(Baothanhhoa.vn) - Từ thuở bình minh của dân tộc, xứ Thanh đã khảm những dấu son chói lọi vào lịch sử với bao chiến công lẫy lừng. Trong đó, Hàm Rồng chiến thắng (3 và 4/4/1965) là một trong những quãng ngân rung hào hùng nhất trong bản anh hùng ca ấy. Điều đáng trân trọng hơn tất thảy, những trang sử hào hùng, những bản anh hùng ca xứ Thanh được viết nên bởi lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm, kiên cường chiến đấu của lớp lớp thế hệ người dân vốn chỉ quen tay cuốc tay cày, sống đời “giản dị và bình tâm”.

Huyền thoại Hàm Rồng

Từ thuở bình minh của dân tộc, xứ Thanh đã khảm những dấu son chói lọi vào lịch sử với bao chiến công lẫy lừng. Trong đó, Hàm Rồng chiến thắng (3 và 4/4/1965) là một trong những quãng ngân rung hào hùng nhất trong bản anh hùng ca ấy. Điều đáng trân trọng hơn tất thảy, những trang sử hào hùng, những bản anh hùng ca xứ Thanh được viết nên bởi lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm, kiên cường chiến đấu của lớp lớp thế hệ người dân vốn chỉ quen tay cuốc tay cày, sống đời “giản dị và bình tâm”.

Huyền thoại Hàm Rồng

Nữ AHLLVTND Ngô Thị Tuyển (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa). Ảnh: H.T

Những ngày tháng 4 lịch sử đưa chúng tôi về bên dòng Mã giang êm đềm nước chảy, về với vùng đất Hàm Rồng - sông Mã lừng lẫy chiến công. Trên mảnh đất này 60 năm về trước, cô dân quân Ngô Thị Tuyển đã dũng cảm ghé vai vác hai hòm đạn nặng 98kg, nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể mình băng qua làn mưa bom bão đạn để kịp thời tiếp viện cho bộ đội đánh Mỹ.

Những ký ức không thể nào quên trong hai ngày giặc Mỹ điên cuồng đánh phá Hàm Rồng hiển hiện chân thực qua lời kể: “Đó là những ngày giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nhằm thực hiện chiến tranh phá hoại. Chúng xác định mục tiêu đầu tiên là các cây cầu, kho vũ khí, đạn dược... Cầu Hàm Rồng là một trong những mục tiêu đánh phá quan trọng nhằm “cắt đứt” mạch máu giao thông, ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Làng tôi lúc bấy giờ cũng như những ngôi làng khác, con trai thì xông pha lên đường nhập ngũ, hành quân vào chiến trường. Đàn bà, con gái thì ở lại quê hương vừa lao động sản xuất vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu”.

Ở độ tuổi 19, với tình yêu nước nồng nàn, trái tim tràn đầy nhiệt huyết, cô dân quân Ngô Thị Tuyển hăng hái xông pha, không ngại khó, không sợ khổ, chỉ mong góp chút công sức nhỏ giúp bộ đội đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Khoảnh khắc cô dân quân cao hơn 1,4m, nặng 42kg nhanh nhẹn ghé vai vác hai hòm đạn nặng 98kg, gấp đôi trọng lượng cơ thể đã trở thành biểu tượng đẹp cho ý chí, bản lĩnh, khí phách của phụ nữ Việt Nam – “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Bà Tuyển chia sẻ về khoảnh khắc ấy: “Từ chiều ngày 3/4/1965, từng tốp máy bay phản lực của địch như những con chim sắt hung hãn bổ nhào cắt bom, đánh phá cầu Hàm Rồng. Và cứ thế, trong hai ngày 3 và 4/4/1965, khu vực Hàm Rồng – Nam Ngạn đêm ngày không ngớt tiếng gào rú của máy bay địch. Bộ đội ta chiến đấu suốt nhiều giờ, quyết không khoan nhượng. Ngày 4/4/1965, trong khi làm nhiệm vụ, tôi gặp 1 tàu hải quân đang chiến đấu, yêu cầu được tiếp đạn. Khi đến chỗ nhận đạn để tiếp tế thì có 2 hòm đạn bị móc chặt vào nhau, anh em dùng thuổng cố hết sức tách ra mà không được. Chiến sự ngày càng căng thẳng, nếu cứ tiếp tục chậm trễ thì bộ đội ta có thể gặp nguy hiểm. Nghĩ vậy, tôi đề nghị: “Các anh cứ đưa lên vai em vác”. Khi đó, mấy anh còn hỏi lại: “Em có làm được không?”. Tôi kiên định trả lời: “Các anh yên tâm. Em làm được” rồi cứ thế vác hai hòm đạn vượt đê tiếp tế xuống tàu cho bộ đội hải quân chiến đấu”.

