(Baothanhhoa.vn) - Nhận thấy nhu cầu của thị trường về sản phẩm chế biến từ lươn lớn, có triển vọng phát triển theo quy mô hàng hóa nên anh Lê Văn Ánh, thôn 1, xã Hợp Thắng (Triệu Sơn) đã tìm hiểu, đầu tư cơ sở hạ tầng để nuôi lươn không bùn thương phẩm. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, mô hình của anh đã mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm, trở thành mô hình điểm, là cơ sở cung cấp con giống, kỹ thuật cho nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh.

Hiệu quả mô hình nuôi lươn không bùn

Nhận thấy nhu cầu của thị trường về sản phẩm chế biến từ lươn lớn, có triển vọng phát triển theo quy mô hàng hóa nên anh Lê Văn Ánh, thôn 1, xã Hợp Thắng (Triệu Sơn) đã tìm hiểu, đầu tư cơ sở hạ tầng để nuôi lươn không bùn thương phẩm. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, mô hình của anh đã mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm, trở thành mô hình điểm, là cơ sở cung cấp con giống, kỹ thuật cho nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh.

Hiệu quả mô hình nuôi lươn không bùn

Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình anh Lê Văn Ánh, xã Hợp Thắng (Triệu Sơn).

Sinh năm 1986, anh Lê Văn Ánh rời ghế nhà trường khá sớm và làm nhiều nghề để mưu sinh, phát triển kinh tế gia đình. Năm 2014, anh Ánh quyết tâm thử nghiệm nuôi lươn thương phẩm. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, anh không sử dụng con giống đã được thuần ở những cơ sở sản xuất giống uy tín mà lựa chọn phát triển từ giống lươn tự nhiên. Bằng cách thu gom lươn của người dân trong vùng đánh bắt, anh Ánh đã thu được giống cho 9 ô nuôi. Song, vì giống lươn tự nhiên chưa được thuần nên không phù hợp với nuôi nhốt vì vậy lươn bị chết nhiều, mô hình đứng trước nguy cơ phá sản.

Anh Ánh cho biết: "Quyết định phát triển sản xuất khi chưa nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật nên trong 3 năm liền từ 2014-2016 tôi liên tục gặp thua lỗ, gần như trắng tay. Song với ý chí quyết tâm, tôi đã vào các tỉnh phía Nam - nơi phát triển mạnh nghề nuôi lươn không bùn để học tập kinh nghiệm. Suốt mấy tháng ròng rã tìm hiểu, tham quan, học tập ở các tỉnh Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang..., tôi đã nhận ra “điểm yếu” của mình. Tự tin với kiến thức đã chắt lọc được, đầu năm 2018, tôi quyết định vay vốn của người thân để tái khởi nghiệp. Sau 12 tháng tái nuôi, đến tháng 4-2019, mô hình của tôi đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận 300 triệu đồng".

Nhờ những bài học kinh nghiệm trong 3 năm đầu thất bại và thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ thuật qua các nền tảng số, nên mô hình của anh Lê Văn Ánh được đầu tư bài bản, khoa học. Với diện tích khu nuôi rộng hơn 3.000m2, anh Ánh chia làm 2 khu nuôi, gồm 40 ô nuôi lươn thịt và 20 ô nuôi lươn giống. Đồng thời, toàn bộ khu ruộng xung quanh nhà được anh thuê, thầu lại của người dân để thiết kế hệ thống xử lý nước. Để lươn sinh trưởng, phát triển tốt, hằng ngày trước khi cho ăn đều phải thay nước, bảo đảm nguồn nước không bị ô nhiễm để phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, anh Ánh đã lắp đặt máy sục khí, máy bơm, máy lọc nước... để tiết kiệm kinh phí thuê nhân công và đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

Anh Lê Văn Ánh cho biết: "Để thành công mô hình nuôi lươn không bùn này, theo tôi, việc đầu tiên phải là nguồn nước sạch, không có vi khuẩn và lựa chọn được con giống bảo đảm, phù hợp. Không sử dụng giống lươn tự nhiên bởi lươn tự nhiên không thích nghi được với môi trường mới, dễ nhiễm bệnh, chết".

Để sản xuất bền vững, ngoài chú trọng đầu tư kỹ thuật, anh Ánh đã tìm kiếm thị trường, liên kết với các đầu mối lớn để tiêu thụ sản phẩm thông qua các nền tảng công nghệ số. Nhờ đó, đến nay, lươn thương phẩm của gia đình anh Lê Văn Ánh không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hà Nội... Để bảo đảm cung ứng bền vững cho thị trường, anh Ánh đã thực hiện nuôi xen canh, gối vụ, theo từng giai đoạn nên sản phẩm ổn định quanh năm. Mỗi năm, cung ứng cho thị trường từ 4 đến 5 tấn lươn thương phẩm. Ngoài ra, anh còn cung cấp cho nhiều cơ sở nuôi trong, ngoài tỉnh khoảng 20 vạn lươn giống/năm. Tổng doanh thu của mô hình khoảng 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về khoảng 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên và những đợt cao điểm số lao động có thể đạt đến 20 người. Hiện nay, anh đã cải tạo khoảng 300m2 ao nuôi phủ bạt để dự định thử nghiệm nuôi lươn trên ao nước trong.

Đồng chí Nguyễn Quyết Tính, Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thắng, cho biết: "Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình anh Lê Văn Ánh là mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, có triển vọng nhân rộng trong Nhân dân. Hiện nay, UBND xã đã tuyên truyền về hiệu quả của mô hình, đồng thời, kêu gọi người dân đến tham quan và nhân rộng mô hình. Đồng thời, hỗ trợ gia đình anh Lê Văn Ánh thành lập HTX nuôi lươn không bùn Hợp Thắng để hỗ trợ, liên kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ tham gia nuôi lươn trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]