(Baothanhhoa.vn) - Để cứu vãn sự thất bại thảm hại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, bằng mọi âm mưu, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc “Chiến tranh phá hoại” hòng ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Trong 60 “điểm tắc” trên tuyến giao thông huyết mạch mà Mỹ đã xác định, cầu Hàm Rồng được xem là “điểm tắc lý tưởng”. Vì vậy, Mỹ đã “ưu ái” cho Hàm Rồng bằng một kế hoạch đánh phá kỹ lưỡng với mọi thủ đoạn tàn bạo nhất có thể.

Kỷ niệm 59 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/2024): Hai ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ

Để cứu vãn sự thất bại thảm hại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, bằng mọi âm mưu, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc “Chiến tranh phá hoại” hòng ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Trong 60 “điểm tắc” trên tuyến giao thông huyết mạch mà Mỹ đã xác định, cầu Hàm Rồng được xem là “điểm tắc lý tưởng”. Vì vậy, Mỹ đã “ưu ái” cho Hàm Rồng bằng một kế hoạch đánh phá kỹ lưỡng với mọi thủ đoạn tàn bạo nhất có thể.

Kỷ niệm 59 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/2024): Hai ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ

Cầu Hàm Rồng hiên ngang bắc qua dòng sông Mã. Ảnh: Minh Khôi

Mục tiêu chính của cuộc không kích cầu Hàm Rồng lần này được Mỹ giao cho Tập đoàn Không quân chiến thuật số 2 - “anh cả đỏ” trong lực lượng không quân chiến thuật Mỹ và được trang bị máy bay F105, là loại máy bay tối tân, hiện đại nhất lúc bấy giờ. Loại máy bay này được mệnh danh “thần sấm” bởi dựa vào tiếng gầm rít của nó để uy hiếp đối phương. Theo giới quân sự Mỹ, “khi một lực lượng máy bay thần sấm gầm rú trên đầu, đối phương không còn đủ bình tĩnh để ngắm bắn. Lúc ấy, những chiếc F105 cứ việc bổ nhào từng chiếc một mà ném bom”. Thế nhưng, bọn giặc lái không ngờ được rằng, chính chiến thuật bổ nhào từng chiếc một ấy đã tạo điều kiện cho lực lượng phòng không ở Hàm Rồng nả đạn vào từng chiếc một.

Nắm bắt được âm mưu, thủ đoạn của giặc Mỹ, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, quân và dân Thanh Hóa cùng với bộ đội đã bước vào cuộc chiến với tâm thế chủ động, sẵn sàng đánh bại cuộc “Chiến tranh phá hoại” của Mỹ. Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3/1965, không khí chuẩn bị chiến đấu ở Hàm Rồng vô cùng sôi động. Loa truyền thanh thường xuyên thông báo tình hình địch và truyền lệnh sơ tán triệt để. Hàm Rồng bước vào thử thách mới, chưa hình dung ra được sự ác liệt và tầm vóc chiến tranh tới mức nào, nhưng trong tim khắc sâu lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch: “Tất cả chúng ta hãy đoàn kết triệu người như một. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Kỷ niệm 59 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/2024): Hai ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ

Chiều 3/4/1965, Mỹ huy động số lượng lớn máy bay phản lực và bom đạn oanh tạc cầu Hàm Rồng. Mỗi ngọn núi, dòng sông, công trường, nhà máy đều trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt. Thực hiện phương án tác chiến và phân công nhiệm vụ, pháo 57 ly bắn hiệu quả ở cự ly xa nhất, đến pháo 37 ly, rồi 14,5 ly, súng máy và súng trường..., tất cả đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Lệnh bắn phát ra từ sở chỉ huy, khi chiếc máy bay F105 bắt đầu bổ nhào. Tiếng hô “bắn” truyền lan khắp các trận địa từ bờ Bắc sang bờ Nam, mặc cho trên đầu rất nhiều máy bay gầm rú hòng gây sức ép hù dọa các pháo thủ. Chưa bao giờ có cuộc chạm trán khốc liệt với máy bay Mỹ nhiều đến thế. Các Đại đội 1 pháo 57 ly ở trận địa Đông Tác, Đại đội 4 trên đồi Không Tên, Đại đội 5 ở Đình Hương... chỉ chờ cho địch vào đúng cự ly là bắn. Tại Đại đội 17, pháo cao xạ 37 ly ở trận địa Yên Vực, bom bỏ làm bùn đất vùi lấp trận địa nhưng các pháo thủ vẫn không chịu rời vị trí. Khẩu đội trưởng Mai Đình Gần nhiều lần bị ngất đi, nhưng tỉnh lại vẫn tiếp tục chiến đấu.

