Khó khăn trong triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp
Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII tạo nên sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, qua đó góp phần quan trọng hình thành đội ngũ lao động lành nghề, đáp ứng nguồn nhân lực của thị trường lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp những khó khăn, bất cập cần sớm được tháo gỡ.
Học sinh, sinh viên học nghề tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, trong quá trình triển khai thực hiện, hầu hết những vấn đề cơ bản của Luật Giáo dục đã có văn bản hướng dẫn thi hành nhưng trên thực tế một số điểm vẫn còn chung chung hoặc thiếu tính đồng bộ, thống nhất giữa một số văn bản nên trong quá trình triển khai và thực hiện vẫn còn lúng túng. Một số nội dung của Luật GDNN chưa được cụ thể hóa dẫn đến chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay, như: Hệ thống thang bảng lương theo các cấp trình độ đào tạo (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) và tiêu chuẩn kỹ năng nghề chưa có quy định và hướng dẫn để người học sau khi tốt nghiệp và đơn vị tuyển dụng làm căn cứ xếp lương; chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình, hồ sơ, thủ tục để doanh nghiệp được hưởng chính sách khi tham gia đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp... đã hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp vào GDNN. Chưa có chính sách, cơ chế sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo.
Một bất cập nữa là theo quy định, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN thì doanh nghiệp phối hợp liên kết, đào tạo với các cơ sở GDNN có thể đảm nhận tới 40% khối lượng chương trình nếu đơn vị chủ trì yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chế tài quản lý đủ mạnh để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình.
Với các cơ sở GDNN, theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật GDNN quy định: “Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp THCS trở lên là từ 1 đến 2 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo. Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo. Người có bằng tốt nghiệp THCS, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa THPT”. Tuy nhiên, khi các trường tuyển sinh được đối tượng tốt nghiệp THCS (mô hình 9+) vào học trình độ trung cấp gặp khó khăn trong việc đào tạo hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT theo nguyện vọng của học sinh vừa học nghề, vừa học hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia.
Nói về bất cập này, thầy Nguyễn Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn cho biết: Theo quy định của Luật Giáo dục, việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT do trung tâm giáo dục thường xuyên đào tạo. Tuy nhiên, trong thực tế, các trường cao đẳng, trung cấp hiện nay có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, trang thiết bị đào tạo để giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng không được phép đào tạo. Điều này gây khó khăn cho các trường trong tuyển sinh; tăng thêm gánh nặng kinh phí cho các trường; gây khó khăn bất cập cho người học về thời gian, chi phí học tập.
Mặt khác, hiện nay, trong toàn bộ hệ thống pháp luật về Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật GDNN không có điều khoản nào cho phép tốt nghiệp lớp 9 được học thẳng lên cao đẳng, đại học, cũng không có điều khoản nào cho phép chương trình THPT được cắt ngắn, rút gọn (bỏ bớt 7 đến 9 môn học) để trong vòng 1 năm có thể có bằng hoặc chứng nhận tốt nghiệp phổ thông. Cũng không có quy định nào trong luật cho phép bằng tốt nghiệp cao đẳng 9+ được thay thế cho bằng tốt nghiệp phổ thông.
Luật GDNN và Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN (nay là Nghị định số 24/2022/NĐ-CP ngày 6/4/2022 sửa đổi bổ sung các nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN) hiện còn “khoảng trống pháp lý” không có quy định về việc chuyển đổi từ trường trung cấp xuống trung tâm GDNN.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Ngọc Trung, để nâng cao hiệu quả hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, căn cứ vào thực tiễn công tác GDNN, các bộ, ngành Trung ương cần xem xét, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi Luật GDNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho phù hợp với các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về GDNN và với Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019. Ban hành nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN; danh mục ngành, nghề doanh nghiệp sử dụng lao động phải qua đào tạo GDNN.
Sớm ban hành danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo; mở rộng danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia... Như vậy mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở GDNN triển khai các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng theo hướng mở, linh hoạt và vì lợi ích của người học cũng như nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động.
Bài và ảnh: Mai Phương
{name} - {time}
-
2024-12-14 17:19:00
17 năm đồng hành cùng ngành giáo dục xứ Thanh
-
2024-12-14 14:16:00
Xây dựng trường chuẩn quốc gia - tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục
-
2024-10-16 22:40:00
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chào đón tân học sinh, sinh viên
Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa khai giảng năm học 2024-2025
Phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Nâng cao chất lượng các môn nghệ thuật
Bác Hồ với quê Thanh - Tình sâu, nghĩa nặng
Khởi sắc phong trào khuyến học ở vùng đồng bào công giáo
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở Bá Thước
FPT hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường học tại huyện Mường Lát
Quy định mới về điều kiện và thủ tục thành lập trường mầm non
Bùng cháy cảm xúc trong đêm nhạc “We are students”