“Động lực nào khiến bà có thể làm được điều phi thường như thế?” - Câu hỏi khiến bà Tuyển cười hiền, nói: “Động lực lớn nhất lúc bấy giờ là tình hình chiến sự căng thẳng; là biết bao nỗ lực, cố gắng của quân và dân Thanh Hóa đang ngùn ngụt ý chí chiến đấu. Mình cũng là con dân Hàm Rồng - sông Mã, mình phải dốc lòng dốc sức để bảo vệ quê hương. Tôi tin rằng, bất kỳ ai ở đó lúc bấy giờ cũng đều có thể vác được. Tôi thấy trước thì vác trước vậy thôi. Trong mưa bom bão đạn, ai thấy việc gì sẽ tham gia tích cực. Bản thân tôi lúc đó cũng đâu biết hai hòm đạn ấy nặng 98kg, sau này mới được nghe nói lại. Mình cứ vác đi như thế, tâm niệm sao cho nhanh chóng để tiếp đạn kịp thời cho bộ đội”.

Sự kiện cô dân quân Hàm Rồng - Nam Ngạn xông pha vác 2 hòm đạn nặng 98kg nhanh chóng lan tỏa khắp trận địa. Hành động phi thường ấy khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, một số phóng viên nước ngoài tìm gặp, đề nghị bà Tuyển tái hiện lại cảnh đó. “Khi nhận được lời đề nghị, tôi không nghĩ nhiều. Tôi chỉ muốn chứng minh cho họ thấy cái tinh thần, ý chí quyết tâm bảo vệ cầu Hàm Rồng đã chuyển hóa thành hành động, thành những chiến công vang dội như thế nào. Vì vậy, tôi gắng sức vác 1 bao gạo và 1 bao khoai tây có trọng lượng 105kg, vượt cả trọng lượng 2 hòm đạn”.

Sau ngày 3 và 4/4/1965 ấy, bà trở về với tay cày tay cấy, tiếp tục nhiệm vụ vừa lao động sản xuất vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Ngày 26/5/1965, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển được kết nạp Đảng khi tuổi đời còn khá trẻ. Năm 1967, bà là một trong các đại biểu được tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, vinh dự ngồi ghế chủ tịch đoàn. Tại đại hội, lần đầu tiên bà Tuyển được gặp mặt Bác Hồ, được nghe Bác ân cần hỏi han, trò chuyện. Bà Tuyển xúc động nói: “Đã là con cháu nước Việt Nam, ai cũng mang trong lòng tình yêu mến, trân trọng dành cho Bác. Bác giản dị, gần gũi. Chính tình yêu mến, kính trọng dành cho Bác là một trong những động lực lớn lao để quân và dân ta nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ cầu Hàm Rồng, đánh đuổi giặc Mỹ”. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ cầu, năm 21 tuổi, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển đã được trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND).

Giờ đây, mặc dù tuổi đã cao, mỗi khi có ai hỏi về sự kiện ngày 3 và 4/4/1965, bà Tuyển như sống lại với sự nhiệt huyết, hăng hái năm nào. Dẫu sức khỏe có phần giảm sút; ngay cả khi những cơn đau cột sống “hành” cho tái mặt, bà Tuyển vẫn khẳng định chắc nịch: “Nếu thời gian quay trở lại, tôi vẫn quyết định lựa chọn và hành động như thế. Địch đánh ác liệt quá thì ta phải chiến đấu, không thể

khác được”.

Trong suốt câu chuyện, AHLLVTND Ngô Thị Tuyển không thôi nhắc về những cá nhân, tập thể anh hùng và cả những mất mát, đau thương của quân và dân ta ở cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng. Bà nhắc chuyện gia đình cụ Ngô Thọ Lạn cùng các con Ngô Thọ Sắp, Ngô Thọ Xếp, Ngô Thọ Đặt, Ngô Thọ Sáu đồng tâm chiến đấu, phục vụ chiến đấu; bà Lê Thị Dung hy sinh dũng cảm khi hiệp đồng tác chiến với hải quân ta; nhà sư Đàm Xuân trụ trì chùa Mật Đa dỡ nhà làm hầm trú ẩn cho bộ đội, lấy cánh cửa chùa làm cáng cứu thương... Từ những con người cụ thể đến tập thể anh hùng: Dân quân Yên Vực chèo thuyền vượt sông Mã tiếp đạn dược cho bộ đội cao xạ; dân công làng Hạc Oa không quản nguy hiểm tiếp đạn, tiếp lương cho trận địa cao xạ đồi 75, C4, Quyết Thắng, Không Tên; các mẹ, các chị trong làng Đông Sơn nấu cơm đưa ra trận địa pháo cho bộ đội; 7 cô gái làng Yên Vực quả cảm chở hàng trăm lượt thuyền đạn vượt sông Mã sang bờ Nam cầu Hàm Rồng chi viện cho bộ đội...

Mang theo những câu chuyện về một thời Hàm Rồng - Nam Ngạn anh dũng đánh giặc Mỹ, vừa qua, bà Tuyển đã tham dự buổi gặp mặt toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các nữ AHLLVTND, nữ Anh hùng Lao động, nữ tướng do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm 1.985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 115 năm Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nữ AHLLVTND Ngô Thị Tuyển đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình trên mảnh đất Hàm Rồng - Nam Ngạn. Đất và người vang mãi chiến công...

Khoa Trần



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]