Kỷ niệm 59 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/2024): Hai ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ

Trận địa pháo cao xạ bảo vệ Hàm Rồng. Ảnh tư liệu

Cùng với các lực lượng chiến đấu, dân quân thôn Yên Vực phối hợp chặt chẽ theo phương án bắn máy bay đã được luyện tập. Giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt, các đơn vị cần tiếp đạn, không thể để các xạ thủ rời vị trí chiến đấu đi tiếp đạn, chị Nguyễn Thị Hiền đã dẫn đầu tổ dân quân làng Yên Vực chân thoăn thoắt đặt trên thanh ray lao qua cầu tiếp đạn cho bộ đội ta đánh giặc. Chị Ngô Thị Tuyển bất chấp hiểm nguy vác một lúc 2 hòm đạn nặng gần 100kg cho tàu hải quân. Trong cuộc chiến với giặc Mỹ lần này, cả làng Nam Ngạn ra trận. Cụ Ngô Thọ Lạn cùng các con Ngô Thọ Sắp, Ngô Thọ Xếp, Ngô Thọ Đặt, Ngô Thọ Sáu, mỗi người làm một việc, lúc cần họ sẵn sàng thay thế pháo thủ trên tàu chiến đấu. Nhà sư Đàm Thị Xuân tham gia nấu nước, băng bó cho thương binh, dành gian chính điện của chùa làm nơi cấp cứu cho bộ đội.

Ở trên đỉnh núi Ngọc, các chiến sĩ chiến đấu vô cùng dũng cảm. Súng bắn đỏ cả nòng, các anh nhịn uống nước để lấy nước làm nguội nòng súng. Ngay trong ngày đầu tiên chiến đấu, quân và dân Hàm Rồng, Nam Ngạn đã bắn rơi 17 máy bay phản lực của Mỹ, trong đó có cả “thần sấm” F105 lần đầu tiên xuất hiện trên bầu trời miền Bắc. Cả nước náo nức về chiến công của quân, dân Hàm Rồng, Nam Ngạn. Ngay trong đêm đó, đông đảo tự vệ, dân quân các địa phương đã được điều đến các trận địa để tu bổ hầm hào, Bộ Tổng tư lệnh điều động tiếp 3 đại đội pháo 57 của đoàn Tam Đảo hành quân cấp tốc từ phía Tây Nghệ An về Hàm Rồng để chuẩn bị cho một ngày chiến đấu dự báo là ác liệt hơn rất nhiều so với những gì đã diễn ra.

Thất bại trong ngày thứ nhất, ngay sáng hôm sau (4/4), Mỹ huy động hàng trăm chiếc máy bay hiện đại điên cuồng trút hàng nghìn tấn bom đạn xuống Hàm Rồng và những vùng phụ cận. Lực lượng bờ Nam Hàm Rồng lúc này vô cùng mạnh. Đại đội 1, pháo 57 đoàn Tam Đảo nổ súng đánh vào sự ngông cuồng của tên “thần sấm” - F105. Các đại đội khác chờ cho chúng vào cự ly hiệu quả thì nhả đạn. Quân dân Hàm Rồng chưa bao giờ tưởng tượng nổi địch lại dùng nhiều máy bay đến thế. Không cam tâm chịu thất bại, Mỹ điều cả máy bay của binh chủng không quân và hải quân đánh cùng lúc. Thế nhưng, sự hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội cao xạ, không quân, hải quân, tự vệ và dân quân ta đã tạo nên thế trận liên hoàn bủa vây lũ “giặc trời”. Đúng 17 giờ, trận chiến đấu vô cùng ác liệt kết thúc, quân và dân Hàm Rồng, Nam Ngạn đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ. Không ai tin được nhưng đó là sự thật.

Chỉ trong hai ngày 3 và 4/4/1965, Mỹ đã huy động 454 lượt máy bay ồ ạt ném hàng nghìn tấn bom đạn xuống mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 1km2. Thế nhưng, cầu Hàm Rồng vẫn đứng vững hiên ngang, trong khi đó 47 máy bay Mỹ phải bỏ xác. Đây thực sự là “hai ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”, như bình luận của truyền thông Mỹ và phương Tây khi ấy. Còn với quân và dân ta, đó là 2 ngày xác lập kỷ lục cho trận chiến chưa có trong tiền lệ.

Kỷ niệm 59 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/2024): Hai ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ

Trong chiến thắng vang dội ấy, đã xuất hiện những hình ảnh tuyệt đẹp của thế trận chiến tranh Nhân dân. Nhiều tấm gương chiến đấu kiên cường, dũng cảm đã mãi mãi trở thành biểu tượng cao đẹp cho ý chí quyết đánh, quyết thắng của con người Hàm Rồng, Nam Ngạn, của đất và người xứ Thanh. Để hôm nay, sau 59 năm “cuộc đụng đầu lịch sử” diễn ra, tinh thần “quyết thắng” vẫn tạc sâu vào đá núi, Hàm Rồng đi vào lịch sử như một trang huyền thoại đẹp của dân tộc.

Minh Khôi

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Hàm Rồng - biểu tượng của người Thanh Hóa”, Từ Nguyên Tĩnh, NXB Thanh Hóa, 2021).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]