Nâng cao chất lượng các môn nghệ thuật
Các môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật không chỉ có vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh nâng cao kiến thức văn hóa, mà còn tạo điều kiện để các em bộc lộ, phát triển năng khiếu và hình thành nhân cách. Do đó, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện những cách làm sáng tạo để nâng cao hiệu quả dạy và học các môn này.
Học sinh Trường Tiểu học Quảng Đại (TP Sầm Sơn) trong giờ học môn Âm nhạc.
Cô giáo Đỗ Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Đại (TP Sầm Sơn), cho hay: "Các môn nghệ thuật, cụ thể là Âm nhạc và Mỹ thuật có vai trò quan trọng để giúp học sinh phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Do đó, trong những năm học vừa qua, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dạy học các môn nghệ thuật. Về cơ sở vật chất, nhà trường đã có đủ phòng chức năng dành cho các môn này, trong phòng học được trang bị đầy đủ các trang thiết bị như, đàn, các loại nhạc cụ cơ bản, giá vẽ, màu vẽ, bảng trưng bày sản phẩm mỹ thuật của các em... Ở bậc tiểu học, mỗi tuần, các lớp ở tất cả các khối sẽ được học 1 tiết Mỹ thuật và 1 tiết Âm nhạc. Do đó, nhà trường đã bố trí 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mỹ thuật, đảm bảo yêu cầu dạy và học các môn này. Ngoài ra, để các em có cơ hội thực hành, trải nghiệm thêm, nhà trường thường xuyên tổ chức các sân chơi, hoạt động ngoài giờ, như sinh hoạt các câu lạc bộ nghệ thuật, tạo điều kiện cho các em tham gia vào các cuộc thi do ngành giáo dục của huyện, tỉnh và của Bộ Giáo dục tổ chức. Từ đó, tạo dựng môi trường để các em phát huy năng khiếu nghệ thuật của mình một cách hiệu quả".
Cô giáo Lê Thị Thủy, giáo viên dạy môn Âm nhạc, Trường Tiểu học Quảng Đại (TP Sầm Sơn), chia sẻ: "Những giờ học Âm nhạc mang đến cho học sinh khá nhiều hứng thú, bởi môn học này mang lại cảm giác thoải mái, vui tươi sau những giờ học văn hóa căng thẳng. Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, để giảng dạy tốt môn Âm nhạc, giáo viên cũng phải thường xuyên cải tiến đổi mới phương pháp để tiết dạy luôn sinh động đúng với tính chất “Học mà vui, chơi mà học”. Chẳng hạn, đối với tiết dạy hát cần phát huy tính sáng tạo của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Đối với tiết học tập đọc nhạc cần có sự đổi mới trong dạy ký hiệu âm nhạc, không để tình trạng học sinh học vẹt...".
Tại Trường Tiểu học và THCS Newton TH (TP Thanh Hóa), bà Bùi Thị Vĩnh, trợ lý ban giám hiệu nhà trường chia sẻ: Hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật được đánh giá là rất cần thiết, bởi đó là một trong những phương tiện hữu hiệu giúp học sinh phát triển đầy đủ về tư duy thẩm mỹ và góp phần không nhỏ cho việc thực hiện toàn diện các nhiệm vụ giáo dục của nhà trường. Do đó, nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư trang thiết bị, bố trí đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng 2 môn này. Hiện tại, nhà trường có 2 phòng học mỹ thuật, 2 phòng âm nhạc, 2 phòng đàn dạy âm nhạc. Nhà trường cũng đã bố trí 2 giáo viên âm nhạc, 2 giáo viên mỹ thuật. Để khơi dậy thêm niềm đam mê, phát triển năng khiếu cho học sinh, và tạo điều kiện cho các em được giao lưu, học hỏi ngoài giờ học trên lớp nhà trường còn tổ chức thêm các câu lạc bộ đàn piano, câu lạc bộ mỹ thuật ngoài giờ chính khóa thu hút học sinh tham gia học".
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn nghệ thuật như Mỹ thuật, Âm nhạc được đưa vào giảng dạy ở tất cả các bậc học, từ tiểu học đến THPT. Hầu hết các nhà giáo tại các trường học trong tỉnh đều khẳng định tầm quan trọng của các môn học nghệ thuật, bởi giúp cho học sinh phát huy được sở trường, sở thích, năng khiếu của mình. Các môn này cũng góp phần phát triển năng lực, tư duy của học sinh một cách toàn diện và đáp ứng tốt yêu cầu của giai đoạn định hướng nghề nghiệp trong tương lai của các em. Do đó, các trường học trong tỉnh đã chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa... đáp ứng nhu cầu giảng dạy các môn học này. Tuy nhiên, do là môn học đặc thù nên cũng có không ít trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất cũng như thiếu giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật... Do đó, để đảm bảo cho việc dạy và học các môn nghệ thuật nhiều ý kiến cho rằng cần hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, các nhà trường để sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất cũng như bố trí đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2025-01-15 08:01:00
Quy định mới về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục
-
2025-01-14 15:09:00
Phát triển đảng viên trong học sinh để tăng sức chiến đấu cho Đảng
-
2024-10-14 14:44:00
Bác Hồ với quê Thanh - Tình sâu, nghĩa nặng
Khởi sắc phong trào khuyến học ở vùng đồng bào công giáo
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở Bá Thước
FPT hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường học tại huyện Mường Lát
Quy định mới về điều kiện và thủ tục thành lập trường mầm non
Bùng cháy cảm xúc trong đêm nhạc “We are students”
Khi con trẻ “quay cuồng” với học thêm
Không đơn giản chỉ là sai thì sửa
Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa trao bằng tốt nghiệp chính quy cho 587 sinh viên
Thu hút đầu tư vào hệ thống giáo dục ngoài công lập vẫn khó