(Baothanhhoa.vn) - Khi triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện miền núi Lang Chánh gặp không ít khó khăn, thậm chí phải loay hoay tìm hướng phát triển. Tuy bắt nhịp chậm so với các địa phương khác, song Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, không chỉ gắn với xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Lang Chánh nỗ lực triển khai Chương trình OCOP

Khi triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện miền núi Lang Chánh gặp không ít khó khăn, thậm chí phải loay hoay tìm hướng phát triển. Tuy bắt nhịp chậm so với các địa phương khác, song Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, không chỉ gắn với xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Lang Chánh nỗ lực triển khai Chương trình OCOPKhu trưng bày sản phẩm OCOP và tiền OCOP của Công ty CP Đông Nam dược Miền Trung, xã Đồng Lương.

Ông Lê Quang Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, cho biết: OCOP là chương trình mới nên việc tiếp cận còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tư tưởng, nhận thức của người sản xuất chưa đầy đủ về lợi ích khi tham gia chương trình, quy mô sản xuất hàng hóa của các sản phẩm tiềm năng, lợi thế trên địa bàn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, các sản phẩm chưa đủ tiêu chuẩn, chất lượng và quy mô để phát triển theo chu trình OCOP... Do đó, đến năm 2021, UBND huyện Lang Chánh mới chính thức triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn. Theo đó, huyện đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đưa các chủ thể sản xuất tiêu biểu đi tập huấn, tham quan mô hình sản xuất... nhằm định hướng tư tưởng, cách làm và tạo sức lan tỏa của chương trình đối với Nhân dân.

Khi triển khai thực hiện chương trình, huyện Lang Chánh đã xác định được 13 sản phẩm tiềm năng có khả năng phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có sản phẩm đã được thị trường, người tiêu dùng biết đến, như: Kẹo nhãn Lang Chánh, rượu siêu men lá, cá tầm... Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để khơi gợi sự chủ động của các chủ thể sản xuất với chương trình. Với nỗ lực đó, những khó khăn, vướng mắc ban đầu khi thực hiện chương trình dần được tháo gỡ.

Bà Lê Thị Dần, Giám đốc HTX kẹo nhãn Lang Chánh, cho biết: Sản phẩm kẹo nhãn của huyện Lang Chánh đã được người tiêu dùng biết đến và đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, để phát triển thành sản phẩm OCOP cần có một “cuộc cách mạng” toàn diện. Để trở thành sản phẩm OCOP, UBND huyện đã hỗ trợ các hộ sản xuất thành lập HTX. Các ngành, địa phương, đơn vị tư vấn hỗ trợ HTX thực hiện các tiêu chí, thiết kế bao bì, mẫu mã, marketing cho sản phẩm. Cùng với đó, HTX luôn chú trọng lựa chọn nguyên liệu, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn theo bộ tiêu chí OCOP để tạo ra sản phẩm chất lượng.

Nhờ đó, sản phẩm kẹo nhãn Châu Lang của HTX kẹo nhãn Lang Chánh đã được công nhận là sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao. Hằng năm, bình quân mỗi hộ sản xuất và bán ra thị trường khoảng 3 đến 4 tấn kẹo nhãn, doanh thu khoảng 300 đến 400 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 80 đến 100 triệu đồng/năm/hộ. Điều đáng mừng là sản phẩm không chỉ bán trong huyện mà còn được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.

Không chỉ chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thống trên địa bàn, huyện Lang Chánh còn khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất những sản phẩm mới chuẩn hóa theo tiêu chí của chương trình. Công ty CP Đông Nam dược Miền Trung, xã Đồng Lương là doanh nghiệp mới trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm dược liệu. Khi được tuyên truyền, giới thiệu về chương trình, công ty đã hăng hái chuẩn hóa, nâng tầm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quy định. Bà Trương Thị Sơn, giám đốc công ty, cho biết: Mặc dù mới thành lập năm 2021 song khi được huyện và các ngành giới thiệu về Chương trình OCOP, chúng tôi nhận thấy được những lợi ích trước mắt và những giá trị lâu dài đối với thương hiệu của sản phẩm. Vì vậy, năm 2022, công ty đã mạnh dạn tham gia Chương trình OCOP với 2 bộ sản phẩm là nhang ngải cứu và tinh dầu ngải cứu. Trong đó, thế mạnh của công ty là đã phát triển được vùng nguyên liệu ngải cứu và một số loại dược liệu khác tại địa phương. Ngoài ra, những sản phẩm này đã có thị trường tiêu thụ ổn định và được người tiêu dùng đánh giá cao. Khi tham gia chương trình, địa phương, các ngành có liên quan đã tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động quảng bá nên thị trường tiêu thụ rộng hơn, từ đó nâng tầm giá trị của sản phẩm. Hiện, công ty đã có sản phẩm tinh dầu ngải cứu được công nhận OCOP 3 sao và sản phẩm nhang ngải cứu đang hoàn thiện tiêu chí để tham gia lần đánh giá, xếp hạng tiếp theo.

Huyện Lang Chánh tham gia Chương trình OCOP muộn hơn các địa phương khác trên địa bàn tỉnh hơn 2 năm, song để bắt nhịp với chương trình trên địa bàn tỉnh, UBND huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm hỗ trợ, khơi dậy sự chủ động, sáng tạo của các chủ thể. Đồng thời có cơ chế khuyến khích các chủ thể, như: hỗ trợ 50 triệu đồng/sản phẩm 3 sao, 80 triệu đồng/sản phẩm 4 sao... Tính đến tháng 12-2022, huyện Lang Chánh đã có 2 sản phẩm 3 sao trong chương trình OCOP và xác định được hàng chục sản phẩm tiềm năng. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, huyện phấn đấu có thêm 6 sản phẩm trong năm 2023.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]