(Baothanhhoa.vn) - Cảng Lạch Hới năm 1954-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chưa một lần đặt chân đến nhưng dấu ấn của Người rất đậm sâu. Bởi từ chủ trương đúng đắn sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ, Đảng và Chính phủ biết bao người con miền Nam đã đặt chân lên đất Bắc. Tinh thần đoàn kết Nam - Bắc một nhà mãi mãi là ngọn đuốc soi đường để chúng ta có ngày thống nhất non sông.

Lạch Hới - bến cảng lịch sử

Cảng Lạch Hới năm 1954-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chưa một lần đặt chân đến nhưng dấu ấn của Người rất đậm sâu. Bởi từ chủ trương đúng đắn sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ, Đảng và Chính phủ biết bao người con miền Nam đã đặt chân lên đất Bắc. Tinh thần đoàn kết Nam - Bắc một nhà mãi mãi là ngọn đuốc soi đường để chúng ta có ngày thống nhất non sông.

Lạch Hới - bến cảng lịch sửTại Lạch Hới, cách đây 70 năm, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã đón 45 chuyến tàu, với 79.996 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Chúng ta mỗi người con đất Việt không ai không biết đến bến cảng Nhà Rồng nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu Amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước với một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Đó là ngày 5/6/1911, khi ấy, Người mới 21 tuổi.

Trong vai người phụ bếp, chàng trai Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc thân yêu để mở đầu hành trình tìm đường cứu nước. Chỉ có đôi bàn tay trắng nhưng hành trang của Người thì đầy ắp lý tưởng, hoài bão giải phóng dân tộc thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Chặng đường lênh đênh sóng bể ấy có là gì so với nỗi đau của một người dân bị mất nước, bị nô lệ. Trái tim yêu Tổ quốc, thương dân thiết tha đã dẫn đường cho chàng trai trẻ ấy bước đi, để 30 năm sau, Người trở về, lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đứng lên giành quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

...Trên mảnh đất xứ Thanh giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, có một bến cảng mang đậm dấu ấn chiến lược và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đi vào ký ức và hoài niệm của hàng vạn người.

Sau Hiệp định Giơnevơ, trong khi ở miền Nam, các lực lượng chuyển vào khu tập kết, sẵn sàng lên tàu ra Bắc, thì ở miền Bắc, các địa điểm được lựa chọn đón đồng bào, chiến sĩ tập kết cũng hết sức khẩn trương làm công tác chuẩn bị.

Sau 9 năm kháng chiến gian khổ, cơ sở vật chất của nhiều địa phương miền Bắc bị tàn phá nặng nề, đời sống Nhân dân vô cùng khổ cực. Thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “dốc bồ, đổ thúng”, Thanh Hóa đã huy động đến mức cao nhất sức người, sức của. Trong thời gian của chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động 182.124 dân công gánh bộ và 11.000 dân công vận chuyển xe đạp thồ, 1.500 chiếc thuyền, 120 con ngựa thồ... và kết quả đã vận chuyển tới 50% số lượng lương thực và 40% khối lượng thực phẩm phục vụ chiến dịch. Tuy vậy, cũng như các địa điểm được chọn để đón đồng bào, chiến sĩ tập kết, Nhân dân Thanh Hóa đã phải ăn ngô, khoai, sắn non, rau rừng,... dành những điều kiện tốt nhất để đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, học sinh cùng nhiều gia đình cách mạng miền Nam tập kết.

...Ngày 25/9/1954, tàu Arkhangelsk thực hiện chuyến chuyển quân tập kết đầu tiên, chở đồng bào, chiến sĩ từ Hàm Tân - Xuyên Mộc rẽ sóng tiến vào cửa Lạch Hới trong niềm hân hoan chào đón của Nhân dân Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa.

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ đón tiếp cán bộ chiến sĩ đồng bào miền Nam, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo Ty Thương binh thành lập 12 trạm đón tiếp và mượn nhà dân cho cán bộ, đồng bào và các cháu học sinh miền Nam ăn, ở, sinh hoạt. Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện chuẩn bị lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo, bảo đảm cho đồng bào, chiến sĩ, cán bộ miền Nam có điều kiện sinh hoạt bình thường ngay khi vừa đặt chân lên đất Bắc. Các huyện Quảng Xương, Nga Sơn, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống, Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân đã cung cấp hàng ngàn con trâu bò, lợn, hàng vạn gà, vịt, hàng chục ngàn bộ quần áo, hàng ngàn màn, chăn, áo ấm. Các huyện miền núi Như Xuân, Cẩm Thủy cung cấp hàng vạn cây luồng, nứa, bương, gỗ để xây dựng nhà cửa, lán trại.

Nhớ lại cách đây 70 năm, khi ấy ông Trần Trí Trác là cán bộ Đoàn thanh niên khu xóm Nam, phường Quảng Tiến được giao nhiệm vụ vận động Đoàn viên thanh niên ra đón tiếp, đưa rước, dẫn dắt đồng bào miền Nam lên bờ. Ông Trác kể lại: Các chi bộ Đảng khu vực Sầm Sơn đã huy động Nhân dân của 4 xã xây dựng khu lán A dài 500m, rộng 30m dọc bến xóm Toàn đến Thành Lập; khu lán B nằm về phía tây xóm Phúc; làm con đường luồng từ Sầm Sơn ra bến Hới với hàng chục nghìn cây luồng. Cùng với xây dựng lán trại, các chi bộ Đảng khu vực Sầm Sơn đã chọn hàng chục cán bộ tham gia ban đón tiếp của tỉnh, của trung ương và hàng trăm lao động làm công tác phục vụ.

