phải lo đầu ra mà chỉ cần trồng và chăm sóc cho sản phẩm đảm bảo chất lượng là sẽ được HTX thu mua tận ruộng".
Vụ đông năm 2024-2025, huyện Yên Định gieo trồng khoảng 4.800ha cây trồng, trong đó có 1.900ha ngô, hơn 100ha đậu tương, 1.490ha rau đậu các loại... Huyện đã xây dựng kế hoạch có 1.500ha cây trồng được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm, Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai...
Diện tích cây trồng vụ đông tại xã Trường Xuân được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Để việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm có hiệu quả, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất của người dân, đầu tư sửa chữa hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất... Bên cạnh đó, các HTX cũng đã chủ động tìm kiếm thị trường, làm đơn vị trung gian kết nối giữa doanh nghiệp và các hộ dân trong việc thực hiện liên kết sản xuất các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao; đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao trong vụ đông như rau màu, ngô làm thức ăn chăn nuôi, ngô ngọt, ớt, các loại giống bầu, bí, dưa chuột... Đồng thời, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa để tiết kiệm nhân công...
Được biết, vụ đông 2023-2024 toàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm như: Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt, HTX tiêu thụ sản phẩm Toàn Năng Thái Bình... Năm nay, trong bối cảnh thời tiết bất lợi, các địa phương tập trung ưu tiên các loại cây ngắn ngày như ngô ngọt, ngô làm thức ăn chăn nuôi, dưa chuột... và các loại rau màu có giá trị kinh tế cao. Để góp phần bình ổn thị trường, người dân yên tâm sản xuất, các địa phương đã chủ động mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết bền vững và sản xuất theo hợp đồng để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Đồng thời, phát huy vai trò của HTX dịch vụ nông nghiệp trong việc liên kết hợp tác, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện cơ giới hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp; thường xuyên dự báo thị trường tiêu thụ, giá cả hàng hóa nông sản để người dân chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Qua các năm, ngày càng nhiều doanh nghiệp, HTX tham gia vào liên kết chuỗi này, góp phần giải quyết nỗi lo được mùa mất giá của người dân, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp ổn định.
Hiện, thời tiết đang có diễn biến khá thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển; người dân ở các địa phương đang tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất vụ đông.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2025-01-21 10:32:00
Phát triển vùng chè nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu
-
2025-01-21 09:29:00
Doanh nghiệp vận tải tăng cường phương tiện, đảm bảo an toàn cho hành khách dịp tết
-
2024-11-04 12:11:00
HTX do phụ nữ làm chủ
Bản tin Tài chính 4/11: Sau tuần chốt lỗ đậm, giá vàng liệu có biến động?
Hiệu quả từ những khu vườn mẫu
Hậu Lộc nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất vụ đông
Hoằng Hóa đẩy nhanh tiến độ “cán đích” giải ngân vốn đầu tư công
Bản tin Tài chính 3/11: Giá vàng tuần tới được dự báo như thế nào?
Hoằng Hóa làm tốt quy hoạch để du lịch cất cánh
Vướng mắc trong triển khai nhiều dự án trọng điểm
Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2024
Bản tin Tài chính 2/11: Giá vàng đồng loạt giảm, cửa hàng bán vàng nới lỏng quy định mua