(Baothanhhoa.vn) - 60 năm đã trôi qua, cây cầu nhỏ vắt ngang dòng sông Mã vẫn hiên ngang. Mảnh đất Hàm Rồng nói riêng, TP Thanh Hóa nói chung đã và đang viết tiếp bài ca xây dựng và phát triển trong thời bình.

Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 3): Khúc ca ngày mới

60 năm đã trôi qua, cây cầu nhỏ vắt ngang dòng sông Mã vẫn hiên ngang. Mảnh đất Hàm Rồng nói riêng, TP Thanh Hóa nói chung đã và đang viết tiếp bài ca xây dựng và phát triển trong thời bình.

Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 3): Khúc ca ngày mới

Ngày nay, cầu Hàm Rồng đã trở thành “địa chỉ đỏ” trên hành trình du lịch về nguồn. Ảnh: HT

Vùng đất Hàm Rồng - sông Mã, dẫu thời chiến hay thời bình, vẫn luôn mang trong mình những giá trị riêng có. Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú với vẻ đẹp hài hòa của rừng, núi, sông và nguồn tài nguyên du lịch nhân văn nổi bật về mặt số lượng và giá trị, vùng đất này là cái nôi của loài người, cái nôi của nền văn minh sông Mã hình thành cùng với lịch sử dựng nước, giữ nước. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Hàm Rồng là đầu mối giao thông nội địa quan trọng của cả nước, gánh vác sứ mệnh lịch sử đặc biệt.

Sự hòa quyện giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ với truyền thống văn hóa, lịch sử đã tạo nên bản sắc riêng, nổi trội, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của TP Thanh Hóa. Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, tiếp nối ý chí, tinh thần cách mạng vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước, với sự năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Hàm Rồng luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua lao động sản xuất, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội... góp phần đưa bộ mặt của phường ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trong đó, nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, giá trị cảnh quan, lịch sử - văn hóa, việc quan tâm đầu tư, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch Hàm Rồng theo hướng bền vững, lấy dịch vụ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực cho phát triển luôn được chú trọng”.

Những trăn trở cùng bao tâm huyết, nỗ lực của các cấp, các ngành đối với sự phát triển của “mảnh đất rồng ngự” này được thể hiện rõ nét qua những lần quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, các chương trình, kế hoạch thúc đẩy du lịch của tỉnh, thành phố mà Hàm Rồng là một trong những điểm nhấn quan trọng. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg về việc “phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa”. Tháng 4/2018, UBND tỉnh đã có Quyết định 1259/QĐ-UBND “phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu 1/2000 khu vực Hàm Rồng - núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc TP Thanh Hóa”. Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, UBND thành phố cũng ban hành nhiều kế hoạch phát triển du lịch, sản phẩm du lịch, trong đó xác định lấy Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng làm trung tâm...

Đặc biệt, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg, ngày 17/3/2023 đã mở ra dư địa mới cho sự phát triển của cả một vùng Hàm Rồng - núi Đọ. Trên cơ sở kế thừa phần lớn nội dung quy hoạch đã được duyệt, đặc biệt đối với TP Thanh Hóa là ý tưởng thành phố 2 bên sông Mã và hướng liên kết với vùng ven biển tiếp tục được khẳng định và làm rõ nét hơn. Quy hoạch lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị “3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác sâu rộng, quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 nhấn mạnh việc bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất và hệ thống cảnh quan sinh thái đặc sắc gồm các vòng cung đồi núi Hàm Rồng, núi Đọ, Rừng Thông, An Hoạch, Mật Sơn, Hoàng Nghiêu chạy giữa cảnh quan đồng bằng và mạng lưới sông hồ, mặt nước vốn có của khu vực. Trong đó, Hàm Rồng - núi Đọ sẽ là 1 trong 6 trung tâm với chức năng trọng tâm là trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái. Những yếu tố lịch sử - văn hóa được khơi dậy, tô đậm hơn trong những nỗ lực kiến tạo thành phố hội tụ - kết nối - phát triển - giàu bản sắc.

Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 3): Khúc ca ngày mới

“Vùng đất lửa” Hàm Rồng đang từng ngày phát triển. Ảnh: Hương Thảo

Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, định hướng phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy tiềm năng, lợi thế, truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn. Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa chia sẻ: “Theo đó, tập trung xây dựng các khu đô thị dọc theo tuyến sông Mã. Đây là khu vực có tiềm năng to lớn để có thể khai thác phát triển du lịch gắn với phát triển đô thị, bảo tồn văn hóa và phát huy giá trị di tích hai bên bờ sông Mã, phát triển hình ảnh đặc trưng theo từng khu vực và tổng thể toàn đô thị. Hiện nay, khu vực Nam sông Mã đã được quy hoạch đầu tư với nhiều dự án lớn của các tập đoàn lớn trong nước đầu tư như: Vingroup, Sun Group, Hà Thành Group và nhiều tập đoàn đã đầu tư, đang trong quá trình triển khai tại dự án Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam Sông Mã, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa”.

Tại khu vực Hàm Rồng nói riêng, ông Hùng cho biết: “Cùng với đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá tạo sức lan tỏa rộng lớn về văn hóa, danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc trưng của địa phương, thành phố chú trọng công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nhất là kêu gọi các nhà đầu tư có tâm và có tầm, đủ sức khơi dậy tiềm năng, giá trị khu vực Hàm Rồng. Thành phố luôn cầu thị lắng nghe các ý kiến đóng góp của khách du lịch, mời chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để đánh giá tìm ra các giải pháp đột phá cho phát triển du lịch tại đây”.

Đi trong lòng Hàm Rồng - sông Mã hôm nay, trong không khí phấn khởi, tưng bừng kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2025), dường như chỉ cần chạm tay vào những rêu phong làng cổ, ngước mắt trông theo những ngọn núi, dòng sông, đặt chân đến những công trình văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ tiêu biểu... đã cảm nhận được sự ấm nóng của những vỉa tầng phù sa, của sự vận động và phát triển không ngừng. Đông đảo người dân từ khắp mọi nơi đổ về Hàm Rồng dâng nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do, Nhân dân được hưởng hạnh phúc, ấm no. Hai chữ “Quyết Thắng” tạc vào ngọn núi Cánh Tiên không chỉ là niềm tự hào mà còn là những bài học lịch sử, vừa là điểm tựa và cũng là động lực thúc giục thế hệ hôm nay biết sống và cống hiến xứng đáng với truyền thống cha ông đã tạo dựng. Đất và người cùng sống lại với những ký ức lịch sử không thể nào quên, cùng ngân vang khúc ca hòa bình...

Thùy Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]