PGS. TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiêm Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại cái thời ông mới 10 tuổi: “Một mình đi tập kết theo chế độ, lại vừa qua một chặng đường dài trên con tàu Liên Xô gặp bão táp gần cả tuần nôn mật xanh mật vàng, tưởng chết, nhưng khi bước xuống bãi biển Sầm Sơn, sự đón tiếp nồng hậu của bà con đã đưa tôi về cuộc sống thực tại. Tôi nhớ nhất là khi vừa đặt mình vào lán trại làm bằng tre nứa, lợp bằng lá cọ, một chị phục vụ đầu chít khăn mỏ quạ gánh hai thùng cháo đậu xanh đến lán trại, lần lượt múc cho mỗi người một chén đá cháo nóng hổi kèm một thỏi đường phổi hình trái bàng. Bụng đang đói, húp một ngụm cháo, cắn một miếng đường, cảm giác khoan khoái chạy rân khắp người. Một tương lai, cuộc sống mới đang mở ra với tôi trên đất Bắc”.

Trong cuốn hồi ký “Thiếu tướng Trần Văn Niên - Người lính hát trọn khúc quân hành” đã viết về cuộc đời mình, trong đó có giai đoạn ông tập kết ra Bắc: “Tôi không bao giờ quên cái ngày đầu tiên và những bước chân đầu tiên trên đất Bắc. Sầm Sơn, một bãi biển đẹp của tỉnh Thanh Hóa, là một trong những điểm đón tiếp bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc... Chúng tôi được đón tiếp long trọng và cảm động. Bà con hai bên đường vẫy cờ, vẫy hoa như đón người thân mình trở về... Trong suốt thời gian sống trên đất Bắc, đi đến đâu chúng tôi cũng được đồng bào quan tâm, chăm sóc”.

Từ bến cảng ấy, không riêng gì cậu bé Nguyễn Tấn Phát hay Trần Văn Niên mà cuộc đời của nhiều người đã thay đổi. Nghĩa đồng bào làm vơi đi nỗi nhớ nhà, là động lực để họ học tập, cống hiến. Hiếm có một cuộc chuyển quân nào mà khi những con tàu lớn không thể cập cảng nhỏ, đồng bào Sầm Sơn đã dùng hàng chục chiếc thuyền đánh cá, ra áp mạn tàu, đón đồng bào vào bến. Hiếm có tình cảm đồng bào nào khiến người dân sẵn sàng chu cấp đầy đủ chăn màn, áo ấm; cơm không độn khoai sắn; thức ăn có đầy đủ thịt cá, củ, đậu, rau xanh... với mục tiêu bảo đảm cho đồng bào, cán bộ, bộ đội miền Nam có điều kiện sinh hoạt bình thường ngay khi vừa đặt chân lên miền Bắc.

Một không khí như lễ hội tưng bừng mà đồng bào Sầm Sơn dành cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tập kết là dấu ấn không thể phai mờ của cuộc chuyển quân lịch sử.

Không khí ấy được ghi lại rất đầy đủ trong tài liệu báo cáo tình hình đón tiếp quân đội, cán bộ và đồng bào miền Nam từ đầu đến cuối tháng 11/1954 (Trung tâm lưu trữ quốc gia 3): "Được tin có anh chị em ở miền Nam ra, đồng bào nô nức đi đón, có người phải đi xa hàng 2, 3 ngày, nhưng lần đầu có đến 40.000 đồng bào đón. Những lúc bất thường cấp bách như cuộc đón gần 800 anh em, Ban Tiếp nhận trong tháng 10/1954 chỉ biết trước 1 đêm, kết quả tờ mờ sáng đã có trên 20.000 người đứng đợi anh em ở dọc đường. Tuy mưa gió, rét, đồng bào vẫn kiên nhẫn đợi, có chị bế con mới 5 tháng đi đón, nhiều lúc tàu chập chờn vì sóng gió đến chậm, đồng bào vẫn kiên nhẫn đợi. Có ngày ở Sầm Sơn 5.000 - 6.000 quân đội, cán bộ miền Nam lên bờ, việc tiếp đón cũng được chu đáo. Thấy đồng bào đi đón đông như vậy có ảnh hưởng đến việc làm, sau này tổ chức đơn giản hơn, khi có tàu đến thì thiếu nhi và đồng bào các xã lần lượt thay phiên đi đón, nên lúc nào cũng giữ được không khí nồng nhiệt...”.

Kể từ chuyến tàu đầu tiên cập bến ngày 25/9/1954, đến tháng 5/1955, Sầm Sơn đã đón 45 chuyến tàu, với 79.996 người, gồm 47.346 cán bộ, chiến sĩ quân đội, 1.745 thương binh, 5.922 học sinh và 1.443 thân nhân cán bộ và lực lượng khác...

Từ nơi bến cảng này, đã có 1.745 công nhân, 2.636 học sinh và 955 thương binh đã tình nguyện ở lại Thanh Hóa sinh sống và công tác. Số còn lại được chuyển tiếp về các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và Thái Bình.

“Cả đời tôi không thể quên cảm xúc của những năm tháng ấy. Đó là thanh xuân của tôi nhưng đó cũng là vận mệnh của biết bao nhiêu người, là lịch sử thăng trầm của đất nước mình. Từ những chuyến tàu ấy, nhiều người con miền Nam đã học tập, lao động và cống hiến hết mình vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”, ông Trần Trí Trác, cựu Bí thư Đảng ủy phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, xúc động chia sẻ.

Bài và ảnh: BẢO ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]