Hướng tới phát triển ngành thủy sản bền vững
Đường bờ biển dài 102km, diện tích mặt nước, ao hồ lớn và hệ thống tàu thuyền khai thác được trang bị thiết bị hiện đại... là những điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản. Nhiều năm qua, tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển đồng bộ cả khai thác và nuôi trồng nhằm hướng tới ngành thủy sản theo hướng bền vững.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Lộc (Hậu Lộc).
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Thanh Hóa có trên 6.052 tàu cá khai thác hải sản, trong đó có 1.094 tàu khai thác xa bờ. Nhiều tàu cá được trang bị các loại máy điện tử hàng hải hiện đại như máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc; công nghệ và phương tiện khai thác, bảo quản ngày càng tiên tiến, thuận lợi cho việc bám biển dài ngày tìm kiếm ngư trường mới. Nhờ đó, sản lượng hải sản tăng, đời sống của lao động hoạt động trong lĩnh vực được nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Quang Vinh, chủ tàu TH-91508-TS phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) cho biết: "Trước đây, người dân phát triển nghề đánh bắt hải sản theo phương pháp thủ công, truyền thống nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau khi được hỗ trợ, hướng dẫn lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại vào hoạt động khai thác, thời gian hoạt động trên biển dài hơn. Nhờ đó, sản lượng hải sản tăng lên, hiệu quả kinh tế và thu nhập của ngư dân cũng được nâng cao".
Không chỉ hỗ trợ ngư dân nâng cao trình độ, hiệu quả khai thác hải sản mà thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi tư duy sản xuất của ngư dân từ phát triển nghề khai thác truyền thống, tự phát sang khai thác có trách nhiệm. Nhất là thực hiện nghiêm quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định.
Dự báo của cơ quan chuyên môn cho thấy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hoạt động khai thác tận diệt của ngư dân nên sản lượng hải sản sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, để bù đắp sản lượng hải sản trong điều kiện khai thác được dự báo ngày càng khó khăn, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi trồng ở cả 3 loại hình: nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Theo đó, người dân đã đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS), khai thác hiệu quả diện tích mặt nước khu vực cửa lạch, đảo, hồ thủy điện, thủy lợi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng nuôi cá lồng tập trung tại một số địa phương như thị xã Nghi Sơn; các huyện Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy... với khoảng 6.000 lồng nuôi. Trong đó, nuôi biển khoảng 3.900 lồng và nuôi nước ngọt 2.100 lồng, sản lượng hằng năm đạt hơn 2.000 tấn. Nghề nuôi cá lồng đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của Nhân dân vùng nông thôn và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Cùng với đó, Thanh Hóa luôn duy trì ổn định diện tích nuôi ngao 1.000ha, nuôi tôm 4.100ha. Diện tích nuôi trồng không tăng nhưng sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng đáng kể nhờ việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Bà Ngọ Thị Lanh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc, cho biết: "Xác định việc phát triển NTTS nước ngọt, nước lợ là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của huyện, nên bên cạnh những chính sách hỗ trợ chung của tỉnh, huyện Hậu Lộc cũng hỗ trợ phát triển NTTS như: Đầu tư kết cấu hạ tầng ở các vùng nuôi tập trung, hỗ trợ tập huấn cho người dân về NTTS bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng... Nhờ đó, đến nay, Hậu Lộc đã có hơn 1.740ha NTTS, trong đó, có khoảng 240ha NTTS tập trung chuyên canh tại các xã Đa Lộc, Xuân Lộc, Hòa Lộc được đầu tư ban đầu về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông".
Không chỉ tại Hậu Lộc mà hầu hết các địa phương ven biển của tỉnh, ngành khai thác và NTTS đều được đầu tư phát triển khá toàn diện. Vì thế, trong bối cảnh ngành thủy sản cả nước nói chung đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song 3 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất của ngành thủy sản toàn tỉnh đạt 1.697 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, ngành thủy sản của tỉnh cũng đang đối mặt nhiều khó khăn do hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ; ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường; chế biến chưa sâu; khai thác, nuôi trồng nhỏ lẻ... Đây là những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến sự phát triển, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Để phát triển bền vững ngành thủy sản, ngày 5/6/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, ngành thủy sản của tỉnh được định hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững, gắn với chế biến và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phục vụ mục tiêu quốc phòng. Đồng thời, khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi hợp lý để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2024-12-24 17:10:00
Phối hợp tuyên truyền thực hiện các chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn và nông dân
-
2024-12-24 14:43:00
Tập trung sản xuất rau màu, đảm bảo chủ động nguồn cung
-
2024-03-31 21:29:00
Nuôi ốc nhồi cho lợi nhuận gần nửa tỷ đồng mỗi năm
Bà Rịa - Vũng Tàu đột phá, tiên phong vì mục tiêu, khát vọng phát triển thịnh vượng
Lan tỏa câu chuyện chuyển đổi số
Người duy nhất còn sản xuất giống tôm - cua ở Nga Sơn
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi: Doanh nghiệp, HTX xây dựng sản phẩm đặc sản khu vực miền núi
Nhiều khó khăn trong nâng hạng sản phẩm OCOP
Kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước
Bản tin tài chính 29/3/2024: Giá vàng tăng điên cuồng lập kỷ lục mới
Hà Trung ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông
Thọ Xuân phát triển doanh nghiệp tạo nhiều việc làm cho người lao động