(Baothanhhoa.vn) - Tính đến trung tuần tháng 12–2020, Thanh Hóa đã có 13 xã được công nhận và thẩm định đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (NTMNC). Tại những địa phương này, chính quyền và Nhân dân các xã đều khá thành công trong việc xây dựng các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Kinh tế phát triển cũng chính là tiền đề để các địa phương có nguồn lực tái đầu tư xây dựng và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng xã NTMNC.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển tiêu chí sản xuất tại các xã nông thôn mới nâng cao

Phát triển tiêu chí sản xuất tại các xã nông thôn mới nâng cao

Mô hình trồng cây ăn quả và kinh tế tổng hợp của gia đình ông Hoàng Văn Huê, xã Nga An (Nga Sơn). Ảnh: Lê Đồng

Tính đến trung tuần tháng 12–2020, Thanh Hóa đã có 13 xã được công nhận và thẩm định đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (NTMNC). Tại những địa phương này, chính quyền và Nhân dân các xã đều khá thành công trong việc xây dựng các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Kinh tế phát triển cũng chính là tiền đề để các địa phương có nguồn lực tái đầu tư xây dựng và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng xã NTMNC.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, xã Nga An được công nhận đạt chuẩn NTMNC năm 2020, trở thành một trong 2 xã đầu tiên của huyện Nga Sơn được công nhận. Tính trong năm 2020 này, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt gần 50 triệu đồng. Đây là mức thu nhập khá cao tại khu vực đồng bằng trong tỉnh hiện nay, bởi Nga An là địa phương phát triển mạnh các mô hình sản xuất trong nông nghiệp. Cùng ông Mai Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Nga An, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Hoàng Văn Huê ở thôn 8 cùng xã. Với 1 ha đất đấu thầu tại cánh đồng Làn Dài từ 6 năm trước, gia đình ông Huê đã đào ao, trồng cây ăn quả, diện tích còn lại được chuyên canh bí xanh, mướp đắng và rau màu. Những hàng mít Thái, dừa Xiêm cho quả đều. Dưới bàn tay cần mẫn và kinh nghiệm canh tác tự đúc kết, từng luống mướp đắng, bí xanh chi chít quả. Mùa nào thức ấy, những loại rau màu gối lứa đã mang lại thu nhập liên tục cho gia đình người nông dân này.

Ngoài gia đình ông Huê, tại xã Nga An, có hàng chục gia đình khác cũng trở nên khá giả nhờ biết phát huy tiềm năng đất đai để làm giàu cho gia đình và quê hương. Trên các cánh đồng màu, đủ loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được canh tác nhờ sự năng động vốn có của nông dân địa phương. Khoai tây, bí xanh, măng tây, rau màu trái vụ... được phát triển thành những cánh đồng tập trung, đa phần có hợp đồng liên kết sản xuất – tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tại đây, HTX dịch vụ nông nghiệp địa phương đã phát huy được vai trò “bà đỡ” của nông dân, đứng ra tổ chức sản xuất quy mô lớn, kêu gọi và ký hợp đồng liên kết, bao tiêu đầu ra cho nông sản. Nhiều dịch vụ như: Cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ thủy nông, làm đất, cung ứng giống cây trồng, triển khai mô hình mạ khay – máy cấy... cũng được HTX đảm nhiệm.

Phát triển tiêu chí sản xuất tại các xã nông thôn mới nâng cao

Sản xuất bánh đa nem tại thôn Văn Châu, xã Đông Văn (Đông Sơn).

Được xét đạt chuẩn NTMNC cùng xã Nga An, xã Đông Văn (Đông Sơn) cũng được coi là điển hình trong phát triển tiêu chí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát huy lợi thế của một xã ven đô chỉ cách TP Thanh Hóa hơn 5 km, Đông Văn lại phát triển mạnh các dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Theo thống kê của xã Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới này, hiện trên địa bàn có tới 274 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể và thương mại dịch vụ; 27 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực cùng 2 công ty sản xuất đá ốp lát trên địa bàn đang giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Tại thôn Văn Châu trong xã, nghề truyền thống sản xuất bánh đa nem, làm miến phát triển mạnh. Trên địa bàn xã có tới 2 HTX – là cầu nối để liên kết sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, giúp người sản xuất có đầu ra ổn định. Trong nông nghiệp, tuy diện tích đất trồng trọt không nhiều, nhưng địa phương biết phát triển nhiều hệ thống nhà lưới để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Ở khu vực miền núi, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân đã trở thành điểm sáng trong phát triển sản xuất, vừa được thẩm định hoàn thành 15 tiêu chí của xã NTMNC vào cuối năm 2020. Những năm gần đây, Ngọc Phụng đều có các mô hình liên kết sản xuất trồng trọt theo chuỗi giá trị với tổng diện tích 161 ha. Gần đây, xã còn liên kết với các trang trại bò sữa trong tỉnh, sản xuất cây thức ăn chăn nuôi với diện tích 33 ha. Phong trào xây dựng vườn hộ ở xã miền núi này phát triển mạnh trong nhiều năm qua với tổng số 39 vườn đạt tiêu chí của xã NTMNC. Hiện nay, 25/39 vườn hộ đã được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và bán tự động một cách khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các loại cây ăn quả tại các vườn hộ này cho thu nhập gần 2,7 tỷ đồng mỗi năm, kinh tế các chủ vườn ngày càng khá giả. Các mô hình sản xuất đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người tại xã Ngọc Phụng trong năm 2020 đạt 48,5 triệu đồng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo tại xã miền núi này chỉ còn 1,58%, tương đương 31 trong tổng số 1.959 hộ.

Trên thực tế, hầu như tất cả các xã đã được thẩm định đạt chuẩn và có quyết định công nhận đạt chuẩn xã NTMNC trên địa bàn tỉnh hiện nay đều có thế mạnh trong xây dựng các mô hình sản xuất. Ở đó, ngoài việc định hướng, có cơ chế khuyến khích hiệu quả từ chính quyền xã, thì chính người dân cũng phát huy sự năng động và cần cù của mình, phát triển nhiều hoạt động sản xuất hiệu quả.

Linh Trường


Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]