(Baothanhhoa.vn) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Thanh Hóa đã sớm được kiểm soát. Ngay sau khi thành phố gỡ bỏ giãn cách xã hội và điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai linh hoạt các giải pháp phục hồi, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, theo tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Thanh Hóa đã sớm được kiểm soát. Ngay sau khi thành phố gỡ bỏ giãn cách xã hội và điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai linh hoạt các giải pháp phục hồi, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, theo tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới

Công nhân Công ty CP Sữa Thanh Hóa (đóng tại Khu Công nghiệp Đình Hương – Tây Bắc Ga) trong ca sản xuất.

Công ty TNHH Giày Roll Sport Việt Nam đóng tại Khu Công nghiệp Hoàng Long chuyên sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ. Bình quân hàng năm công ty sản xuất hơn 20 triệu đôi giày, dép. Với quyết tâm không để sản xuất đình trệ, đứt gãy và giảm thiểu sự ảnh hưởng của bệnh dịch COVID-19, ngay sau khi thành phố xuất hiện ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 trong cộng đồng từ ổ dịch Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, Công ty TNHH Giày Roll Sport Việt Nam đã xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, không để bị động trước các tình huống bất ngờ xảy ra. Đồng thời, thành lập 245 tổ an toàn COVID-19, với nhiệm vụ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở công nhân tuân thủ khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế và ký cam kết về phòng, chống dịch bệnh, nhất là thực hiện nghiêm túc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Để bảo đảm sản xuất an toàn, cũng như kịp thời phát hiện nguồn lây, Công ty TNHH Giày Roll Sport Việt Nam còn lắp đặt máy đo thân nhiệt tại cổng ra vào, trang bị dung dịch sát khuẩn, khẩu trang y tế tất cả công nhân. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Giày Roll Sport Việt Nam đã đấu mối với các đơn vị chức năng của TP Thanh Hóa để tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 1 cho 16.560/18.400 cán bộ, nhân viên, người lao động của công ty. Nhờ vậy, trong suốt thời gian qua, các dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Giày Roll Sport Việt Nam không bị đứt gãy. Trong 9 tháng năm 2021, Công ty TNHH Giày Roll Sport Việt Nam sản xuất được gần 15 triệu đôi giày. Công nhân, người lao động được bảo đảm việc làm ổn định, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Khác với Công ty TNHH Giày Roll Sport Việt Nam, trong thời gian TP Thanh Hóa áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mọi hoạt động tư vấn, bán hàng, hỗ trợ dịch vụ sau bán hàng của Công ty CP Thương mại công nghệ G8, phường Điện Biên đều chuyển sang môi trường làm việc online. Tuy nhiên, quá trình duy trì hoạt động vẫn phát sinh những bất cập, đặc biệt là công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa và các dịch vụ xử lý kỹ thuật, công nghệ thông tin cho khách hàng. Vì vậy, ngay khi thành phố gỡ bỏ giãn cách xã hội, toàn bộ nhân viên, người lao động quay trở lại làm việc bình thường, Công ty CP Thương mại công nghệ G8 đã thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ hơn các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt là khi nhân viên, người lao động và khách hàng khi đến công ty đều được đo thân nhiệt, quét mã QR, sát khuẩn và giữ khoảng cách tại nơi làm việc. Thời gian gần đây, nhu cầu thị trường về các sản phẩm máy tính, thiết bị công nghệ tăng đột biến, đây là cơ sở để Công ty CP Thương mại công nghệ G8 đẩy mạnh doanh số, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân viên, người lao động trong những tháng cuối năm.

TP Thanh Hóa hiện có 7.430 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh. Hiện tại, khi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát tốt, thành phố quay trở lại trạng thái bình thường mới, hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, với số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp đạt tỷ lệ từ 95 đến 97%. Cùng với việc triển khai nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh COVID-19 tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, TP Thanh Hóa đã tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đến giữa tháng 9-2021, toàn thành phố đã có 79 lao động của 6 doanh nghiệp và 53 hộ kinh doanh được hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 của Chính phủ về “Một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”, với tổng số tiền là 339,59 triệu đồng. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được duy trì ổn định đã góp phần nâng các chỉ số tăng trưởng về thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Theo báo cáo của TP Thanh Hóa, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong 9 tháng năm 2021 đạt 27.910 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của thành phố duy trì sản lượng tăng khá, như: sản phẩm thủy hải sản đông lạnh đạt 11.122 tấn; quần áo may sẵn sản xuất đạt 72 triệu cái; sản xuất thức ăn gia súc đạt 41.210 tấn; giày da, giày thể thao các loại sản xuất đạt 70 triệu đôi. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại của thành phố cũng diễn ra sôi động, thị trường hàng hóa dồi dào, phong phú về chủng loại đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân, đặc biệt là thương mại điện tử tăng mạnh trong 2 đợt thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19. Qua thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố trong 9 tháng năm 2021 đạt 46.586 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Đáng nói hơn, hoạt động xuất khẩu của thành phố vẫn giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng 45 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, với 28 mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn TP Thanh Hóa vẫn duy trì hoạt động. Nhờ vậy, tổng giá trị xuất khẩu của thành phố đạt 1.298 triệu USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp xuất khẩu với giá trị cao như: Công ty TNHH Sakura đạt 538 triệu USD, Công ty Aleron đạt 382 triệu USD...

Bằng việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với duy trì nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Thanh Hóa không chỉ bảo đảm được các mục tiêu, kế hoạch năm 2021, mà còn bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn công nhân, người lao động trong tỉnh.

Bài và ảnh: Hòa Bình


Bài và ảnh: Hòa Bình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]