Khắc phục khó khăn trong đầu tư các cụm công nghiệp
Theo phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thanh Hóa được quy hoạch phát triển 126 CCN, với tổng diện tích sử dụng đất là 5.893,65ha. Trong đó, giai đoạn 2021-2030 quy hoạch phát triển 115 CCN, với tổng diện tích 5.267,25ha. Nhiều CCN hoàn thiện đi vào hoạt động không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng giá trị công nghiệp, mà còn tạo nhiều việc làm cho lao động tại các địa phương.
Một góc CCN Bắc Hoằng Hóa.
Để phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, quan tâm phát triển các khu, CCN tập trung, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực, nhà đầu tư. Bên cạnh phát huy các ngành nghề truyền thống như: Cơ khí, chế tạo, đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản... tỉnh đã định hướng phát triển CCN ở nhiều địa phương để thu hút lĩnh vực công nghiệp sạch, công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh có 45 CCN đang thực hiện đầu tư, với tổng diện tích 1.584,89ha, vốn đầu tư đăng ký 11.216,9 tỷ đồng. Hiện nay, có 5 CCN đã cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng CCN hoặc theo giai đoạn; đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và được cấp giấy phép môi trường, như: CCN Bắc Hoằng Hóa, CCN Thái Thắng (Hoằng Hóa); CCN Hòa Lộc (Hậu Lộc); CCN thị trấn Quán Lào (Yên Định); CCN thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa). Ngoài ra, còn có 29 CCN đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư để đưa vào hoạt động...
CCN Điền Trung (Bá Thước) được thành lập và giao đất vào cuối tháng 12/2023 với diện tích 34,5ha, Công ty TNHH Bảo Ôn Hoa Năng làm chủ đầu tư với ngành nghề hoạt động sản xuất các mặt hàng: may mặc, giày da, túi xách, đồ gỗ mỹ nghệ, sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phân bón, sản xuất thức ăn chăn nuôi, công nghiệp cơ khí, mây tre đan xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng... Được biết, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào CCN Điền Trung, UBND huyện Bá Thước đã phối hợp với Công ty TNHH Bảo Ôn Hoa Năng thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, huyện tích cực hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính và kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh. Công ty TNHH Bảo Ôn Hoa Năng đang tập trung mọi nguồn lực hoàn thành việc xây dựng kết cấu hạ tầng. Khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình đầu tư hạ tầng các CCN đang còn nhiều khó khăn, tồn tại rất cần có sự vào cuộc, gỡ khó từ các sở, ngành, địa phương. Cụ thể, số CCN đã hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường còn ít; một số CCN được quy hoạch khi đã có cơ sở hoạt động hiện hữu, nhưng chưa có nhà đầu tư hạ tầng, chưa đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom nước mưa và nước thải riêng biệt, chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu tập kết tạm thời chất thải rắn dẫn đến có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các CCN còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, nhất là công tác quản lý, giám sát sau đầu tư của các dự án sản xuất, kinh doanh dẫn đến hoạt động quản lý Nhà nước về công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn... Quan điểm của tỉnh là đồng hành, chia sẻ cùng chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhưng cũng sẽ kiên quyết xử lý, thu hồi đối với những dự án chủ đầu tư vẫn cố tình chây ỳ, chậm trễ thực hiện. Cụ thể đã có 2 CCN bị thu hồi dự án là CCN số 2 thị trấn Quán Lào (Yên Định) và CCN Phúc Thịnh (Ngọc Lặc), và tạm dừng đầu tư CCN Hoàng Sơn (Nông Cống).
Để đưa các CCN hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều nhà đầu tư vào hoạt động, hiện nay các ngành, các địa phương đang tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật trong đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư; rà soát, theo dõi hoạt động đầu tư vào các CCN và xử lý các vi phạm đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai theo kế hoạch, tiến độ cam kết hoặc sản xuất, kinh doanh không đúng với mục đích sử dụng đất. Các địa phương có CCN chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; tăng cường công tác quản lý đầu tư của các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật. Kiểm tra, xử lý các vi phạm; đẩy nhanh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.
Bài và ảnh: Lương Khánh
{name} - {time}
-
2025-04-20 08:28:00
“Đổi mới sáng tạo” - Động lực bứt phá thương hiệu
-
2025-04-18 14:27:00
Đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp
-
2025-04-18 09:50:00
Công ty LogoGift: Tối ưu ngân sách quà tặng với giải pháp sáng tạo
Trang trại tuần hoàn không rác thải
Thủy điện Trung Sơn sẵn sàng áp dụng chuyển đổi số vào các dự án đầu tư xây dựng
Nhiều chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp
Lễ tôn vinh hợp tác xã tiêu biểu và trao giải Ngôi sao Hợp tác xã
Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước
Dịch vụ in túi nilon giá rẻ, chất lượng tại Công ty In Bao bì giá rẻ Hà Nội
Quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện